"Khi các loại máy móc có thể tự liên kết với nhau không cần đến sự can thiệp của con người thì khoảng 75% người lao động làm những công việc giản đơn tại Việt Nam có nguy cơ cao về mất việc làm".
“Khi các loại máy móc có thể tự liên kết với nhau không cần đến sự can thiệp của con người thì khoảng 75% người lao động làm những công việc giản đơn tại Việt Nam có nguy cơ cao về mất việc làm”.
Các chuyên gia của Công ty Bosch Rexroth (TP.Hồ Chí Minh) giới thiệu về phòng học thực hành ứng dụng công nghệ 4.0 tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (tại huyện Long Thành). |
GS-TS.Georg Spottl, Giám đốc Trung tâm chuyển giao Steinbeis In - noVER Đại học Bremen (Đức) đã nói như vậy tại hội thảo “Những yêu cầu mới đối với giáo dục nghề nghiệp do số hóa và công nghiệp 4.0 đặt ra” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Công ty Bosch Rexroth (TP.Hồ Chí Minh), Chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam của GIZ (Đức), Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành) tổ chức trong 2 ngày 18 và 19-9 tại TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai.
* Đổi mới đào tạo
GS-TS.Georg Spottl cho rằng, công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu về tự động hóa và trao đổi dữ liệu công nghệ sản xuất. Do vậy, những yêu cầu đặt ra đối với lao động lành nghề là phải có trình độ chuyên môn, tham gia thiết kế, tối ưu hóa các nhà máy, đảm bảo hoạt động trơn tru; biết làm chủ xử lý dữ liệu, bảo trì, sửa chữa các sự cố đơn giản trong các thiết bị tại nơi làm việc, trong phần mềm và cơ sở dữ liệu.
Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy những ngành nghề sẽ phát triển mạnh do số hóa và tự động hóa đặt ra là: cơ điện tử, cơ điện tử công nghiệp cơ khí hệ thống, vận hành máy cắt, cơ khí dụng cụ, kỹ thuật viên điện tử cho công nghệ tự động hóa, chuyên viên máy tính, chuyên viên công nghệ sản xuất, kỹ thuật viên điện tử hệ thống công nghệ thông tin, thiết kế sản phẩm…
Trong khi đó, ông Peter Gorzyza, Giám đốc Học viện truyền động và điều khiển Công ty Bosch Rexroth cho biết 3 cuộc cách mạng trước đây tập trung vào các lĩnh vực cơ khí hóa, thủy điện, hơi nước, sản xuất hàng loạt, dây chuyền lắp ráp, điện, máy tính và tự động hóa. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang và sẽ tập trung mạnh vào lĩnh vực tự động hóa thông minh, kỹ thuật số, liên kết chéo, internet vạn vật và công nghiệp kết nối. Đây vừa là sự tiến hóa về kỹ thuật, vừa là cuộc cách mạng đối với các doanh nghiệp.
“Gọi là cuộc cách mạng bởi khi đó các doanh nghiệp sẽ có những lợi thế về giảm chi phí, giảm hao phí, sai sót, tránh thời gian chết, dịch vụ nhanh hơn, dễ dàng hơn, giảm hàng tồn kho, tối ưu hóa và nâng cao năng suất, tháo gỡ các nút thắt, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc đầy đủ các linh kiện và sản phẩm cho cả vòng đời” - ông Peter Gorzyza giải thích.
Do đó, theo TS.Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội): “Sẽ có những ngành nghề mới ra đời và nhiều ngành nghề khác mất đi. Người lao động ngoài yêu cầu kỹ năng về chuyên môn, kỹ năng giao tiếp như trước kia sẽ cần thêm kỹ năng sáng tạo, kỹ năng tương tác với máy móc…”.
Và để chuẩn bị lực lượng lao động đáp ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua Bộ Lao động - thương binh và xã hội chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường nghề xây dựng chuẩn chương trình đầu ra, thiết kế chương trình đào tạo, đánh giá trình độ đội ngũ giáo viên. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang có những điều chỉnh danh mục đào tạo nghề phù hợp.
* Bắt đầu từ Trường Lilama 2
Tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH Bosch Việt Nam (huyện Long Thành) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 ký kết hợp tác về việc lồng ghép các yêu cầu của công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp. Chương trình hợp tác kéo dài 3 năm với tổng mức đầu tư 400 ngàn euro. Trong đó, Công ty TNHH Bosch Việt Nam đóng góp hơn 200 ngàn euro thông qua việc lắp đặt phòng thực hành cùng các thiết bị đạt chuẩn công nghiệp 4.0 tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2.
