Vaccine 5 trong 1 Quinvaxem phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ (gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) do Hàn Quốc sản xuất sẽ được thay thế bởi vaccine ComBE Five do Ấn Độ sản xuất vào tháng 8 tới.
Trẻ được tiêm chủng phòng ngừa các bệnh lây nhiễm nguy hiểm tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG |
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho hay loại vaccine ComBe Five đã được thử nghiệm tại Việt Nam gần 2 năm nay.
* Đang thí điểm tại 4 tỉnh
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết qua thử nghiệm lâm sàng sử dụng vaccine ComBe Five tại Việt Nam thời gian qua không ghi nhận bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào sau tiêm chủng. Thành phần của loại vaccine mới này tương tự như vaccine Quinvaxem đã được sử dụng tại 43 quốc gia trên thế giới.
Trên thế giới hiện có 6 loại vaccine 5 trong 1 đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); trong đó có 2 loại của Hàn Quốc, 4 loại của Ấn Độ. Tại Việt Nam, có 2 loại vaccine 5 trong 1 đã đăng ký lưu hành là vaccine Quinvaxem (của Hàn Quốc, ngừng sản xuất từ cuối năm 2016) và ComBE Five (của Ấn Độ). Vaccine ComBE Five cũng nằm trong hệ thống cung ứng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. |
Để đảm bảo mức độ an toàn của vaccine mới, từ năm 2016 vaccine ConBE Five đã được dùng thử nghiệm tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam. Kết quả cho thấy sau khi tiêm vaccine này ghi nhận một số phản ứng thông thường như chỗ tiêm đau, quầng đỏ và sốt sau tiêm.
Đến tháng 6-2018, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia tiếp tục triển khai sử dụng vaccine mới tại 4 tỉnh Hà Nam, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp để có thêm kinh nghiệm, xem xét, kiểm định kỹ lưỡng tính an toàn của vaccine này đối với cơ thể người Việt Nam ở nhiều vùng miền, địa hình khác nhau.
Dự kiến, đến tháng 8-2018 vaccine ComBE Five sẽ được tất cả các tỉnh, thành trong cả nước sử dụng, thay thế hẳn vaccine Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng do Hàn Quốc đã ngưng sản xuất loại vaccine này.
* Chuẩn bị kỹ lưỡng
Theo Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng đồng Nai, mặc dù các yếu tố về kỹ thuật, cách thức tiêm, liều lượng tiêm vẫn giữ nguyên như cũ, chỉ thay đổi nhãn hiệu vaccine nhưng không vì thế mà chủ quan. Hiện tại, trung tâm đang lên dự trù số lượng liều vaccine để gửi ra Bộ Y tế, lên kế hoạch tuyên truyền những thông tin liên quan đến vaccine mới để đông đảo người dân trong tỉnh được biết, đồng thời sẽ tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến cho cán bộ y tế phụ trách lĩnh vực biết, hiểu rõ những vấn đề liên quan.
Riêng chương trình tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh hiện vẫn đang sử dụng vaccine Quinvaxem. Số vaccine này đã được cấp cho các địa phương, tổ chức tiêm từ ngày 5 đến ngày 10 hàng tháng.
Sở dĩ vaccine Quinvaxem vẫn còn tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước dù phía Hàn Quốc đã có thông báo ngưng sản xuất từ cuối năm 2016 là do lượng vaccine dự trữ an toàn bắt buộc của các địa phương trung bình khoảng 6 tháng. Thời gian sử dụng hết loại vaccine này có thể lên đến 8 tháng tùy từng địa phương. Thông qua hệ thống thông tin tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ nắm được số liều vaccine cũ còn bao nhiêu và cấp vaccine mới khi các địa phương sử dụng hết vaccine cũ.
Thống kê trên địa bàn tỉnh cho thấy nếu cứ mỗi trẻ tiêm đủ 3 liều căn bản vaccine 5 trong 1 thì mỗi năm toàn tỉnh sử dụng hết khoảng hơn 1 triệu liều vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Trẻ em dưới 1 tuổi sẽ được tiêm chủng miễn phí khi tham gia chương trình này tại 230 cơ sở tiêm chủng trong tỉnh (đặt tại 171 xã, phường, thị trấn, ở một số bệnh viện, trung tâm y tế huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa, một số bệnh viện tư nhân trong tỉnh).
“Thay đổi vaccine nhưng lịch tiêm chủng vẫn không thay đổi. Trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 mũi vào các tháng thứ 2, 3 và 4. Những trẻ em đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine 5 trong 1 Quinvaxem sẽ được tiếp tục sử dụng vaccine ComBE Five cho đến khi đủ liều. Phụ huynh cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm” - ông Bạch Thái Bình, nhấn mạnh.
Hạnh Dung