Toàn tỉnh hiện có trên 190 mô hình tập hợp phụ nữ với gần 18 ngàn tổ, nhóm, câu lạc bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình hoạt động hiệu quả, vẫn còn những mô hình tồn tại cho có, chưa phát huy được sức hấp dẫn với hội viên phụ nữ.
Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) làm việc tại hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. |
Với mục tiêu tập hợp rộng rãi các đối tượng phụ nữ, Huyện hội Trảng Bom đã thành lập được 13 tổ phụ nữ công nhân với gần 500 hội viên tham gia gồm: 1 tổ phụ nữ công nhân trong Công ty TNHH Pousung Việt Nam và 12 tổ phụ nữ công nhân nhà trọ.
* Kinh nghiệm từ thực tiễn
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Trảng Bom Lê Thị Kim Mai cho hay đối với việc thành lập tổ phụ nữ công nhân trong doanh nghiệp, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã cùng với Đảng ủy khối doanh nghiệp và Liên đoàn Lao động huyện gặp ban giám đốc doanh nghiệp để vận động thành lập. Riêng đối với khu vực nhà trọ, Hội kết hợp vừa khảo sát vừa vận động chủ nhà trọ thành lập tổ phụ nữ công nhân nhà trọ.
Theo bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, trong năm 2017 các cấp Hội trong tỉnh đã phát triển mới 11.553 hội viên, nâng tổng số hội viên sau khảo sát trong toàn tỉnh là 376.332 hội viên (giảm trên 150 ngàn hội viên so với năm 2016), đạt tỷ lệ 59%. |
Sau khi thành lập, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện bám sát để định hướng sinh hoạt và tham dự sinh hoạt thường kỳ với tổ phụ nữ công nhân. Hội Liên hiệp phụ nữ các xã, thị trấn cũng chú trọng phối hợp với chủ nhà trọ để tổ chức các hoạt động tại khu vực nhà trọ, vận động giúp đỡ, thăm hỏi các hội viên có hoàn cảnh khó khăn...
Ngoài nữ công nhân, Hội huyện Trảng Bom cũng vận động thành lập được 8 tổ phụ nữ tôn giáo. Kinh nghiệm vận động của Hội chính là tập trung vận động phụ nữ trong các nhà dòng, các tổ chức ca đoàn, tổ hiền mẫu trong nhà thờ tham gia trước, tiếp đến là phụ nữ tôn giáo ở địa bàn dân cư.
Chia sẻ về kinh nghiệm đổi mới nội dung sinh hoạt của các mô hình để phù hợp hơn với nhu cầu của hội viên, bà Đặng Thị Phương Hảo, Phó chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ TP.Biên Hòa, cho hay đối tượng tập hợp chủ yếu là phụ nữ lớn tuổi nghỉ hưu và phụ nữ làm nội trợ nên Thành hội đã tập trung chỉ đạo Hội cơ sở tập trung vào các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần để thu hút hội viên. Các Hội cơ sở tranh thủ các nguồn lực tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến các vấn đề thiết thực như: chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, văn nghệ, các hoạt động từ thiện...
Không chỉ tổ chức các hoạt động phù hợp mà theo chị Vũ Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), thời gian sinh hoạt cũng phải phù hợp mới thu hút được chị em. Bởi một địa phương có trên 99% đồng bào theo đạo như Gia Kiệm thì ngày nghỉ cuối tuần thường dành đi lễ, chưa kể có người đi lễ sớm, có người đi lễ muộn nên việc tập hợp chị em cùng tham gia sinh hoạt là việc không dễ.
“Để chị em vừa tròn việc đạo vừa vẹn việc Hội, thời gian sinh hoạt thường diễn ra sau khi xong lễ và theo từng nhóm nhỏ. Làm như vậy tuy hơi mất thời gian của Chi hội trưởng nhưng đảm bảo chị em đều được tham gia sinh hoạt Hội” - chị Hồng nói.
* Mạnh dạn thay thế mô hình không hiệu quả
Thông qua các mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã có thể tiếp xúc được với nhiều tầng lớp phụ nữ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng kịp thời tham mưu đề xuất với Hội cấp trên, các ban, ngành, đoàn thể để có định hướng phù hợp; thông qua đó chuyển tải nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với hội viên, phụ nữ.
Tuy nhiên, có một thực trạng đã và đang tồn tại lâu nay, chính là các cấp Hội đua nhau thành lập mô hình, nhưng sau lễ ra mắt rầm rộ lại không duy trì được hoạt động. Nhiều mô hình hoạt động có nội dung đơn điệu, nhàm chán. Các mô hình tổ tiết kiệm được các cấp Hội đánh giá là hiệu quả và duy trì sinh hoạt thường xuyên, nhưng thực chất đó là các buổi thu tiền, bình xét cho vay và rất ít khi lồng ghép các nội dung của Hội. Các mô hình nâng cao kiến thức cho phụ nữ khó đánh giá hiệu quả thực chất...
Bà Đặng Thị Phương Hảo đề xuất nên để các đơn vị tự đăng ký mô hình phù hợp với địa phương cũng như nhu cầu của hội viên phụ nữ. Thay vì một đơn vị có tất cả các mô hình thì thay đổi bằng việc mỗi đơn vị chỉ cần thực hiện từ 1-2 mô hình nhưng chú trọng đến hiệu quả, chất lượng.
Tại buổi tọa đàm Xây dựng mô hình tập hợp phụ nữ - thực trạng và giải pháp do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức, bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, yêu cầu các cấp Hội thường xuyên rà soát, đánh giá lại những mô hình hoạt động có hiệu quả để nhân rộng. Những mô hình hoạt động kém hiệu quả hoặc không phù hợp cần thay thế bằng những mô hình khác phù hợp và gắn với lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên cũng như nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Muốn vậy, cán bộ Hội các cấp ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cần tăng cường đi cơ sở, dành nhiều thời gian tham gia sinh hoạt với các chi Hội để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn.
Nga Sơn