Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương đã có nhiều giải pháp để kéo giảm tình trạng tai nạn lao động, nhưng có một thực tế là số người bị tai nạn lao động hàng năm vẫn chưa có dấu hiệu giảm...
Vốn là công nhân công ty sản xuất gỗ, thu nhập hàng tháng hơn 8 triệu đồng, anh Nguyễn Minh Tài tạm đủ chi tiêu cho gia đình 4 người gồm: anh Tài, mẹ ruột, vợ và con gái (ngụ ấp 8, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Nhưng rồi một kiện gỗ rơi trúng người trong quá trình làm việc tại Công ty TNHH San Lim Furniture (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) vào năm 2016 đã khiến anh Tài bị chấn thương cột sống.
Thợ xây dựng làm việc trên cao mà không có bất kỳ thiết bị bảo hộ lao động (ảnh chụp tại một công trình xây dựng ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom chiều 7-5). Ảnh: V.TRUYÊN |
Tai nạn lao động ập đến quá bất ngờ khiến anh Tài phải nằm điều trị 15 tháng tại bệnh viện. Khi xuất viện, anh Tài nằm liệt một chỗ và phải cần người thân chăm sóc. Từ đó, cuộc sống cả gia đình trở nên vô cùng khó khăn.
* Từ trụ cột thành lệ thuộc
Sau khi xuất viện, anh Tài bị xác định mức thương tật 97% với các bệnh lý: thoát vị đĩa đệm, liệt tủy ngực, di chứng liệt 2 chân, không thể tự chủ việc vệ sinh cá nhân. Do vậy, anh Tài không thể nằm tại phòng trọ ở huyện Trảng Bom mà phải trở về nhà ở huyện Định Quán để vợ và mẹ chăm sóc. Phía công ty nơi anh Tài làm việc cũng đã bồi thường gia đình trả viện phí cùng một số tiền sau khi xuất viện.
Một người lao động đang hàn xì (tại khu phố 4, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) chỉ đeo kiếng mát, khẩu trang vải mà không có những thiết bị bảo hộ theo quy định là: mặt nạ, găng tay, quần áo bảo hộ lao động trong khi tàn lửa và mùi hôi từ quá trình hàn ảnh hưởng đến sức khỏe, ảnh chụp sáng ngày 7-5 . |
“Có ai muốn đổi thân thể của mình để lấy tiền đâu. Tôi cũng vậy. Sau khi xuất viện, tôi phải tiếp tục điều trị bệnh trong khi thẻ bảo hiểm của công ty đã hết hạn, còn thẻ bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo, đối tượng khuyết tật chưa được cấp mới nên rất tốn tiền” - anh Tài chia sẻ.
Sáng nay 8-5, tại Sở Lao động - thương binh và xã hội diễn ra lễ tổng kết Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ I-2017 và lễ phát động hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động lần thứ II-2018. |
Vì hoàn cảnh gia đình vốn thuộc hộ nghèo không đất sản xuất, lại thêm lao động chính bị bại liệt nên cuộc sống của gia đình anh Tài vô cùng khó khăn. Để kiếm tiền lo thuốc thang cho chồng và chi phí sinh hoạt cho con gái và mẹ chồng, vợ anh phải xa chồng và con gái 5 tuổi đến Khu công nghiệp Bàu Xéo thuê nhà trọ để làm công nhân.
Bà Đỗ Thị Hương (70 tuổi), mẹ anh Tài, chia sẻ: “Thấy vợ một thân một mình đi làm cực khổ ban đầu, thằng Tài cũng cố gắng xuống nhà trọ ở cùng vợ rồi ngày ngày tự ngồi xe lăn đi bán vé số để có thêm tiền. Nhưng bán được 2 ngày thì nó nằm liệt, sốt cao không còn biết gì. Vậy là lại đi bệnh viện rồi về nhà để tôi chăm sóc, cho vợ nó yên tâm đi làm”.
Từ một thanh niên nhanh nhẹn, sức khỏe tràn trề, vui tính và là trụ cột gia đình, giờ nằm một chỗ anh Tài trở nên ít nói hơn và luôn ngồi một mình suy nghĩ về cuộc sống.
“Bây giờ tôi thành người sống lệ thuộc. Đã có lúc tôi muốn chết đi nhưng nghĩ tới con gái, mẹ già, vợ rồi mọi người cũng động viên nhiều nên tôi tập chấp nhận với hoàn cảnh” - anh Tài nói.
Hoàn cảnh của anh Tài rất thương tâm. Nhưng người thanh niên vừa bước vào tuổi 30 này vẫn còn có cơ hội sống bên vợ con và mẹ già, đó cũng có thể xem là may mắn. Bởi, có rất nhiều người buổi sáng còn cùng vợ con, cha mẹ ăn sáng trước khi vào ca thì buổi chiều đã ra đi mãi mãi.
Trường hợp của nạn nhân Nguyễn Phát Hiển (41 tuổi, ngụ KP.6, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Cả gia đình, bạn bè bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của tài xế này khi mà buổi sáng định mệnh ông còn sinh hoạt bình thường với gia đình nhưng đến đầu giờ chiều thì bệnh viện thông báo với người nhà ông đã qua đời. Nguyên nhân được xác định là trong quá trình làm việc, ông Hiển bị bửng sau của thùng xe tải đập trúng đầu dẫn đến tử vong.
* Giảm những con số ám ảnh
Theo Sở Lao động - thương binh và xã hội, trong năm 2017 đã có 1.428 người bị tai nạn lao động, trong đó có 29 người chết. Đa số tai nạn xảy ra với người đang trong độ tuổi lao động, là trụ cột nuôi sống cả gia đình.
Anh Nguyễn Minh Tài (30 tuổi) bị tai nạn lao động tỷ lệ 97% cùng con gái tại căn nhà nhỏ (ở ấp 8, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) với điều kiện sống rất khó khăn. |
Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh, địa phương đã có những hành động để kéo giảm tình trạng tai nạn lao động như: tập huấn về an toàn vệ sinh lao động cho chủ doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn, công nhân trực tiếp tham gia sản xuất; thanh, kiểm tra tại nơi làm của người lao động về việc chủ lao động có đảm bảo an toàn vệ sinh lao động để nhắc nhở chấn chỉnh, thậm chí xử phạt hành chính đối với trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, có một thực tế là số người bị tai nạn lao động hàng năm không có dấu hiệu giảm.
Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động vẫn còn cao, trước hết là do một bộ phận người sử dụng lao động chạy theo lợi nhuận nên ít đầu tư cho vấn đề bảo hộ lao động, chưa chấp hành công tác an toàn vệ sinh lao động. Ngay chính người lao động cũng còn rất xem nhẹ việc bảo vệ chính mình trước những nguy cơ xảy ra tai nạn khi làm việc, trong đó có việc không sử dụng phương tiện bảo hộ lao động cá nhân khi vào ca, thao tác máy móc không theo quy trình mà làm tắt để nhanh được việc.
Từ đó, có thể thấy rằng, để hạn chế số vụ tai nạn lao động thì cần sự chú tâm từ cả 2 phía, trong đó người sử dụng lao động cần chú ý đến việc trang bị bảo hộ an toàn lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn để giữ gìn vốn quý của doanh nghiệp. Người lao động trực tiếp cần tuân thủ quy định làm việc, không vì đẩy nhanh năng suất mà làm tắt, bỏ qua các bước theo quy trình làm việc chung nhất là khi làm việc trong môi trường độc hại, mức độ nguy hiểm cao.
Võ Tuyên