Bước vào năm học mới chưa được bao lâu, trên địa bàn tỉnh đã có một số vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra với học sinh khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.
Hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông cho học sinh trên đường đến trường và từ trường về nhà. Đây là vấn đề mà gia đình, nhà trường và các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa.
Để đường đến trường an Giao thông ùn tắc nghiêm trọng trước khu vực cổng Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* Nỗi lo TNGT
Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng Thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) đã tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm đối với 226 trường hợp xe đưa đón học sinh mất an toàn giao thông với tổng số tiền xử phạt gần 200 triệu đồng. Các lỗi vi phạm phổ biến như: lái xe sử dụng giấy phép lái xe không phù hợp, dừng, đậu sai quy định, chở quá số người trên xe, không có phù hiệu theo quy định… Trong đó, lực lượng chức năng đã tước giấy phép lái xe của 13 tài xế. |
Vào khoảng 15 giờ 30 ngày 12-9, em L.V.T.V. (học sinh Trường THPT Ngô Quyền) được bạn chở trên đường đi học về nhà. Khi đến khu vực ngã tư Lạc Cường (TP.Biên Hòa) thì ngã xuống đường và bị xe container cán qua dẫn đến tử vong tại chỗ. Người điều khiển xe máy chở em V. cũng bị cuốn vào gầm xe container, bị chấn thương nặng.
Trước đó không lâu vào chiều 19-8, em N.H.P. (học sinh Trường THPT Dầu Giây, ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) điều khiển xe máy trên đường đi học về, khi đến km04+400 quốc lộ 20 (thuộc ấp Lê Lợi 2, xã Quang Trung) thì xảy ra va chạm với xe tải dẫn đến tử vong.
Từ đầu năm học mới đến nay, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận nhiều ca chấn thương nặng liên quan đến TNGT, đặc biệt là các trường hợp từ tuyến huyện chuyển lên. Trong đó, độ tuổi từ 10-15 tuổi chiếm chủ yếu. Những bệnh nhân này thường đi xe máy, xe đạp điện đến trường và xảy ra va chạm với các phương tiện khác.
Bác sĩPhạm Văn Khương, Khoa Chấn thương - chỉnh hình Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết, hiện khoa đang điều trị cho khoảng 40 ca bị TNGT với 30% số ca cần điều trị chuyên sâu, chỉ định phải mổ do chấn thương rất nặng. Với những trường hợp bị TNGT do trẻ không đội mũ bảo hiểm dễ dẫn đến chấn thương sọ não điều trị khá vất vả và thường để lại nhiều di chứng.
Dù con trai vừa trải qua đợt phẫu thuật với kết quả tốt, anh Vũ Văn Hùng (ngụ xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) vẫn chưa bớt lo lắng. Vào ngày 10-9, trên đường đi học về khi chỉ còn cách nhà vài trăm mét, con trai anh xảy ra va chạm với một chiếc xe tải. Hậu quả, cháu bị gãy tay, chân, phần mặt chấn thương nặng, gãy phần xương mặt.
“Gia đình rất buồn khi vừa mới bước vào năm học mới mà cháu đã gặp nạn, việc học hành chắc chắn bị gián đoạn do thời gian điều trị kéo dài” - anh Hùng nói.
* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông
Trong 8 tháng của năm 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa đã xử phạt hơn 170 trường hợp không đủ tuổi điều khiển xe máy. Các trường hợp vi phạm ngoài bị lập biên bản còn bị gửi thông báo về cho nhà trường để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức học sinh trong việc đảm bảo an toàn giao thông. |
Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai ở một số trường THPT trên địa bàn TP.Biên Hòa cho thấy vẫn còn tình trạng học sinh điều khiển xe máy đến trường. Luật Giao thông đường bộ quy định học sinh chưa đủ tuổi (chưa có giấy phép lái xe) không được điều khiển xe máy từ 50cm3 trở lên. Để đối phó với quy định “cấm” này, nhiều học sinh đi xe máy đến cổng trường rồi gửi xe ở quán nước hay nhà dân gần đó để vào lớp học.
Tình trạng học sinh điều khiển xe máy, xe đạp điện không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định an toàn giao thông diễn ra khá phổ biến với các lỗi vi phạm như: không đội mũ bảo hiểm, di chuyển lạng lách, chở ba, dàn hàng ngang trên đường… Những hình ảnh này xuất hiện nhan nhản ở khắp nơi, nhất là sau giờ tan học.
Nhiều người vì một số lý do mà muốn đưa con em đến trường hoặc về nhà sao cho nhanh và thuận tiện nhất. Đó là chở nhiều trẻ một lúc, không đội mũ bảo hiểm, không dây đai an toàn… Thậm chí, nhiều người dù đã xuống xe vẫn để trẻ ngồi trên xe mà không chút lo lắng. Điều này thật sự nguy hiểm, bởi trẻ em thường không có phản xạ nhanh trong những tình huống bất ngờ.