Đến nay, phòng thực hành này đã hoàn tất và bắt đầu đưa vào sử dụng. Từ đây, các chuyên gia tiến hành phân tích, thử nghiệm một số module đào tạo nghề và xây dựng giáo trình đào tạo, đào tạo giáo viên dạy nghề, giáo viên nòng cốt để đào tạo nghề. Trước mắt, phòng thực hành tập trung vào lĩnh vực cơ điện tử - một trong những ngành nghề sẽ phát triển mạnh trong thời đại số hóa, tự động hóa.
Phòng thực hành đặt tại Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 sẽ thúc đẩy chương trình học ảo (ứng dụng phương pháp học trực tuyến, có hình ảnh động, sử dụng một số công nghệ về cảm biến, thực tế ảo của ngành cơ điện tử). Những chủ đề được đưa ra giảng dạy là thủy lực và khí nén, điều khiển điện, truyền động điện. Phương pháp học này giúp người học biết được quy trình vận hành chung của nhà máy, sự tương tác giữa các khâu/công đoạn trong nhà máy, kết nối thành một mạng lưới. Từ đó giúp người học phân tích được toàn bộ mạng lưới hoạt động của nhà máy.
Ông Lê Trí Tín, Giám đốc kinh doanh Công ty Bosch Rexroth Việt Nam cho hay, mô hình nhà máy thông minh đã được các công ty của Bosch ứng dụng từ năm 2011. Trong số 270 nhà máy của Bosch trên toàn thế giới đã có hơn 100 nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0. Có những nhà máy tự động hóa hoàn toàn. Riêng nhà máy Bosch ở Long Thành hiện bắt đầu ứng dụng công nghệ này. Đây là nhà máy hiện đại nhất của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
“Con người vẫn là chủ thể để điều khiển máy móc nhưng cần nhiều kỹ năng hơn. Chẳng hạn một kỹ sư về tự động hóa cần hiểu về công nghệ thông tin, lập trình để có thể nắm bắt sự liên kết, sử dụng liên kết dữ liệu để quản trị, phân tích dữ liệu, vận hành máy móc... Và chúng tôi tin tưởng lựa chọn Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 để hợp tác bởi ở đó có đội ngũ lãnh đạo dám nghĩ mới, dám làm mới và đội ngũ giảng viên có trình độ cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại” - ông Tín nhấn mạnh.
Với những đổi mới tích cực trong công tác giáo dục - đào tạo nghề theo chuẩn quốc tế thời gian qua, ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 vui mừng cho biết: “Năm học 2018-2019, nhà trường tuyển được hơn 1,4 ngàn sinh viên, vượt chỉ tiêu đề ra. Riêng ngành cơ điện tử tuyển được 84 sinh viên, cao gấp 2,5 lần so với mùa tuyển sinh năm học trước”.
TS.Wendy Cunningham (Ngân hàng Thế giới): “Ảnh hưởng lớn nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ không phải là mất việc làm mà là thay đổi công việc, yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn, kỹ năng của con người, trình độ kỹ thuật số. Do vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, người lao động cần có trình độ kỹ thuật số, kỹ năng cảm xúc xã hội, hành vi”. “Để đổi mới chương trình đào tạo nghề, vấn đề đầu tiên cần được đặc biệt quan tâm là chất lượng, năng lực của đội ngũ nhà giáo và những người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng đang là điểm yếu của giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Giải pháp được Bộ Lao động - thương binh và xã hội đưa ra là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; gắn chặt với doanh nghiệp để nâng cao năng lực giảng viên, tức là những chuyên gia tại các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia đào tạo học viên, sinh viên tại các trường nghề ở những khâu cụ thể. Do đó, mỗi hiệu trưởng, mỗi giảng viên trường nghề phải tư duy trăn trở để thích ứng với cuộc cách mạng này”. “Chúng ta đang đi từ thế giới tuyến tính dễ dự đoán đến một thế giới mà chưa có sách vở nào mô tả trước đây. Để có thể thích ứng với điều này cần phải có quá trình lâu dài mang tính kết nối. Hơn lúc nào hết, phải thay đổi mạnh mẽ công tác giáo dục nghề nghiệp, phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp nếu không muốn thất nghiệp và mất việc làm. Muốn có một thành phố thông minh trong tương lai cần phải có những nhà đào tạo thông minh”. An Yên (ghi) |
Hạnh Dung