Xã hội

Sân chơi trí tuệ bổ ích

­­­­Là năm thứ 3 được triển khai, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ phía học sinh, giáo viên và lãnh đạo các huyện, TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa.

Các thành viên Ban tổ chức và Ban giám khảo chấm điểm các giải pháp dự thi. Ảnh: H.DUNG
Các thành viên Ban tổ chức và Ban giám khảo chấm điểm các giải pháp dự thi. Ảnh: H.DUNG

Qua đó, xây dựng được sân chơi trí tuệ bổ ích, phát hiện được nhiều ý tưởng hay, có khả năng áp dụng cao vào thực tiễn.

* Gần 1 ngàn giải pháp dự thi

Cuộc thi được UBND tỉnh giao Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh là cơ quan thường trực, phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ, Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn, Đài PT-TH Đồng Nai, Báo Đồng Nai, Sở Tài chính, UBND các địa phương thực hiện từ năm 2016 nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh. Đồng thời, giúp các em trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng ước mơ, rèn luyện kỹ năng, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Sáng nay 19-7, tại Đài PT-TH Đồng Nai, Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2018 tổ chức tổng kết, trao giải cuộc thi.

Ban tổ chức sẽ trao 58 giải thưởng (5 giải nhất, 7 giải nhì, 18 giải ba, 28 giải khuyến khích) cho các tác giả đoạt giải; trao 6 giải phụ gồm: giải thưởng thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, tác giả có ý tưởng sáng tạo nhất cuộc thi và đơn vị tuyên truyền, tổ chức triển khai cuộc thi cấp huyện xuất sắc.

Nội dung cuộc thi xoay quanh 5 lĩnh vực: đồ dùng dành cho học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện với môi trường; các dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.

Số lượng giải pháp dự thi năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm đầu tiên chỉ có 69 giải pháp dự thi cấp tỉnh, thì 2 năm sau con số này đã lên đến 160. Đặc biệt, số giải pháp dự thi cấp huyện năm nay gấp đôi số lượng năm ngoái. TP.Biên Hòa là địa phương có số giải pháp dự thi cao nhất với 280 giải pháp; tiếp đến là TX.Long Khánh, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Định Quán. Số giải pháp được lựa chọn dự thi cấp quốc gia cũng tăng từ 8 lên 30.

TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, Ban tổ chức cuộc thi đã mời các thành viên hội đồng giám khảo là những chuyên gia, các nhà khoa học tại Trường đại học Lạc Hồng, Trường đại học công nghệ Đồng Nai và các sở, ban, ngành trong tỉnh tham gia chấm điểm, đánh giá các giải pháp, đảm bảo công bằng cho từng thí sinh.

* Những ý tưởng đáng khen ngợi

Lần đầu tiên đến với cuộc thi, thí sinh Phan Nguyễn Thúy Anh (lớp 3/1 Trường tiểu học Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã xuất sắc đoạt giải nhất với giải pháp thiết bị giám sát giấc ngủ cho trẻ sơ sinh qua điện thoại. Điểm cộng dành cho Thúy Anh là ở ý tưởng sáng tạo, còn phần thực hiện sản phẩm, em được thầy giáo Chu Anh Đức giúp đỡ.

Thúy Anh bộc bạch, mẹ em thường xuyên phải đi làm nên việc chăm sóc em nhỏ đều do bà ngoại giúp đỡ. Mặc dù gia đình có lắp đặt camera nhưng mẹ em vẫn không yên tâm nên thường xuyên phải gọi điện thoại về nhà để hỏi thăm tình hình em bé ăn, ngủ như thế nào. Thấy vậy, Thúy Anh nhen nhóm ý tưởng thực hiện thiết bị nào đó để mẹ có thể nhận biết khi em ngủ, em thức dậy, thậm chí khi em khóc.

Theo đó, thiết bị được đặt dưới chân em bé rồi bấm nút nguồn. Khi em bé thức dậy, chơi đùa mà không khóc, cảm biến sẽ nhận tín hiệu, xử lý và gửi tin nhắn đến số điện thoại đã được cài đặt sẵn thông báo trạng thái của bé. Trường hợp em bé thức dậy và khóc, cảm biến âm thanh và cảm biến chuyển động sẽ nhận tín hiệu, gửi tin nhắn đến số điện thoại rằng bé đang khóc.

Ngoài ra, các giải pháp: hệ thống cảnh báo lũ quét, sóng thần, cháy rừng của thí sinh Nguyễn Thịnh Vượng (lớp 12C3 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Trảng Bom); thiết bị cảnh báo an toàn và ngắt gas tự động cho gia đình và nhà xưởng của nhóm tác giả: Nguyễn Ngọc Quỳnh Như, Thiều Anh Tuấn (Trường THCS Ngô Sỹ Liên, huyện Xuân Lộc); máy hỗ trợ thu hoạch nghêu của nhóm tác giả: Đồng Hữu Thăng, Trịnh Phạm Như Trúc, Nguyễn Quốc Khánh, Nguyễn Lê Hoàng Kim (Trường THPT Thống Nhất A, huyện Trảng Bom); USEC - thiết bị hữu ích cho người khiếm thị của nhóm tác giả: Nguyễn Tuyên Hoàng, Trần Trọng Nhất, Trịnh Quốc Đạt (Trường THPT Phú Ngọc, huyện Định Quán)… đều mang tính ứng dụng cao. “Các đề tài dự thi đều cho thấy thí sinh đã có sự quan sát, tìm hiểu những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Qua đó, đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập, hướng tới cuộc sống tốt hơn, an toàn hơn, hạnh phúc hơn. Điều này rất đáng ngợi khen và cần được khích lệ hơn nữa” - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch nhận xét.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,938,270       1/871