Nói về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Vinh (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết: “Nhiều người còn vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu chẳng may gặp sự cố té ngã, va chạm giao thông”.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng không khỏi lo lắng khi gửi con em đi học bằng xe đưa rước học sinh. Mới đây, qua kiểm tra, Thanh tragiao thông (Sở Giao thông - vận tải) đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm như: lái xe sử dụng giấy phép lái xe không đúng theo quy định, chở quá số người quy định, không có phù hiệu theo quy định…
Trong các lần kiểm tra trước đó, Thanh tragiao thông (Sở Giao thông - vận tải) cũng phát hiện nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn chất lượng, chủ xe sẵn sàng thay đổi thiết kế xe, tháo các ghế ngồi riêng lẻ rồi làm thành băng ghế dài để có thể chở được nhiều học sinh hơn. Không ít trường hợp xe chưa được cấp phù hiệu, xe hết hạn đăng kiểm, lái xe thiếu chứng chỉ chuyên môn. Thậm chí có trường hợp dùng xe tải thùng để tham gia đưa đón học sinh.
* “Căng thẳng” ùn tắc trước cổng trường
Trong những năm gần đây, vấn đề ùn tắc trước cổng trường xảy ra nhiều nơi và ngày càng phức tạp ảnh hưởng rất lớn tình hình lưu thông của các phương tiện, trở thành nỗi “ám ảnh” của phụ huynh và học sinh khi đưa, đón con đi học.
Tình trạng kẹt xe ở TP.Biên Hòa đáng lo nhất là tại khu vực trước cổng các trường tiểu học: Trịnh Hoài Đức (phường Trung Dũng), Nguyễn Du (phường Quyết Thắng), Nguyễn Tri Phương (phường Hố Nai), Lý Thường Kiệt (phường Tân Hiệp); Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa)...
Vào giờ tan học, hàng trăm học sinh Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân ùa ra đường, những phương tiện qua đây đều dừng lại chờ học sinh qua. Điều đáng nói, dù lâu nay ở khu vực này đã có cầu vượt cho người đi bộ, nhưng học sinh vẫn không sử dụng. Tình trạng này dẫn đến giao thông trước cổng trường ùn tắc nghiêm trọng, các phương tiện lưu thông ở các hướng đều gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm tan trường buổi chiều, kẹt xe kéo dài cả cây số.
Đồ họa thể hiện các trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc trước cổng trường vào các giờ cao điểm sáng và chiều. Thông tin: Thanh Hải. Đồ họa: dương ngọc |
Đại diện nhà trường cho biết, nguyên nhân của vấn đề trên ngoài ý thức học sinh chưa được nâng cao, nhiều em lười leo bộ qua cầu vượt mà chọn “đi tắt” ngay giữa đường. Một lý do khác là nhiều phụ huynh đưa đón con đến trường thường đậu xe ngay dưới đường gây cản trở giao thông khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, nhà trường sẽ cử lực lượng bảo vệ phối hợp để điều tiết giao thông trước cổng trường.
Thiếu tá Võ Ngọc Vương, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự Công an TP.Biên Hòa cho biết, trong khi phương tiện tập trung đông, không ít phụ huynh dừng, đậu xe tùy tiện, tạt ngang tạt dọc,chẳng ai nhường ai khiến tình hình giao thông càng thêm hỗn loạn.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc trước cổng trường học, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Biên Hòa đã thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng” để phân luồng, điều tiết, đặc biệt là các khung giờ cao điểm sáng và chiều. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở các phụ huynh đậu xe gọn gàng, đúng khu vực để không xảy ra kẹt xe, gây cản trở giao thông.
Thanh Hải
Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Từ Nam Thành:
Tự giác đội mũ bảo hiểm cho học sinh
Tại cổng các trường tiểu học vẫn còn không ít bậc phụ huynh đưa đón con em đi học bằng xe máy. Trong khi bản thân mình đội mũ bảo hiểm đầy đủ nhưng phụ huynh lại chưa thực sự quan tâm đến việc đội mũ cho trẻ. Vì vậy, nhà trường phải thường xuyên nhắc nhở phụ huynh tự giác đội mũ bảo hiểm cho học sinh mỗi khi đi lại bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện góp phần hạn chế những vụ tai nạn và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình:
Đảm bảo cho học sinh đi lại an toàn
Sở GD-ĐT yêu cầu các trường học nằm sát các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nơi có phương tiện tham gia giao thông đông đúc, phức tạp đảm bảo cho học sinh đi lại an toàn. Thời điểm sau tan học, nhà trường phải phối hợp cùng chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp như: tổ chức giờ tan lớp từng khối, từng cấp và học không trùng giờ; huy động các lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ dân phố điều hành tại các nút giao thông trước cổng trường vào các giờ cao điểm.
Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, Thiếu tá Nguyễn Hải Dương:
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giao thông
Lực lượng cảnh sát giao thông tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ cao dễ dẫn đến tai nạn. Đồng thời tuyên truyền phổ biến, giáo dục các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.
Chánh thanh tra giao thông (Sở Giao thông - vận tải) Nguyễn Phan Trong:
Xử lý nghiêm vi phạm xe đưa đón học sinh
Trước thời điểm năm học mới bắt đầu, Sở Giao thông - vận tải đã xây dựng kế hoạch đề nghị các sở, ngành và địa phương cùng phối hợp triển khai việc quản lý, xử lý xe đưa đón học sinh trên địa bàn. Trong đó, lực lượng Thanh tra giao thông đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp xe đưa đón học sinh vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàngiao thông; nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Dương Ngọc