Xã hội

Hiệu quả từ mô hình 5S

Mô hình 5S (bao gồm: sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) đang được nhiều doanh nghiệp (DN) phát động sâu rộng và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người lao động (NLĐ).

Những tấm biển tuyên truyền mô hình 5S được treo tại xưởng Công ty cổ phần An Phú Thịnh (xã An Phước, huyện Long Thành). Ảnh: Lan Mai
Những tấm biển tuyên truyền mô hình 5S được treo tại xưởng Công ty cổ phần An Phú Thịnh (xã An Phước, huyện Long Thành). Ảnh: Lan Mai

Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đảm bảo môi trường làm việc ngăn nắp, thân thiện, an toàn lao động trong DN.

* An toàn trong lao động

Một trong những DN thực hiện tốt mô hình 5S phải kể đến Công cổ phần phân bón Việt Nhật (Khu công nghiệp (KCN) Gò Dầu, huyện Long Thành). Với các dây chuyền sản xuất phân bón theo công nghệ hiện đại, DN luôn quan tâm cải thiện môi trường làm việc thân thiện, sạch sẽ và ngăn nắp. Chị Đỗ Thị Xuân Viên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty cho biết, mô hình 5S được DN thực hiện nhiều năm nay đã mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện hệ thống dây chuyền sản xuất đảm bảo an toàn lao động. Nhiều công nhân nhờ tham gia mô hình này đã tăng thu nhập nhờ việc cải tiến kỹ thuật, sắp xếp máy móc, dụng cụ hợp lý hóa trong sản xuất.

5S là mô hình cải tiến môi trường làm việc và quản lý kỹ thuật bắt nguồn từ Nhật Bản vào những năm 1980. Năm 1993, 5S lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu duy trì môi trường quản lý chất lượng, tăng lợi nhuận, tăng tính hiệu quả, cải tiến dịch vụ và cải thiện an toàn lao động. Tại Đồng Nai, nhiều DN đã áp dụng mô hình này và mang lại hiệu quả, hạn chế cháy nổ, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc.

“Nếu như trước đây, công nhân có thói quen làm việc theo chỉ tiêu được giao, không quan tâm đến việc phát huy khả năng sáng tạo trong công việc nhằm đảm bảo an toàn lao động, sắp xếp hợp lý hàng hóa, thì từ khi áp dụng mô hình 5S, công nhân đã thay đổi tác phong làm việc năng động, chuyên nghiệp hơn. Nhiều công nhân thích ứng với công việc nhanh, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, vượt các chỉ tiêu được giao trong ngày” - chị Viên chia sẻ.

Cũng áp dụng mô hình 5S vào quá trình quản lý sản xuất, tại Công ty hữu hạn chế tác công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa), ấn tượng đầu tiên là phong cách làm việc mang đến sự thoải mái cho NLĐ. Với đặc thù DN chuyên sản xuất cơ khí, phạm vi quản lý rộng, các khu vực sản xuất nằm rải rác, nhiều vị trí, thiết bị, hàng hóa như: kho vật tư dầu mỡ, rác thải xưởng gia công cơ khí… dễ phát sinh cháy nổ, nhưng nhờ ý thức và tần suất thực hiện việc sàng lọc, sắp xếp của công nhân nên hoạt động cải tiến 5S đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu suất lao động.

Anh Trần Văn Nhân, công nhân trực tiếp sản xuất tại VMEP cho hay: “Chúng tôi cảm thấy hài lòng khi tham gia mô hình 5S. Ngay khi công ty triển khai mô hình, mỗi công nhân đều ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường làm việc cũng như thói quen sắp xếp gọn gàng. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành nội quy của NLĐ, chủ động sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, thao tác nhanh hơn, tạo môi trường sạch sẽ và thoáng mát, tinh thần thoải mái khi làm việc”.

Theo Phó chủ tịch CĐCS Công ty VMEP Phạm Văn Vui, bằng thông điệp sắp xếp nơi làm việc như chính nơi ở của mình, mô hình 5S đã được đông đảo công nhân hưởng ứng, nâng cao tinh thần tập thể, khuyến khích sự hoà đồng của mọi người. Cụ thể, số lượng công nhân tham gia cải tiến kỹ thuật tạo môi trường làm việc an toàn ngày càng tăng. Trong đó, phong trào cải thiện mối nguy hại tại nơi làm việc đã tạo được hiệu ứng tích cực trong NLĐ, qua đó nhiều tập thể và cá nhân đã được công ty khen thưởng và nâng lương. NLĐ có thái độ tích cực, có trách nhiệm và ý thức hơn với công việc.

* Xây dựng văn hóa 5S tại DN

Đến các DN thực hiện tốt mô hình 5S, dễ dàng thấy rõ sự ngăn nắp ngay từ cổng công ty đến khuôn viên làm việc. Ngoài các khẩu hiệu lớn về 5S được treo ở những nơi dễ thấy nhất trong và ngoài DN, mỗi tổ, mỗi chuyền sản xuất còn đặt ra các khẩu hiệu nhỏ theo từng nhóm để NLĐ cùng hợp tác thực hiện.

Anh Mai Viết Quý, Quản lý xưởng sản xuất bảo hộ lao động Công ty cổ phần An Phú Thịnh (xã An Phước, huyện Long Thành) cho biết, mô hình 5S là nền tảng cơ bản để thực hiện các hệ thống đảm bảo chất lượng xuất phát từ quan điểm: nếu làm việc trong môi trường lành mạnh, sạch đẹp, tiện lợi thì tinh thần sẽ thoải mái hơn, năng suất lao động sẽ cao hơn và có điều kiện để áp dụng một hệ thống quản lý chất lượng. Nhờ đó, thời gian thao tác của công nhân tại một số dây chuyền sản xuất được rút ngắn 60% so với trước. “Mục đích của công ty khi áp dụng mô hình 5S là mong muốn giảm thiểu lãng phí, tăng năng suất sản phẩm” - anh Quý cho hay.

Trong khi đó, ông Đào Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH dụng cụ cơ khí và y tế Vpic Việt Phát (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) cho biết, để mô hình 5S phát huy hiệu quả và duy trì ổn định, công ty đã hình thành những không gian sinh hoạt ngay trong xưởng làm việc, đó là những buổi sinh hoạt đầu giờ sản xuất, những bảng thông báo về tình hình thực hiện 5S. Từ đó, ý thức và tác phong làm việc của NLĐ được nâng lên. Cụ thể, không gian xưởng sản xuất trở nên gọn gàng, giảm thời gian tìm kiếm các linh kiện cũng như đảm bảo được an toàn lao động. Việc sàng lọc, sắp xếp hàng ngàn thiết bị sản xuất theo phương châm “dễ thấy, dễ lấy, dễ trả lại” để tránh mất thời gian tìm kiếm, giảm thiểu thao tác phụ và thuận tiện cho công việc là điều cần thiết.

Tuy nhiên theo ông Việt, để mang lại hiệu quả về lâu dài, các DN cần xây dựng cho mình một văn hóa 5S mà trong đó mọi nhận thức, hành động của cán bộ, NLĐ đều tuân thủ theo những định hướng, nội quy lao động và lợi ích tập thể đã đề ra. Điều này đòi hỏi sự thay đổi đồng bộ, đặc biệt là công nhân trực tiếp làm việc tại các phân xưởng, giúp họ nhận thức về môi trường làm việc khoa học, hiện đại, hiệu quả tiết kiệm chi phí và thời gian quản lý.

Nguyễn Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,892,481       1/789