Xã hội

Thiếu chuyên gia tâm lý học đường

Khủng hoảng tâm lý trong học sinh ngày một phức tạp hơn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như từ các mối quan hệ, áp lực học tập, ảnh hưởng của mạng xã hội… Đây là vấn đề có thể dễ phát hiện, nhưng khó giải quyết do thiếu vai trò của chuyên gia tâm lý trong trường học.

Khủng hoảng tâm lý trong học sinh ngày một phức tạp hơn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như từ các mối quan hệ, áp lực học tập, ảnh hưởng của mạng xã hội… Đây là vấn đề có thể dễ phát hiện, nhưng khó giải quyết do thiếu vai trò của chuyên gia tâm lý trong trường học.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công chia sẻ với giáo viên một trường phổ thông về hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: N.Thảo
Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Công chia sẻ với giáo viên một trường phổ thông về hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh. Ảnh: N.Thảo

Năm học này, Đồng Nai có gần 676 ngàn học sinh ở 869 trường thuộc các cấp học. Tuy nhiên rất ít trường học có điều kiện thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường.

* Khoảng trống lớn

Chuyên viên Phòng Công tác chính trị - tư tưởng (Sở GD-ĐT) Đỗ Thanh Tâm cho rằng diễn biến tâm lý học đường thực sự phức tạp hơn trước đây rất nhiều khi ngày càng có nhiều hơn các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống tâm sinh lý học trò. Công tác tư vấn tâm lý học đường là vấn đề không mới nhưng luôn khó. Một giáo viên bình thường khó lòng “kiêm vai” chuyên gia tâm lý khi thiếu khả năng am hiểu tâm lý, thiếu kỹ năng tiếp xúc học sinh. Thành công của công tác tư vấn tâm lý học đường nằm ở chỗ vừa giúp học sinh dám nói ra những vấn đề mà các em đang gặp, vừa giúp giải quyết được tận gốc vấn đề.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đào Đức Trình cho biết thời gian qua Sở GD-ĐT đã tăng cường mời các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm, uy tín để tổ chức luân phiên các buổi tham vấn tâm lý ở các trường phổ thông trong toàn tỉnh. Việc tổ chức mời chuyên gia đã khắc phục dần những khoảng trống trong tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh, đồng thời tạo cho giáo viên các trường học hỏi kinh nghiệm từ phương pháp tư vấn của chuyên gia.

Bà Đỗ Thanh Tâm cho hay, trong quá trình đưa các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm đến nói chuyện với học sinh ở các trường, những chuyên gia này đã giúp các em “bật” ra một cách tự nhiên nhiều vấn đề mà bình thường không dám nói với thầy cô ở trường. Trong những câu chuyện ấy, có cả những vấn đề tế nhị liên quan đến tình yêu, tình dục, thậm chí cả chuyện bị xâm hại…

TS.Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học tâm lý giáo dục Đồng Nai, chia sẻ: “Không ít thầy cô của các trường phổ thông đã bị bất ngờ khi học sinh của mình rất tự nhiên, rất mạnh dạn chia sẻ nhiều vấn đề “khó nói” với khách mời là chuyên gia tâm lý, dù chúng tôi mới chỉ lần đầu tiếp xúc với các em, trong khi đó ở trường thì các em lại rất “kín tiếng”. Sở dĩ có sự trái chiều ấy là bởi thầy cô và học sinh ở trường còn khoảng cách nhất định khiến học sinh không dám nói ra điều mình suy nghĩ”.

Cô Nguyễn Thị Kim Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa), cho biết giáo viên của trường khá bận rộn chuyên môn, phụ huynh thì không phải ai cũng quan tâm tường tận đến diễn biến tâm lý của con hàng ngày. Tâm lý học đường lại khá rộng, có nhiều vấn đề khó, vượt quá khả năng chuyên môn của giáo viên. Do đó, để học sinh được tư vấn chuyên sâu về tâm lý thì cần mời chuyên gia kinh nghiệm mới giải quyết được tận gốc vấn đề.

* Còn nhiều băn khoăn

Mới đây Bộ GD-ÐT đã ban hành Thông tư số 31/2017 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục tỏ ra khá băn khoăn khi thông tư này chưa đề cập đến vai trò của các chuyên viên, chuyên gia tâm lý giáo dục trong trường học. Điều đáng nói, hơn 10 năm trước Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn về thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên, nhưng tới nay công tác này không có nhiều chuyển biến. Trong khi đó, học sinh vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi hơn, ảnh hưởng xấu hơn đến tâm lý trong quá trình phát triển.

Giáo viên tư vấn tâm lý cho học sinh về chủ đề tạo tâm lý thoải mái cho hoạt động học tập.
Giáo viên tư vấn tâm lý cho học sinh về chủ đề tạo tâm lý thoải mái cho hoạt động học tập.

Theo các chuyên gia, khó khăn lớn để thực hiện thành công tư vấn tâm lý cho học sinh hiện nay chính là ở số lượng chuyên gia tâm lý giáo dục có thể đáp ứng cho các trường phổ thông còn quá ít. Hơn nữa khi tiến hành tư vấn tâm lý cho học sinh đòi hỏi phải cẩn trọng, khoa học, bởi có những vấn đề tâm lý liên quan đến sức khỏe tâm thần  phải cần đến chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản mới có thể tìm ra hướng giải quyết.

TS.Lê Minh Công chia sẻ thêm, các chuyên viên và chuyên gia tâm lý giáo dục rất cần cho công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông hiện nay được chuyên sâu và chuyên nghiệp hơn. Trong khi số lượng các chuyên viên, chuyên gia tâm lý giáo dục còn quá ít so với nhu cầu thực tế, biên chế các trường hạn chế tăng thêm thì có thể tìm những mô hình phù hợp khác. Cụ thể, các nhà trường có thể huy động phụ huynh đóng góp khoản tiền nhỏ, chỉ vài ngàn đồng/tháng là có thể hợp đồng với một chuyên gia tâm lý về cộng tác với trường về lĩnh vực này.

Trong khi đó, TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, cho rằng từ trước đến nay công tác tư vấn học đường vẫn còn bị xã hội xem nhẹ, do đó chưa khuyến khích được người vào học ngành tâm lý giáo dục, dẫn đến lực lượng này đang thiếu hụt. Cần có chính sách đào tạo đội ngũ giáo viên có chuyên môn về công tác tư vấn tâm lý giáo dục thì mới đảm bảo cho công tác này triển khai hiệu quả

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,993,250       7/1,498