Năm 2018, lần đầu tiên một người khuyết tật Việt Nam được trao giải thưởng Ramon Magsaysay 2018 (hay còn được gọi là Nobel Hòa Bình của châu Á). Trước đó, bà cũng được trao một số giải thưởng uy tín của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc… tôn vinh cá nhân có thành tích xuất sắc đối với vấn đề phúc lợi cho người khuyết tật tại châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2018, lần đầu tiên một người khuyết tật Việt Nam được trao giải thưởng Ramon Magsaysay 2018 (hay còn được gọi là Nobel Hòa Bình của châu Á). Trước đó, bà cũng được trao một số giải thưởng uy tín của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc… tôn vinh cá nhân có thành tích xuất sắc đối với vấn đề phúc lợi cho người khuyết tật tại châu Á - Thái Bình Dương.
TS.Võ Thị Hoàng Yến. Ảnh: H.Q |
Bà là người sáng lập và Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh - thúc đẩy các quyền và sự hòa nhập của người khuyết tật. Bà là TS.Võ Thị Hoàng Yến, sinh năm 1966 tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
* Là tiến sĩ ở tuổi 52
* Khi nào thì bà thực sự nhận ra mình là người khuyết tật? Và bà đón nhận ra sao?
- Lần đầu tiên tôi nhận thức được mình khuyết tật là khi vào bậc THCS, tôi chuyển ra trường mới và bị bạn học chọc ghẹo, nhái dáng đi, gọi tôi là “Quách Què ”. Tuổi còn nhỏ nên tôi khá sốc, tuy nhiên có lẽ do bản tính mạnh mẽ nên tôi vượt qua giai đoạn đó khá dễ dàng và sau này tôi mới biết, nhiều người khuyết tật đã không vượt qua được những mặc cảm đầu tiên khi nhận thức được mình là người khuyết tật. Tôi chỉ nghĩ mình phải học thật giỏi để các bạn không trêu nữa. Tôi là một trong 3 người có điểm thi tốt nghiệp cao nhất của trường THPT Long Thành lúc đó và thi đậu vào Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh.
Khi tôi tốt nghiệp đại học, xin việc làm không được nên về bán hàng giúp người chị gái. Có lẽ cuộc đời sẽ êm ả trôi đi nếu tôi an phận làm một cô bán hàng. Nhưng tôi nghĩ mình phải thay đổi, nên tôi đi học ngoại ngữ với mục đích để dạy kèm.
* Có phải cơ hội việc làm thời đó rất khó khăn với người khuyết tật?
- Tôi sẽ kể câu chuyện của mình để trả lời cho câu hỏi này. Khi lấy bằng B tiếng Anh xong thì một người bạn giới thiệu tôi ứng tuyển vào vị trí kế toán trưởng của một công ty khá lớn. Hồ sơ của tôi lọt qua vòng sơ tuyển khá dễ dàng và giám đốc công ty hẹn trực tiếp phỏng vấn. Khi người giám đốc bước vào, tôi dợm đứng lên chào hỏi thì anh xua tay hàm ý bảo không cần nên tôi vẫn ngồi trên ghế. Cuộc phỏng vấn diễn ra suôn sẻ và anh nhận tôi vào vị trí kế toán trưởng công ty. Sau đó anh có cuộc họp gấp và rời đi, chỉ còn người trợ lý và người đó nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ. Tôi về nhà chờ và chỉ vài hôm sau là nhận được tin từ chối mà không có một lời giải thích nào rõ ràng. Nhưng tôi hiểu, mình bị từ chối vì mình là người khuyết tật.
* Có phải cú sốc đó là động lực khiến bà nghĩ mình sẽ phải làm gì đó để thay đổi nhận thức xã hội về người khuyết tật không?
- Sau lần đó tôi rất buồn nên tìm đến một mái ấm mồ côi, dạy kèm ngoại ngữ cho các em khuyết tật. Thời điểm đó Việt Nam đã có internet và thông qua đó, tôi biết thế giới có những phong trào rất nhân văn dành cho những người khuyết tật và tôi ấp ủ mình phải làm một điều gì đó để trao cơ hội cho những người khuyết tật.
