Xã hội

Khoảng trống tham vấn tâm lý học đường

Theo các chuyên gia, tâm lý học đường hiện nay ngày càng phức tạp, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ để lại những hậu quả xấu và lâu dài đến học sinh về sức khỏe, tinh thần và nhân cách.

Thầy Trần Văn Lập, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), gặp gỡ trò chuyện với học sinh. Ảnh: C.NGHĨA
Thầy Trần Văn Lập, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), gặp gỡ trò chuyện với học sinh. Ảnh: C.NGHĨA

Chính vì vậy, thời gian qua Sở GD-ĐT đã triển khai nhiều đợt tham vấn tâm lý học đường chuyên sâu ở các trường phổ thông nhằm bù đắp phần nào những khoảng trống về nhu cầu được tham vấn tâm lý của học sinh. Qua những buổi tham vấn, nhiều điều khó nói của học sinh đã được chia sẻ.

* Phức tạp… tâm lý học đường

Trong cuốn sổ ghi chép của bà Đỗ Thanh Tâm, cán bộ Phòng Công tác chính trị - tư tưởng Sở GD-ĐT, có rất nhiều trường hợp học sinh cần được theo dõi hỗ trợ về tâm lý. Trong số này có em Nguyễn Thị T. (học sinh một trường THCS ở Xuân Lộc). T. bị cha đẻ xâm hại tình dục một thời gian khá dài, em đã nhiều lần chia sẻ nhưng mẹ em không tin. Tình cờ một ngày đi làm quên đồ và quay về nhà bắt gặp em T. đang bị xâm hại, mẹ em mới tin đó là sự thật. Cha của T. đã phải đi tù để trả giá cho hành động của mình, còn T. thì gần như mất hết niềm tin vào cuộc sống.

Sáng nay 12-6, tại Trường IPS Đồng Nai (thuộc Công ty cổ phần giáo dục Thành Thành Công, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa), Sở GD-ĐT, Báo Đồng Nai và Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai tổ chức hội thảo với chủ đề Tâm lý trường học tại Đồng Nai - thực trạng và giải pháp. Hội thảo có sự tham gia của gần 400 đại biểu là các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Hay trường hợp Phạm Đức P., học sinh của một trường THCS tại huyện Tân Phú, muốn được sống thật với giới tính của mình nhưng bị cha mẹ, bạn bè và thậm chí cả thầy cô giễu cợt do có ngoại hình con trai nhưng lại thường xuyên trang điểm và thích mặc đồ con gái. Trong một lần gặp chuyên gia tâm lý của Sở GD-ĐT về nói chuyện với học sinh toàn trường, P. đã có dịp  chia sẻ về những suy nghĩ của mình. Sau khi chuyên gia rời trường, P. vẫn tiếp tục liên lạc và được tham vấn để có thể được là chính mình.

Theo các chuyên gia tâm lý, càng đi thực tế và tiếp xúc nhiều với học sinh các trường phổ thông trong tỉnh lại càng thấy có quá nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý cần tháo gỡ cho các em. Các vấn đề tâm lý học sinh gặp phải ngày càng nhiều, mức độ ngày càng phức tạp. Đó có thể là áp lực về học tập, tình cảm tuổi mới lớn, sức khỏe sinh sản vị thành niên, định hướng nghề nghiệp, nghiện game, nghiện internet, bất ổn các mối quan hệ trong xã hội… Nhiều học sinh do không được người lớn chia sẻ và định hướng dẫn đến rơi vào tình trạng bế tắc, mất phương hướng, mất niềm tin và rất dễ có hành động tiêu cực.

TS. Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học - xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, chia sẻ: “Một giáo viên chủ nhiệm phụ trách 40-45 học sinh, tuy nhiên không phải lúc nào giáo viên chủ nhiệm cũng ở trên lớp, càng không thể nắm và hiểu hết diễn biến tâm lý từng học sinh. Đã xảy ra nhiều trường hợp học sinh có biểu hiện khác thường về tâm lý, thay vì giáo viên chủ nhiệm cần tìm hiểu nguyên nhân lại quay sang quy kết học sinh có vấn đề về đạo đức, từ đó học sinh mất dần chỗ dựa về tinh thần”.

