Xã hội

Lắng nghe trẻ em nói

Diễn đàn trẻ em tỉnh Đồng Nai năm 2019 do Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với một số sở, ngành tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều vấn đề "nóng" rất cần được người lớn quan tâm, giải quyết rốt ráo để đảm bảo an toàn và sự phát triển lành mạnh cho các em.

Diễn đàn trẻ em tỉnh Đồng Nai năm 2019 do Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với một số sở, ngành tổ chức mới đây đã ghi nhận nhiều vấn đề “nóng” rất cần được người lớn quan tâm, giải quyết rốt ráo để đảm bảo an toàn và sự phát triển lành mạnh cho các em.

TS.Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh chia sẻ với học sinh về kỹ năng phòng chống bạo hành tại diễn đàn. Ảnh: C.NGHĨA
TS.Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh chia sẻ với học sinh về kỹ năng phòng chống bạo hành tại diễn đàn. Ảnh: C.NGHĨA

Tại diễn đàn, em T.N. đến từ huyện Tân Phú cho biết: “Mỗi lần cha say rượu là mỗi lần em bị cha cho ăn đòn và đến lớp với những vết thương bầm tím trên người”.

* Nguy hiểm rình rập

Em T.N. cho biết, em rất mong cơ quan chức năng có biện pháp can thiệp kịp thời với những người say rượu, có hành vi bạo hành với người khác, đặc biệt với trẻ em. Em còn phản ảnh thêm, nạn nhân bị bạo hành sau những cơn say của người lớn không chỉ có em mà còn một số bạn khác trong lớp. Em T.N. mong muốn được trang bị kỹ năng tự bảo vệ mình an toàn mỗi khi cha say rượu, bởi người say rất khó kiểm soát hành vi và họ có thể gây ra bất cứ chuyện gì.

TS.Vũ Thiện Toàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh:

Trẻ em cần được lắng nghe và chia sẻ

Để trẻ em mạnh dạn nói ra những điều các em nghĩ không phải là chuyện dễ dàng. Do đó, cha mẹ và thầy cô cần phải tạo cho trẻ em niềm tin, sự tôn trọng và hành động một cách chân thành. Khi người lớn lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ chân thành sẽ giúp trẻ em gạt bỏ đi những lo lắng.

Trong khi đó, em P.T. (huyện Trảng Bom) cho biết, em từng là nạn nhân của nạn dâm ô trẻ em, một số bạn của em cũng từng gặp vấn đề này. Em kể: “Trong một lần đi học về, em đi ngang qua con đường vắng, bất ngờ một người đàn ông đứng chặn đường em và có hành vi “khoe hàng” khiến em vô cùng hoảng sợ”. Em đề nghị: “Cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm những người có hành vi dâm ô trẻ em, đồng thời hướng dẫn kỹ năng thoát nạn cho trẻ em khi không may bị xâm hại”.

Em N.Q.M. đến từ huyện Long Thành thì nêu một câu chuyện khá phổ biến trong thời buổi mà chiếc điện thoại thông minh đang “chia cắt” các thành viên trong gia đình. Em Q.M. phản ảnh: “Em cảm thấy buồn khi cha mẹ đi làm về ai cũng chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại của mình, ngay cả khi ăn cũng không nói gì nhiều với nhau. Khi em có điều muốn hỏi cha mẹ hay anh chị thì chỉ nhận được câu trả lời “lên Google mà hỏi”. Q.M. bày tỏ lo lắng: “Cha mẹ em không biết rằng những câu trả lời của cha mẹ có giá trị gấp ngàn lần những câu trả lời em tìm được trên mạng”.

Một vấn đề không mới nhưng luôn là nỗi lo của toàn xã hội, đó là ma túy. Em T.Q.T., học sinh ở TP.Biên Hòa chia sẻ, em rất lo lắng khi nguy cơ ma túy xâm nhập vào học đường và em mong pháp luật bảo vệ trẻ em trước vấn nạn này.

Diễn đàn trẻ em năm 2019 có chủ đề Trẻ em với những vấn đề của trẻ em với sự tham gia của 123 trẻ em và 22 phụ huynh đến từ các địa phương trong tỉnh.

Cùng chung nỗi lo lắng, P.T.N.Q., học sinh một trường THCS của huyện Long Thành cho hay: “Em từng nhìn thấy bạn hút thuốc lá điện tử, phả khói nghi ngút ở trong lớp. Em chạy đi báo cô Tổng phụ trách Đội nhưng không thấy nên tìm một thầy giáo nhờ can thiệp. Thầy giáo có hứa sẽ lên lớp xử lý nhưng chờ mãi không thấy thầy đâu cả”.