May mắn là khi đó một tổ chức của Anh tài trợ cho chúng tôi thực hiện một cuộc triển lãm ảnh về cuộc sống của người khuyết tật qua ống kính của người khuyết tật. Triển lãm gây nên một tiếng vang lớn, rất được quan tâm. Ngay sau đó tôi được mời dự 2 hội thảo liên quan đến người khuyết tật ở Hoa Kỳ và Thái Lan. Những chuyến đi đó thực sự “mở mắt” cho tôi. Tôi gặp những người khuyết tật nặng nề hơn nhiều, phải ngồi xe lăn, thở ôxy, nhưng vẫn là giám đốc những trung tâm lớn dành cho người khuyết tật, hoạt động vô cùng sôi nổi.
* Vào thời điểm năm 2000, việc đi du học với người bình thường đã khó, vì sao một phụ nữ 35 tuổi khuyết tật lại có thể một mình đến Hoa Kỳ học thạc sĩ?
- Tôi được một chị nhân viên xã hội giới thiệu thông tin về học bổng do Quỹ Ford tài trợ và tôi quyết định làm hồ sơ. Tôi là người nhận được bộ hồ sơ xin học bổng cuối cùng và chỉ có 3 ngày để hoàn tất (trả lời tất cả các câu hỏi và tìm 2 thư giới thiệu), là một trong 18 người Việt Nam và là người khuyết tật duy nhất giành được học bổng. Học bổng cho phép tôi chọn bất cứ trường đại học nào trên thế giới và tôi chọn học ngành phát triển con người tại Đại học Kansas, Hoa Kỳ.
Sau đó là tìm trường, được nhận học và lo visa trong khoảng thời gian chỉ hơn 1 tháng, tôi phải vội vàng bay đến Mỹ vì đã quá thời hạn nhập học. Sau chuyến bay dài hơn 36 giờ với 3 lần nối chuyến, tôi còn nhớ lúc đó mình chỉ nặng 40kg, xuống sân bay sau chuyến bay dài, da dẻ xanh mét. Đón tôi là vợ chồng người giáo sư mà tôi coi như người cha thứ 2 của mình.
Có rất nhiều khó khăn trong việc học hành bởi tôi là sinh viên nước ngoài duy nhất trong trường lúc đó, sức khỏe lại không tốt. Tôi gần như đã dùng hết quyết tâm và sức lực của mình để vượt qua và về nước bởi trong sâu thẳm tôi vẫn ấp ủ những dự định lớn cho cộng đồng người khuyết tật. Và muốn làm được, bản thân tôi phải đủ tri thức trước đã.
* Và bà vẫn “đeo bám” con đường tri thức, trở thành tiến sĩ ở tuổi 52 - điều mà ngay cả những người khỏe mạnh hoàn toàn cũng không dễ gì làm được?
- Sau 3 năm, tôi lấy bằng thạc sĩ và giáo sư đề nghị tôi ở lại để tiếp tục lấy bằng tiến sĩ. Khi báo cáo khóa luận tốt nghiệp tại trụ sở Ngân hàng Thế giới, một tổ chức quốc tế mời tôi về làm việc và đó là một cơ hội lớn. Tôi phân vân, đấu tranh khá nhiều, và cuối cùng tôi quyết định giữ lời hứa với bản thân mình trước khi đến Hoa Kỳ, tôi trở về Việt Nam và thành lập Trung tâm khuyết tật và phát triển.
Tôi nghĩ thành lập trung tâm 3 năm rồi sẽ quay lại Hoa Kỳ học tiến sĩ. Nhưng rồi tổ chức phát triển quá nhanh, công việc quá nhiều và nó cứ cuốn tôi đi mãi và 10 năm sau tôi mới có thể tiếp tục con đường học hành của mình. Tôi học và lấy bằng tiến sĩ về công tác xã hội từ Đại học La Trobe, Australia ở tuổi 52.
