Xã hội

Để không lạm thu tiền trường

Vào đầu năm học mới, phụ huynh lại canh cánh với nỗi lo chi tiêu mua sắm, đóng góp cho con em mình, nhất là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Do vậy, Sở GD-ĐT đã có chỉ đạo các trường tuyệt đối không được thu những khoản không có trong quy định.

Giáo viên Trường mầm non Hướng Dương (TP.Biên Hòa) tổ chức hoạt động cho trẻ. Ảnh: C. Nghĩa
Giáo viên Trường mầm non Hướng Dương (TP.Biên Hòa) tổ chức hoạt động cho trẻ. Ảnh: C. Nghĩa

Chị Phạm Thị H. có 2 con đang học một trường tiểu học và THCS tại xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom). Vào đầu năm học chị đã phải chi số tiền không nhỏ cho con mua sắm sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục. Sắp tới, chị còn phải lo thêm những khoản tiền đóng góp khác như: cơ sở vật chất, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, quỹ lớp, quỹ phụ huynh, quỹ khuyến học… cho con. Nếu bằng với mức đóng đầu năm học trước thì chị sẽ phải chuẩn bị trên 1 triệu đồng cho mỗi người con.

* Nỗi lo đầu năm học

Điều chị H. cảm thấy băn khoăn là mới đây một trong 2 trường nơi con chị đang học thông báo chủ trương xã hội hóa công trình sân trường bằng tiền đóng góp của phụ huynh. Theo đó, công trình sân trường dự kiến cần đến 600 triệu đồng, học sinh phải đóng góp khoảng 600 ngàn đồng và chia ra đóng góp trong 3 năm học (mỗi năm 200 ngàn đồng). Với số lượng học sinh của trường đông lên đến gần 2 ngàn em, nếu mỗi phụ huynh học sinh phải đóng góp 200 ngàn đồng/năm học trong 3 năm học liên tục thì số tiền có thể thu được lên tới cả tỷ đồng, như vậy là “không ổn” và phụ huynh không đồng ý đóng góp khoản thu này.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình: Phải dân chủ và công khai từng khoản thu, chi đầu năm

Các trường được thu những khoản nào vào đầu năm học và trong cả năm học đều có hết trong quy định, do đó không được tự ý đặt ra thêm các khoản thu nào khác để tránh gây thắc mắc cho phụ huynh. Với những khoản thu tự nguyện như quỹ phụ huynh thì phải thực sự tự nguyện, ai có điều kiện tham gia tới đâu thì đóng góp tới đó, tránh tình trạng phụ huynh khó khăn phải “chạy theo” phụ huynh khá giả. Các khoản thu và chi từ các quỹ phải dân chủ và công khai, tuyệt đối không được để biến tướng tiêu cực.

Lãnh đạo trường đang có dự định huy động phụ huynh đóng góp xây dựng sân trường cho biết, sân trường hiện hữu là nền đất nên không được sạch sẽ, ảnh hưởng đến các hoạt động của học sinh dưới sân trường. Do kinh phí của trường hạn hẹp, nếu chờ kinh phí Nhà nước cấp thì lâu nên nhà trường dự kiến xã hội hóa bằng đóng góp của phụ huynh. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin phụ huynh chưa đồng ý nên nhà trường sẽ tiếp tục lắng nghe và tìm sự đồng thuận, có điều kiện mới triển khai.

Chị K.N. hiện có con học tại Trường THCS Thống Nhất (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, đến thời điểm này nhà trường chưa tổ chức họp phụ huynh nên chưa biết rõ các khoản chi đầu năm học. Nhưng đầu năm học trước ngoài bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đóng gần 600 ngàn đồng, chị còn phải đóng cho con quỹ phụ huynh trường 300 ngàn đồng, quỹ phụ huynh lớp 100 ngàn đồng. Trong khi đồng phục học sinh chị có thể mua ở bên ngoài thì đồng phục học thể dục chị N. bắt buộc phải mua tại trường.

Còn chị Nguyễn Tuyết Nhung có con học lớp bán trú tại Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho biết, ngoài mức đóng trọn gói, gồm cả học phí và bán trú, thì đầu năm học chị đã phải đóng nhiều khoản ở trường như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, đồng phục, ba lô, sách tiếng Anh, bộ vở luyện chữ, giấy kính bọc vở, bộ mền gối nệm ngủ dùng ngủ trưa ở trường. Ngoài ra, chị Nhung còn phải đóng những khoản tự nguyện như quỹ khuyến học lớp, quỹ lớp. Chị Nhung bộc bạch: “Lo cho con vào đầu năm học tiền sách giáo khoa, vở viết không nhiều nhưng các khoản thu ở trường nhiều loại cộng dồn vào nên ra số tổng không hề nhỏ, lên tới vài triệu đồng”.

* Để tự nguyện không là gánh nặng

Việc đóng góp cho con thường tập trung nhiều nhất là vào đầu năm học, do đó nhà trường cần cân nhắc các khoản mua sắm, đóng góp để hạn chế áp lực về tài chính cho phụ huynh.

Chị Nguyễn Ngọc Huyền làm công nhân ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) cho hay, có những khoản đóng góp bắt buộc như học phí thì không cần bàn tới vì có mức cụ thể, công khai rõ ràng và đóng theo tháng. Nhưng với những khoản như: bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cộng gộp vào đóng 1 lần thì phụ huynh hơi khó khăn vì đầu năm học còn nhiều khoản mua sắm khác cho con.

Chị Lâm Thị Quế hiện có con học lớp 7 tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, việc con trúng tuyển vào trường công khiến các khoản đóng góp của chị dành cho con trở nên nhẹ nhàng hơn so với trường tư thục. Tuy nhiên, vào mỗi cuộc họp phụ huynh đầu năm hay giữa năm học chị lại được phen “dở khóc dở cười”. Chị Quế kể: “Mặc dù không được dư dả, nhưng khi họp phụ huynh có những khoản đóng góp trên tinh thần tự nguyện, các phụ huynh khác đều đồng ý, mình mà không đóng hoặc đóng mức thấp thì rất ngại và lo con biết sẽ tủi thân”.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Duyên cho biết, trước khi khai giảng năm học mới trường đã tổ chức đại hội phụ huynh cấp trường để thông báo kế hoạch năm học mới cho phụ huynh, đồng thời thống nhất các khoản đóng góp đầu năm. Trừ những khoản đóng góp bắt buộc là học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, nhà trường không tự ý đặt ra các khoản thu nào khác. Những khoản mua sắm như đồng phục đi học thì phụ huynh tự mua sắm, đồng phục thể dục được bán công khai giá tại trường. Những khoản quỹ như quỹ phụ huynh được phụ huynh tự quyết và tự chi tiêu, cuối năm công khai cho nhau biết để không phát sinh tiêu cực.

Còn Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Lộc Bùi Thị Mai Huê (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) thì cho hay, nhà trường chỉ thu một khoản bắt buộc là bảo hiểm y tế, riêng bảo hiểm tai nạn học sinh phụ huynh nếu thấy cần thì mua. Về đồng phục, nhà trường để phụ huynh tự mua sắm bên ngoài, thậm chí ghế ngồi chào cờ hay sinh hoạt ngoài trời nhà trường cũng hướng dẫn phụ huynh tự mua mang tới lớp. Nhờ cách làm này mà nhiều năm nay phụ huynh không thấy bị ép buộc, giáo viên cũng bớt bị chi phối thời gian thu tiền hay giải đáp thắc mắc cho phụ huynh.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,895,975       3/579