Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo dự thảo, giáo viên có hành vi xúc phạm, bạo hành học sinh có thể bị phạt hành chính lên đến 30 triệu đồng.
Học sinh một trường mầm non tại TP.Biên Hòa trong giờ học võ thuật. Ảnh: C.NGHĨA |
Cụ thể, Điều 32 của dự thảo nêu: “Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học”. Ngoài ra, giáo viên có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là xin lỗi công khai và bị đình chỉ giảng dạy từ 1-6 tháng.
* Áp lực dễ dẫn đến vi phạm
Theo nhiều giáo viên, với dự thảo xử phạt hành chính từ 10-30 triệu đồng kèm theo các biện pháp xin lỗi, đình chỉ dạy từ 1-6 tháng sẽ tạo thêm áp lực cho nghề giáo vốn đã quá áp lực. Giáo viên nếu “non” kinh nghiệm sẽ dễ dẫn đến vi phạm một trong 2 hành vi bị cấm là: xúc phạm nhân phẩm hoặc bạo lực với học sinh. Thậm chí có thể xảy ra tình huống vì sợ bị phạt giáo viên sẽ “buông” học sinh cá biệt, mặc những em này “tự bơi”.
Bà Đỗ Thanh Tâm, cán bộ Phòng Chính trị - tư tưởng Sở GD-ĐT cho biết: “Không ai đồng tình với việc dùng những lời lẽ xúc phạm nhân phẩm hay bạo lực với học sinh vì điều đó đi ngược với triết lý giáo dục và đạo đức người thầy. Việc đặt ra những quy định xử phạt nhằm ngăn ngừa những tình huống xấu có thể xảy ra trong trường học là cần thiết. Tuy nhiên cần xem xét đến thực tế vì đưa ra những hình phạt cao về tài chính, đi kèm với việc đình chỉ dạy học có thể tạo ra những áp lực lớn hơn cho giáo viên, bởi thực tế đời sống của nhiều giáo viên còn khó khăn, công việc có áp lực kéo dài”. |
Một giáo viên của Trường tiểu học Phước Tân (TP.Biên Hòa) cho hay: “Nhiều lần tôi cảm thấy ức chế nhưng phải kiềm bớt lại khi xảy ra tình huống không hay với học sinh cá biệt. Điều đáng buồn hơn, một số phụ huynh bênh con nên không thừa nhận hành vi lệch chuẩn của con mình, càng làm cho học sinh mất cơ hội sửa chữa. Thậm chí phụ huynh còn xin chuyển lớp cho con khi chỉ nghe phản ảnh một chiều từ con, làm giáo viên bị mang tiếng với Ban giám hiệu và đồng nghiệp”.
Thầy Văn Đăng Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Đắc Lua, huyện Tân Phú) cho biết: “Giáo viên không ai muốn dùng biện pháp cứng rắn với học trò. Tuy nhiên phải dạy 35-40 học sinh/lớp, mỗi em một cá tính khác nhau nên rất áp lực. Hơn nữa mỗi phụ huynh ngày nay chỉ có 1-2 con nên “bảo vệ” rất kỹ. Đôi khi chưa nắm rõ sự việc, chỉ cần nghe con kể bị cô giáo la hoặc bị đánh nhẹ là đã rất bức xúc”.
* Còn nhiều băn khoăn
Cô Phạm Thị Kim Thanh từng có 36 năm làm giáo viên tại Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) nay đã nghỉ hưu, cho rằng hình thức xử phạt hành chính xét về mặt nào đó sẽ cần thiết nhưng cần phù hợp để kiềm chế một số giáo viên nóng tính. Giáo viên biết cách lấy tình thương để cảm hóa học trò sẽ không cần đến hình phạt nào cả. Cô Thanh chia sẻ: “Khi còn là học sinh tôi cũng có lần bị thầy giáo dùng đến đòn roi để răn dạy nhưng tôi luôn hiểu được tình thương của thầy, mong học trò ngoan và tiến bộ nên tôi cũng như cha mẹ không oán trách gì thầy cả”.
Chia sẻ về kinh nghiệm 36 năm làm nghề giáo, cô Thanh cho hay: “Trước đây không ít lần tôi phải khóc vì học trò quá quậy làm ảnh hưởng đến thi đua của lớp, của trường. Với những học sinh cá biệt, giáo viên cần đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh, gặp gỡ phụ huynh, tận tình giúp đỡ học sinh tiến bộ, từ đó học sinh biết ngoan, nghe lời, học hành tiến bộ. Phụ huynh cần tránh “đội con lên đầu”, phải hiểu thực sự tính cách của con, vì không có thầy cô nào vô cớ mà trách mắng nặng lời với con mình cả, giáo viên nào cũng muốn con mình tốt hơn”.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thái (huyện Long Thành) Bùi Đoàn Trị chia sẻ: “Làm giáo viên bậc THCS rất khó vì các em bước vào tuổi mới lớn, diễn biến tâm lý phức tạp. Chỉ cần giáo viên la mắng, không bình tĩnh mà đánh học trò là có chuyện với phụ huynh liền. Hơn nữa, nhiều phụ huynh có điều kiện nay còn trang bị cho con điện thoại thông minh, có chức năng ghi âm, chụp ảnh, quay phim nên giáo viên càng “ngán” học trò”. Nói về quy định phạt hành chính với giáo viên mức cao nhất là 30 triệu đồng, kèm theo xin lỗi, đình chỉ dạy học 1-6 tháng, thầy Trị nhận định: “Đó là mức phạt quá cao so với đời sống thực tế của bộ phận không nhỏ giáo viên hiện nay. Chỉ cần đình chỉ dạy 1-6 tháng là giáo viên vi phạm đã khốn đốn”.
Theo nhiều cán bộ làm công tác quản lý tại các trường phổ thông, áp dụng hình thức xử phạt hành chính sẽ tạo thêm tâm lý nặng nề cho giáo viên, khiến giáo viên cảm thấy không được tôn trọng, dù rằng không làm sai thì không sợ phạt. Ngoài ra còn một vấn đề khác khiến nhiều thầy cô băn khoăn, nếu quy định được áp dụng thì cơ chế phạt ra sao, phân định hành vi sai phạm thế nào, ai là người đứng ra phạt… bởi thực tế có nhiều quy định xử phạt ra đời nhưng không thực hiện được như: quy định xử phạt khi đi vệ sinh nơi cộng, vứt rác bừa bãi, hay sử dụng điện thoại ở cây xăng, hút thuốc nơi công cộng…
Công Nghĩa