* Cần sớm có giải pháp

Đồng Nai hiện có gần 676 ngàn học sinh của 869 trường thuộc các cấp học từ mầm non tới phổ thông. Hiện đã có 30/68 trường THPT và 100% các trường tiểu học và THCS thành lập được tổ tham vấn tâm lý học đường theo Thông tư 31 của Bộ GD-ĐT ban hành cuối năm 2017 về thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Các tổ này có thành phần gồm ban giám hiệu, giáo viên, tổ chức Đoàn - Đội, có trường còn mời cả học sinh và ban đại diện cha mẹ học sinh cùng tham gia.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng giao lưu cùng chuyên gia tâm lý về chủ đề kỹ năng sống thời hội nhập.
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng giao lưu cùng chuyên gia tâm lý về chủ đề kỹ năng sống thời hội nhập.

Tuy nhiên, không chỉ thiếu giáo viên được đào tạo chuyên về tâm lý học đường, phần lớn các trường hiện chưa có phòng tham vấn tâm lý một cách chuyên nghiệp mà chủ yếu tận dụng phòng y tế, phòng công tác Đoàn - Đội, trong khi nhiều học sinh lại muốn được chia sẻ các vấn đề mình gặp phải trong phòng kín đáo và thông tin chia sẻ cần được giữ kín.

Năm học 2017-2018, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai phối hợp với Sở GD-ĐT tiến hành thí điểm thực hiện tổ tham vấn tâm lý học đường ở 4 trường tại TP.Biên Hòa gồm: Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (phường Bửu Long), Trường THCS Long Bình (phường Long Bình), Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Văn Trỗi (phường Long Bình Tân) và Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (phường Quyết Thắng). Bước đầu, tại các trường này đã có nhiều học sinh chủ động tìm đến để chia sẻ với các chuyên gia về những vấn đề tâm lý gặp phải. Sở GD-ĐT đã nghiên cứu đánh giá lại để có thể triển khai nhân rộng.

PGS-TS. Nguyễn Văn Thọ, nguyên Giám đốc Bệnh viện tâm thần trung ương 2, chia sẻ từ đầu những năm 2000 ông đã nghiên cứu và đưa ra mô hình tham vấn tâm lý học đường tại Đồng Nai. Ông nhận định nhà trường rất cần có mô hình hoạt động của phòng tham vấn tâm lý học đường để cùng gia đình định hướng phát triển nhân cách đúng đắn, lành mạnh cho học sinh. Phòng tham vấn tốt nhất nên có chuyên viên tâm lý với kỹ năng tốt để phát hiện sớm và phân loại vấn đề tâm lý học sinh gặp phải. Từ việc nhìn nhận và phân loại sớm sẽ có những biện pháp can thiệp phù hợp và hiệu quả. Việc vận hành tốt tổ tham vấn tâm lý học đường sẽ giúp nâng cao kết quả học tập và định hướng cho học sinh.

Thầy Trần Văn Lập, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), cho hay: “Năm 2015 lần đầu học sinh của trường được nói chuyện với chuyên gia tâm lý của Sở GD-ĐT. Tôi bất ngờ vì học sinh của trường rất hào hứng đặt nhiều vấn đề, thậm chí có nhiều vấn đề tế nhị với chuyên gia mặc dù trước đó với tôi các em luôn giữ khoảng cách. Và tôi nhận ra rằng để làm được như chuyên gia rất khó, cần phải học hỏi từ họ”.

Nhờ kết nối với chuyên gia thường xuyên, giờ đây thầy Lập có nhiều phương pháp mới “gỡ rối” tâm lý cho học sinh. Thầy Lập đã mở hộp thư để tiếp nhận nhu cầu tham vấn tâm lý của học sinh. Theo đó học sinh không cần ghi thông tin cá nhân và tình huống sẽ được giải đáp công khai sau khi “hội ý” với các thành viên trong tổ tư vấn tâm lý của trường. Với những tình huống khó, thầy Lập lại chuyển cho các chuyên gia tâm lý nhờ trợ giúp sau đó mới trả lời cho học sinh.

Bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết vấn đề tâm lý học đường đang được ngành rất quan tâm. Sở đã chỉ đạo tất cả các trường rà soát, thành lập tổ tham vấn tâm lý và sớm đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Thời gian tới Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục hợp tác với các trường đại học có đào tạo về ngành tâm lý giáo dục để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên chuyên ngành tâm lý học đường đáp ứng nhu cầu tại chỗ. Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục mời các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm thường xuyên về các trường để tư vấn cho học sinh, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng cho giáo viên.

 Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,946,067       2/1,171