* Người khuyết tật cần có môi trường phát triển, trở thành người có ích
* Trong cảm nhận của bà, sự kỳ thị dành cho người khuyết tật ở xã hội Việt Nam có phổ biến không? Dù đó là một “sự kỳ thị tinh tế”?
- Quan niệm xã hội truyền thống khắc nghiệt vẫn còn rơi rớt đâu đó, rằng khuyết tật là “tội của kiếp trước”, hoặc xét về mặt xã hội thì người khuyết tật bị cho là “gánh nặng của xã hội”. Vậy nên nhận thức này vẫn khiến nhiều người khuyết tật bị tổn thương.
Còn về sự kỳ thị một cách tinh tế? Đáng buồn là vẫn có. Chẳng hạn, khá nhiều doanh nghiệp hay tổ chức sẽ không nhận người khuyết tật vào làm việc, dù không ai nói công khai chuyện đó, cũng không có sự giải thích rõ ràng nào về sự từ chối đó. Người khuyết tật thậm chí còn không được trao một cơ hội cạnh tranh công bằng về năng lực với một ứng viên xin việc bình thường hay cơ hội thăng tiến về sau.
* Theo bà, đâu là thái độ ứng xử đúng đắn với một người khuyết tật?
- Có 2 xu hướng chính trong ứng xử: hoặc kỳ thị hẳn, hoặc ưu ái và bảo vệ thái quá. Cả hai đều là cách ứng xử sai. Ngay cả gia đình, cha mẹ, anh chị em, bạn bè của người khuyết tật thì quá yêu thương và ưu tiên, chiều chuộng cũng sai luôn.
Hãy xem một đứa trẻ khuyết tật giống như một đứa trẻ không khuyết tật khác. Tôi không dùng từ “người bình thường” vì theo định nghĩa của Liên hợp quốc thì mọi người đều là “người bình thường”, chỉ có người khuyết tật và người không khuyết tật. Và nếu gia đình có một đứa trẻ khuyết tật, hãy đối xử và dạy dỗ theo cách thông thường: yêu thương, tôn trọng nhưng đồng thời cũng yêu cầu đứa trẻ đó những trách nhiệm mà nó cần có. Người lớn chỉ cần tạo điều kiện thích hợp cho đứa trẻ đó, đừng chiều hư, đừng ưu ái quá.
* Sau tất cả, điều gì sẽ giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm và sống vui?
- Mặc cảm của người khuyết tật là cả một quá trình “bồi đắp”, cần một giải pháp tổng thể để giải quyết mặc cảm đó. Đi kèm với đó là môi trường xã hội cũng phải thay đổi. Do đó để làm người khuyết tật không còn “vô hình” nữa thì cần một giải pháp lớn, tổng thể chứ không phải chỉ vài ba cách làm riêng lẻ.
Điều quan trọng nhất khiến một người khuyết tật có đủ nghị lực sống là cảm giác mình có ích, cảm giác mình không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Sự giúp đỡ nhân văn nhất là giúp người khuyết tật có môi trường phát triển, trở thành người có ích, được trao cơ hội và cao hơn nữa, được có cơ hội cống hiến.
* Xin cảm ơn bà!
Chúng tôi đang thực hiện một dự án hỗ trợ người khuyết tật, đặc biệt là hỗ trợ cho những người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi đã làm ở Bình Định, Tây Ninh trong 5 năm qua và sắp tới tôi muốn mang chương trình này đến Đồng Nai - quê hương tôi, khởi đầu là TP.Biên Hòa và huyện Long Thành. Chương trình chủ yếu giúp các anh chị phát triển các kỹ năng xã hội, nắm bắt chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người khuyết tật, hỗ trợ vốn làm ăn... cũng như hỗ trợ thêm kỹ năng công tác xã hội cho những người khác. |
Kim Ngân (thực hiện)