Theo Luật An toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động (NLĐ).
Đoàn giám sát liên ngành của Trung ương (gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài nguyên - môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật Việt Nam) kiểm tra công tác quan trắc môi trường, an toàn vệ sinh lao động tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa) dịp cuối năm 2018. Ảnh: A. Yên |
TIN LIÊN QUAN |
---|
* 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội
Bà Nguyễn Ngọc Kim Oanh, Trưởng phòng An toàn, sức khỏe Công ty TNHH Saitex International Đồng Nai (chuyên ngành may mặc bằng vải jean, Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) cho biết: Hằng năm, công ty đều thực hiện nghiêm chỉnh việc chăm sóc sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Cụ thể, năm 2018, công ty chi gần 16 tỷ đồng để trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, đo kiểm môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và phát hiện bệnh nghề nghiệp cho toàn thể NLĐ trong công ty, kiểm định đầy đủ và đúng thời hạn các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động… |
Căn cứ Thông tư số 15 ban hành năm 2016 của Bộ Y tế, hiện có 34 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội như: bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh hen nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp...
So với danh mục bệnh nghề nghiệp mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ban hành năm 2010 (105 bệnh), số bệnh nghề nghiệp mà nước ta công nhận còn quá ít và thiếu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, qua khám, chẩn đoán cho NLĐ trong tỉnh cho thấy, những bệnh mà NLĐ dễ mắc phải nhất là điếc nghề nghiệp do tiếng ồn (chiếm 70%, thường gặp đối với lao động tại các doanh nghiệp chuyên về dệt, cơ khí, gia công giày da), viêm phế quản mạn tính (20%, thường gặp với các doanh nghiệp chuyên về gỗ, hóa chất), còn lại là bệnh bụi phổi silic (thường gặp ở ngành xây dựng, khai thác vật liệu xây dựng), bụi phổi talc (gặp ở những công ty chuyên sản xuất cao su)…
* Bảo đảm quyền lợi chính đáng cho NLĐ
Theo quy định, NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% thì được hưởng trợ cấp một lần; bị suy giảm từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Hồ sơ hưởng bảo hiểm bao gồm: sổ bảo hiểm xã hội, giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp, biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của hội đồng giám định y khoa, văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu. Cơ quan bảo hiểm sẽ giải quyết trong 10 ngày, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Năm 2018, qua hội chẩn, giám định bệnh nghề nghiệp, cơ quan chức năng trong tỉnh phát hiện có 25 người bị bệnh điếc nghề nghiệp, 6 người bị viêm gan B nghề nghiệp, 1 người bị lao nghề nghiệp. |
Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho rằng, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc quy định đo, kiểm tra môi trường lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Khi NLĐ có dấu hiệu mắc bệnh nghề nghiệp cần đưa NLĐ đi giám định sức khỏe, không được né tránh.
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cho hay, công tác khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghiệp cho NLĐ được lãnh đạo công ty đặc biệt coi trọng. Từ đầu năm 2019 đến nay, công ty đã tổ chức cho hơn 7 ngàn NLĐ đi khám sức khỏe đầu vào để phân loại công việc. Những lao động làm việc trong môi trường độc hại được khám sức khỏe 2 lần/năm. Riêng những người có tiếp xúc với tiếng ồn được khám sức khỏe 3 lần/năm.
An Yên