Xã hội

Mệt mỏi vì... học thêm

Tâm lý lo lắng học ở trường không đủ kiến thức để làm bài tập, không đủ điểm để xét tuyển đầu cấp, thi chuyển cấp… đã khiến nhiều học sinh phải lao theo những buổi học thêm triền miên.

Tâm lý lo lắng học ở trường không đủ kiến thức để làm bài tập, không đủ điểm để xét tuyển đầu cấp, thi chuyển cấp… đã khiến nhiều học sinh phải lao theo những buổi học thêm triền miên.

Một học sinh tựa vào lưng cha ngủ ngon lành sau khi rời khỏi buổi học thêm từ nhà giáo viên ở TP.Biên Hòa .Ảnh: T.NAM
Một học sinh tựa vào lưng cha ngủ ngon lành sau khi rời khỏi buổi học thêm từ nhà giáo viên ở TP.Biên Hòa .Ảnh: T.NAM

Ông Nguyễn Phú Vinh (ở phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) có con mới bước vào lớp 9 tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa). Đây là năm học nhiều áp lực vì kết thúc năm học con ông sẽ phải thực hiện cho được mục tiêu thi đậu vào lớp 10 chuyên Toán của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh.

* Nhiều áp lực

Ngoài học ở trường 2 buổi/ngày, vào mỗi buổi chiều tối từ thứ hai đến chủ nhật ông Vinh lại đều đặn chở con đến nhà giáo viên để học thêm 5 môn, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh và Ngữ văn. Việc học thêm của con được ông Vinh nghiên cứu khá kỹ lưỡng như: chọn học giáo viên uy tín, phù hợp với khả năng của con.

Học nhiều học sinh không phát triển được kỹ năng

TS.Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Nhiều nguyên nhân như: chương trình quá nặng, áp lực về điểm số, thi cử đang khiến học sinh không cân đối được giữa học để tiếp thu kiến thức và vui chơi giải trí rèn luyện kỹ năng. Việc phải học thêm nhiều khiến học sinh không có hứng thú với học tập, nhất là những em không có điều kiện học thêm thì luôn có cảm giác bị bỏ rơi trong lớp học và dễ bị stress”.

Ông Vinh cho biết có những môn học thêm ông phải cẩn thận lựa chọn 2 giáo viên một lúc, trong đó có môn Tiếng Anh. Theo đó, ông Vinh đăng ký cho con học kỹ năng giao tiếp ở một trung tâm ngoại ngữ, còn kỹ năng đọc, viết thì học ở nhà cô giáo, vì mỗi nơi có một thế mạnh khác nhau. Với môn Toán, ông Vinh phối hợp cùng một số phụ huynh khác thuê gia sư riêng để các con có cơ hội học sâu hơn. Chi phí học thêm 5 môn học mà ông Vinh phải chi cho con mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng.

Còn chị Giang Thị C. (ở phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) thì cho hay, năm lớp 4 chị không cho con đi học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm, chỉ học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ vì muốn con được cân bằng giữa học và nghỉ ngơi. Tuy nhiên mới lên lớp 5 cô giáo chủ nhiệm thẳng thắn “khuyên” phải cho con chị đi học thêm vì lo ngại cuối năm sẽ không đủ điểm số để xét tuyển vào lớp 6. Và từ lo lắng có thật này, ngay từ đầu năm học chị C. phải cho con đi học thêm theo lịch trình sáng học ở trường, chiều về nhà cô giáo chủ nhiệm, tối học thêm tiếng Anh ở trung tâm.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Mừng (ở phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ, ngoài học thêm ở nhà cô giáo, 2 con của ông còn có gia sư là sinh viên Khoa Sư phạm Toán Trường đại học Đồng Nai đến dạy kèm ngay tại nhà. Mức chi phí cho mỗi gia sư là 1,5 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí ăn ở, học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm từ thứ hai đến thứ bảy. Ông Mừng cho biết thêm: “Buộc phải cho con học thêm vì lớp có 40 em thì gần như đều đi học thêm, con mình không đi sao theo nổi các bạn”.

* Khó quản lý

Theo phản ảnh của nhiều phụ huynh, việc dạy thêm - học thêm đã và đang tạo thêm nhiều áp lực cho học sinh khi mà chương trình phổ thông hiện nay vẫn còn nặng kiến thức. Chị Nguyễn Thị Mỹ D. có con học lớp 8 tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) phản ảnh, bước vào đầu năm học thấy con than “bơi” không nổi với các bạn ở môn Hóa học nên chị tìm đến nhà giáo viên xin học thêm nhưng bị từ chối vì cô đã nhận học sinh từ hè và đến nay đã học trước gần hết chương trình của học kỳ 1. Vì vậy nếu con chị “vào ngang” sẽ không thể theo nổi.

Không ít phụ huynh phản ánh, hầu hết các lớp học thêm đều cho học sinh học trước chương trình, nhất là những môn học chủ đạo như: Toán, Vật lý, Hóa học, Tiếng Anh. Vì vậy, một số em không có điều kiện đi học thêm sẽ bị “đuối” dễ tụt lại phía sau. Và trong một lớp có phần lớn học sinh đi học thêm có thể xảy ra hiện tượng giáo viên “dạy lướt” chương trình.

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, phòng không có chủ trương cho giáo viên dạy thêm ở trường, nếu có dạy thêm ở ngoài hay ở nhà thì giáo viên phải có đơn xin phép và Phòng GD-ĐT sẽ đi kiểm tra, nếu đạt các điều kiện về cơ sở vật chất mới cho phép dạy thêm. Việc lợi dụng dạy thêm để dạy trước chương trình là điều không được phép. Khi phát hiện Phòng GD-ĐT sẽ xử lý cương quyết với cả giáo viên và trường có giáo viên vi phạm vì điều này có ảnh hưởng đến quyền lợi của những học sinh không có điều kiện tham gia học thêm.

Nhưng trên thực tế việc quản lý dạy thêm là không hề dễ dàng. Nếu công tác kiểm tra không được thường xuyên sẽ rất dễ dẫn đến những tiêu cực, như dạy trước chương trình, dạy ở trên lớp thì hời hợt, còn dạy thêm ở nhà giáo viên lại chuyên sâu và nâng cao. Thậm chí có tình trạng như phản ảnh của học sinh, đó là giáo viên thường ra bài kiểm tra với nội dung dạy trong các buổi dạy thêm, từ đó khiến học sinh “sợ” phải đi học thêm.

Thành Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,911,614       16/1,284