Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), trước đây mỗi khi sàn giao dịch việc làm được tổ chức vào ngày 10 và 25 hàng tháng thường có cả ngàn người đến để nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm.
Thế nhưng con số này hiện ngày càng giảm đi rất nhiều, chỉ còn từ 200-400 người tìm đến sàn.
Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm ở sàn giao dịch việc làm được tổ chức 2 lần/tháng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh: V.TUYÊN |
Tình trạng việc nhiều, ít người ứng tuyển không chỉ diễn ra tại sàn giao dịch việc làm mà còn ở các công ty cung ứng dịch vụ việc làm và ngay cả với các công ty trực tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng tại trụ sở của mình.
* Vắng bóng lao động
Tại sàn giao dịch lần thứ 142 diễn ra ngày 12-3, có 60 doanh nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh hoạt động trên nhiều lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng hơn 6 ngàn lao động, song chỉ tuyển được 360 người trực tiếp tại sàn. Con số này chỉ bằng 1/16 so với nhu cầu.
“Tôi tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng Trường đại học Lạc Hồng vào năm 2015. Sau khi ra trường, tôi tìm đến nhiều nơi để xin vào làm việc với đúng chuyên ngành mà mình đã học. Nhưng nơi tôi nộp hồ sơ họ yêu cầu phải có từ 1-3 năm kinh nghiệm. Mới ra trường như tôi đã đi làm ở đâu mà có kinh nghiệm. Cũng có nơi họ nhận hồ sơ và nói sẽ gọi lại sau nhưng đợi hoài mà chẳng thấy. Để không phải ngồi không, tôi xin vào làm phục vụ ở một quán ăn uống, giải khát, tổ chức sự kiện. Tôi vẫn mong mỏi sắp tới sẽ tìm được công việc đúng ngành mà mình đã học” - anh Ngô Văn Ngọc (ngụ TP.Biên Hòa) nói. |
Các sàn giao dịch việc làm từ tháng 3 đến nay đều lâm vào tình cảnh tương tự. Trong đó, sàn giao dịch việc làm lần thứ 144, 28 công ty, đơn vị chỉ tuyển dụng được 280 người so với nhu cầu là 2,5 ngàn. Hay sàn giao dịch việc làm lần thứ 145, 11 công ty cần tuyển 818 lao động, song chỉ có hơn 50 hồ sơ được tiếp nhận. Đến sàn giao dịch việc làm lần thứ 146, 29 công ty cần tuyển hơn 1,2 ngàn lao động, song chỉ tìm được hơn 200 người. Gần đây nhất, ở sàn giao dịch việc làm lần thứ 147, 16 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 541 vị trí việc làm nhưng cũng chỉ tìm được 102 người.
Nhiều doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm liên tục từ đầu năm đến nay nhưng không tuyển được đủ chỉ tiêu dù đã công bố mức lương, phụ cấp, chế độ phúc lợi cao hơn so với mặt bằng chung. Như Công ty cổ phần công nghiệp nhựa Phú Lâm (Khu công nghiệp Amata) là một ví dụ. Dù đăng tuyển 191 lao động ở nhiều vị trí từ tháng 1-2018, song đến nay công ty này vẫn còn thiếu 81 lao động. Hay Công ty TNHH Kureha Việt Nam (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai để tuyển 1 lao động có trình độ đại học, cao đẳng từ tháng 3 nhưng đến nay vẫn chưa tuyển dụng được như mong muốn.
* Chênh nhau giữa cung và cầu
Bên cạnh việc tuyển dụng tại sàn, các công ty, doanh nghiệp còn dán băng-rôn, phát loa tuyên truyền thông qua đài truyền thanh huyện, thị, thành phố và xuống tận xã, phường, thị hiếu nhưng cũng không thu hút được người đến nộp hồ sơ trực tiếp. Thậm chí, theo quản lý nhiều doanh nghiệp, đơn vị còn khuyến khích công nhân giới thiệu người mới vào làm với mức thưởng 1 triệu đồng hoặc có thể hơn, song cũng chỉ được số lượng rất ít, chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu.
Theo bà Hoàng Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Dũng Thịnh Vượng, đơn vị chuyên cung ứng và giới thiệu việc làm đóng chân tại phường An Bình (TP.Biên Hòa) việc tuyển dụng lao động đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do Đồng Nai hiện không còn là vùng đất thu hút lao động từ các nơi đổ về như trước kia. Ngoài ra, do các doanh nghiệp tuyển chủ yếu là lao động phổ thông trong khi phần lớn người tìm việc lại là sinh viên mới ra trường có trình độ đại học, cao đẳng mong muốn công việc “bàn giấy”. Cung và cầu tuyển dụng chênh nhau nên doanh nghiệp thì khó tuyển dụng, còn lao động cũng không dễ kiếm được việc làm phù hợp.
Chủ động tìm kiếm lao động Bên cạnh các doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động vẫn có những đơn vị mỗi lần ra thông báo tuyển dụng là người lao động đến nộp hồ sơ nườm nượp như: Công ty TNHH Changshin, Công ty TNHH Pou Sung, Công ty TNHH Pouchen… Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, sở dĩ có tình trạng này là do chính sách tuyển dụng của mỗi doanh nghiệp khác nhau, nhất là về chế độ, quyền lợi dành cho người lao động. Do vậy để thu hút, giữ chân người lao động, doanh nghiệp cần thay đổi chế độ đãi ngộ theo hướng tốt hơn. |
Võ Tuyên