Xã hội

Chọn nghề theo nhu cầu xã hội

Trên 25 ngàn học sinh lớp 12 của tỉnh đã hoàn thành đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Xu hướng chọn ngành nghề năm nay có sự thay đổi mạnh, bám sát xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Các ngành kỹ thuật và công nghệ tiếp tục được dự báo “khát” nhân lực. Trong ảnh: Sinh viên hệ cao đẳng nghề quốc tế của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành với giảng viên người nước ngoài. Ảnh: C.NGHĨA
Các ngành kỹ thuật và công nghệ tiếp tục được dự báo “khát” nhân lực. Trong ảnh: Sinh viên hệ cao đẳng nghề quốc tế của Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 thực hành với giảng viên người nước ngoài. Ảnh: C.NGHĨA

Theo ban giám hiệu của một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 năm nay được tiến hành khá kỹ. Ngoài tư vấn hướng nghiệp tại trường, học sinh còn được đến tham quan trực tiếp tại một số trường đại học, cao đẳng.

* Ngành kỹ thuật lên ngôi

Trước khi đăng ký xét tuyển vào ngành công nghệ thông tin của Trường đại học khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Thành, học sinh lớp 12A3 Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh) mất khá nhiều thời gian tìm hiểu. Không chỉ nghe thầy cô, cha mẹ tư vấn, Thành còn đến một số trường đại học có đào tạo ngành công nghệ thông tin tìm hiểu thêm. Thành cho biết: “Học ngành công nghệ thông tin có thể làm nhiều việc như: quản trị hệ thống mạng, lập trình phần mềm, lập trình ứng dụng cho điện thoại di động, game, đồ họa, phát triển thương mại điện tử…, từ đó em quyết định chọn ngành này”.

Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, cho biết: “Học sinh lớp 12 đã hoàn thành đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 và nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, theo quy chế tuyển sinh năm 2018 của Bộ GD-ĐT, sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia, nếu cảm thấy sức làm bài không thể đậu vào các trường đăng ký trước đó, thí sinh vẫn có thể điều chỉnh nguyện vọng lần cuối bằng hình thức trực tuyến từ ngày 15 đến 21-7, hoặc điều chỉnh bằng phiếu từ ngày 15 đến 23-7”.

Thầy Hoàng Văn Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bàu Hàm (huyện Trảng Bom), cho hay: “Trước đây học sinh chọn ngành theo định hướng của cha mẹ. Cha mẹ muốn ngành gì thì con chọn ngành ấy. Vài năm trở lại đây khi có nhiều kênh hướng nghiệp, nhà trường lại chủ động trong công tác hướng nghiệp nên học sinh cũng chủ động hơn, tự đưa ra quyết định chọn nghề nghiệp tương lai. Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều học sinh đặt các câu hỏi về những ngành nghề nằm trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chọn những ngành nào phù hợp với nhu cầu xã hội…”.

Năm học này, Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) có trên 600 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên Phạm Thị Thanh Hà cho biết: “Đa số học sinh lớp 12 của trường đều đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học. Có em đăng ký từ 3-5 nguyện vọng vào các trường đại học khác nhau. Các ngành kinh tế, y dược, ngoại ngữ, kỹ thuật, công nghệ… được học sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhiều hơn các ngành khoa học xã hội”.

Nguyễn Quốc Vinh, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Tân Phú (huyện Định Quán), cho hay Vinh đăng ký xét tuyển 3 nguyện vọng ngành cơ điện tử vào 3 trường đại học khác nhau. Vinh giải thích sở dĩ em chọn ngành này là vì Việt Nam đang phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô phát triển khá nhanh, do đó cần nhiều thợ và kỹ sư có tay nghề.

* Chọn nghề không bị bão hòa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho hay từ hoạt động tư vấn hướng nghiệp được thực hiện chuyên sâu, học sinh lớp 12 hiện nay chọn nghề một cách thực tế hơn, đúng với sở thích, sở trường và xu thế của thị trường lao động.

Học sinh Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh) tham dự tư vấn hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại trường.
Học sinh Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh) tham dự tư vấn hướng nghiệp do Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại trường.

TS.Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, cho rằng: “Xu thế lựa chọn các ngành công nghệ và kỹ thuật bám sát với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được học sinh thể hiện rất rõ rệt trong mùa tuyển sinh năm 2018”. Cụ thể, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ tự động hóa ngày càng có nhiều học sinh, nhất là học sinh nam, đăng ký xét tuyển. Đây là những ngành có liên quan mật thiết đến các lĩnh vực của đời sống, hoạt động sản xuất và dịch vụ. Năm nay, ngành công nghệ ô tô trở thành một trong những ngành “hot”, được nhiều học sinh đăng ký xét tuyển. Đây chính là hiệu ứng của việc Việt Nam đẩy mạnh phát triển sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước.

Trong khi đó, nhiều ngành khoa học xã hội như: ngoại ngữ, báo chí, du lịch, thiết kế thời trang, luật... tiếp tục khẳng định được chỗ đứng, nhất là với nữ sinh Đinh Thị Diệu Châu, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Long Thành (huyện Long Thành), cho biết: “Em đã tham dự một số buổi tư vấn hướng nghiệp được tổ chức tại trường, tham quan thực tế tại một số trường đại học và được tư vấn kỹ về ngành du lịch, ngành mà em rất thích vì phù hợp tính cách của em”. Châu chia sẻ thêm: “Em tìm hiểu và được biết Việt Nam đang phát triển rất mạnh du lịch, nhưng lại đang thiếu đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp và em tin là tương lai nếu mình chăm chỉ học hành thì sẽ có nghề nghiệp tốt”.

Ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học công nghệ Đồng Nai, cho hay nhiều ngành khoa học xã hội tiếp tục là lựa chọn tốt với học sinh khi đăng ký xét tuyển. Chẳng hạn, ngành quản trị nhà hàng - khách sạn hiện nay ở khu vực Đông Nam bộ, nhất là TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu…, cần khá nhiều nhân lực chuyên nghiệp nhưng mới chỉ có ít trường đào tạo. Thực tế, đến nay Khoa Du lịch của Trường đại học công nghệ Đồng Nai đã có lượng hồ sơ đăng ký khá lớn so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,954,116       1/1,194