Em N.Q. bày tỏ: “Nếu một bạn trong lớp không may sử dụng ma túy thì rất có thể sẽ lôi kéo những bạn khác cùng sử dụng, do đó rất cần người lớn quan tâm nhiều hơn để học sinh không dính vào ma túy”.

* Tăng cường trang bị kỹ năng

Em T.M.T đến từ huyện Xuân Lộc chia sẻ, chương trình giáo dục hiện quá nặng về lý thuyết, thiếu cơ hội thực hành. Em M.T. lấy ví dụ, học tiểu học có môn Đạo đức, THCS có môn Giáo dục công dân nhưng tất cả chỉ là lý thuyết. “Bên cạnh những buổi học lý thuyết khô khan, thầy cô tăng cường cho chúng em được đến thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng để nghe kể và hiểu thế nào là yêu nước. Hay tại sao không cho chúng em đến các trung tâm bảo trợ xã hội để chúng em biết thế nào là chia sẻ, yêu thương” - M.T. nói.

Em P.T.H. đến từ huyện Long Thành cho hay, áp lực học tập ngày càng đè nặng lên học sinh, việc học giờ không còn vì học sinh mà còn vì cha mẹ. Lấy ví dụ từ bản thân, T.H. cho biết để được công nhận là học sinh giỏi em phải có 6 môn đạt trung bình 8 điểm trở lên, 2 môn còn lại phải đạt khá trở lên. Việc học đã chiếm hết thời gian, không còn cơ hội để em được học các kỹ năng mà em yêu thích.

Một học sinh khác ở huyện Long Thành còn phản ảnh, có tình trạng học sinh không đi học thêm ở nhà cô giáo thì bị “làm khó”, hay bạn đi học thêm sẽ dễ dàng làm được bài kiểm tra hơn những bạn không đi học thêm. Học sinh này đề nghị ngành Giáo dục phải có giải pháp để việc học thêm, dạy thêm không còn bị biến tướng, làm khó học sinh, tạo ra sự không công bằng.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết: “Mỗi năm diễn đàn trẻ em đều được tổ chức nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết kiến nghị của trẻ em với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành. Những vấn các em nêu rất rộng và bao quát. Chúng tôi đều ghi nhận một cách nghiêm túc và từng vấn đề sẽ được phối hợp giải quyết cụ thể”.

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch:

Mạng xã hội không thể thay thế cha mẹ

Trẻ em ngày nay rất dễ “cô đơn” ngay trong ngôi nhà của mình, cha mẹ dù bên cạnh nhưng các em vẫn có thể bị “bỏ rơi”. Thay vì cho các em tiếp xúc, giao tiếp nhiều trên điện thoại, mạng xã hội thì cha mẹ hãy quan tâm, giao tiếp bằng lời nói, cử chỉ yêu thương nhiều hơn để các em cảm nhận được sự gần gũi của cha mẹ, từ đó sẽ chia sẻ được với cha mẹ. Việc gần gũi trực tiếp với cha mẹ là cách tốt nhất để bảo vệ con trong xã hội có nhiều rủi ro đe dọa các em.

Thượng tá Bùi Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh:

Cảnh giác với thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Trẻ em là một trong những mục tiêu tấn công của tội phạm trên mạng xã hội. Các em cần được bảo vệ trước những chiêu trò dụ dỗ trẻ em từ trên mạng xã hội ra ngoài đời thực để phục vụ cho những mục đích xấu. Do thiếu kỹ năng nên các em dễ bị tổn thương khi tiếp cận với thông tin xấu độc. Vì vậy, cha mẹ và thầy cô cần trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết khi tiếp cận với mạng xã hội để biết được tin thật, tin giả, thông tin nào tốt, thông tin nào độc.

Em Nguyễn Thanh Triết Giang (huyện Trảng Bom):

Mong không có sự phân biệt đối xử

Em đến diễn đàn để góp tiếng nói bảo vệ trẻ em gái trước tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ còn tồn tại ở đâu đó. Em muốn mọi trẻ em gái khi sinh ra đều được yêu thương, chăm sóc một cách công bằng. Em cũng muốn gửi đến các bậc cha mẹ, dù cuộc sống có bận rộn đến đâu thì hãy luôn dành cho chúng em sự quan tâm xứng đáng và chúng em sẽ cố gắng hết sức mình để đền đáp lại sự quan tâm đó.

Thành Nam (ghi)

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,907,760       1/665