Xã hội

Kỹ thuật cao trong điều trị bệnh tim

Trong thời gian qua, liên tiếp những kỹ thuật cao trong điều trị tim mạch được triển khai tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Đây là bước phát triển mới của bệnh viện và mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân bị hẹp động mạch vành.

Bệnh nhân N.V.B. đang tập thở sau phẫu thuật
Bệnh nhân N.V.B. đang tập thở sau phẫu thuật

Dưới sự hướng dẫn của ê-kíp bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh), các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã thực hiện thành công kỹ thuật bắc cầu động mạch vành đầu tiên cho bệnh nhân bị hẹp động mạch vành.

* Cơ hội cho bệnh nhân bị hẹp động mạch vành

Đầu tháng 6-2019, ông N.V.B. (62 tuổi, ở xã Tam An, huyện Long Thành) nhập viện với các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua. Bác sĩ thăm khám và cho chụp CT phát hiện động mạch cảnh bên trái của bệnh nhân bị hẹp nặng, bên phải bị hẹp nhẹ và chỉ định mổ hẹp động mạch cảnh. Tuy nhiên, do bệnh nhân lớn tuổi nên được tiến hành tầm soát các bệnh lý về mạch máu khác. Qua chụp phim, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn bị hẹp động mạch vành ở cả 3 nhánh, trong đó 2 nhánh hẹp rất nặng trên 80% và 1 nhánh hẹp khoảng 50%.

TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: “Đây là hai tổn thương quan trọng và nguy hiểm, nếu không được điều trị đúng, kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Cụ thể, hẹp động mạch cảnh có thể gây đột quỵ, còn hẹp động mạch vành nhiều nhánh có thể gây nhồi máu cơ tim. Do đó, chúng tôi đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và quyết định phẫu thuật, điều trị đồng thời cả hai tổn thương trên cho bệnh nhân”.

Bệnh hẹp động mạch vành ngày có xu hướng tăng, chỉ tính riêng tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, trung bình mỗi năm có khoảng 1 ngàn trường hợp chụp mạch vành và can thiệp động mạch vành. Trong số này, lượng bệnh nhân hẹp động mạch vành nặng và có nguy cơ nhồi máu cơ tim rất nhiều. Mỗi năm bệnh viện đã can thiệp đặt stent cho khoảng 200-300 ca với kết quả tương đối tốt.

Ngày 19-6, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phối hợp ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với sự hỗ trợ của các bác sĩ gây mê hồi sức, chạy máy tim phổi nhân tạo đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Ca phẫu thuật tiến hành gần 5 giờ, sau mổ 2 ngày bệnh nhân đã hồi phục, được rút nội khí quản, tỉnh táo, ăn uống và có thể sinh hoạt nhẹ nhàng. Các thông số xét nghiệm, siêu âm đánh giá tình trạng tương đối tốt.

Bệnh nhân B. cho biết, ông bị đau nhói khi làm việc gắng sức, nặng nề vùng ngực đã khá lâu, nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, các triệu chứng xuất hiện ngày càng dày hơn nên ông đến Bệnh viện đa khoa Đồng Nai khám mới biết bị 2 bệnh này cùng một lúc. “Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật, tôi thấy khỏe hơn, không cảm thấy đau tức hay khó chịu như trước nữa” - ông B. nói.

Theo TS-BS.Nguyễn Anh Dũng, bệnh nhân hẹp động mạch vành có xu hướng ngày càng tăng. Hiện nay, 2 kỹ thuật chính điều trị hẹp động mạch vành là nong và đặt stent. Tuy nhiên, những trường hợp hẹp nhiều nhánh động mạch vành và hẹp ở những vị trí nguy hiểm thì khả năng đặt stent sẽ hạn chế, lúc đó phải mổ.

* Kỹ thuật khó, phức tạp

Tại Đồng Nai, trước đây những bệnh nhân hẹp động mạch vành nhưng không phù hợp nong và đặt stent phải chuyển lên tuyến trên điều trị, vừa tốn kém chi phí, công chăm sóc, đặc biệt ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của bệnh nhân. Do đó, với việc thực hiện thành công ca mổ trên đã mở ra nhiều cơ hội điều trị tại chỗ cho hàng trăm bệnh nhân bị bệnh lý mạch vành trên địa bàn. Các bệnh nhân có chỉ định mổ không cần lên TP.Hồ Chí Minh mà có thể yên tâm mổ ở Đồng Nai.

TS-BS.Dũng cho biết, bắc cầu động mạch vành là một trong những kỹ thuật khó và phức tạp nhất trong phẫu thuật tim người lớn. Đây cũng là phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị các trường hợp hẹp động mạch vành khi không phù hợp nong và đặt stent.

Theo TS-BS Dũng: “Trong quá trình phẫu thuật bắc cầu động mạch vành sẽ có 2 phương pháp, đó là ngưng tim hoàn toàn hoặc phẫu thuật khi tim vẫn đang đập. Đối với trường hợp bệnh nhân B., chúng tôi thực hiện phẫu thuật khi quả tim vẫn đang còn đập, dù rất phức tạp và khó nhưng lợi ích mang lại rất nhiều, tim ít bị ảnh hưởng hơn so với phương pháp ngưng tim hoàn toàn. Do đó, đòi hỏi phải đồng bộ, nhịp nhàng của cả ê-kíp, từ bác sĩ nội khoa, phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê hồi sức... thì mới triển khai thuận lợi được”.

Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết: “Chuỗi kỹ thuật can thiệp cứu bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành giúp ích rất nhiều cho người dân. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư về con người, hệ thống trang thiết bị và tranh thủ hỗ trợ tuyến trên để làm sao ngoài những kỹ thuật này, còn làm thêm những kỹ thuật khác cao cấp hơn, đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân trên địa bàn”.

Sao Mai

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,907,740       2/665