Ngày 5-1, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đồng Nai đã tổ chức buổi họp mặt kỷ niệm 39 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam và cùng với quân và dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7-1-1979 - 7-1-2018).
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai Bùi Ngọc Thanh trao quà tri ân các cựu chuyên gia và thân nhân các liệt sĩ từng làm nhiệm vụ giúp nước bạn tại Campuchia. |
Đã có trên 10 ngàn quân tình nguyện và chuyên gia của Đồng Nai sang giúp đất nước Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Nhiều người trong số đó đã hy sinh, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt mang về nước, nhiều người may mắn còn sống trở về nhưng mang thương tật suốt đời.
* Chiến đấu cho tình bạn
Ông Lê Văn Hùng, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối Dân chính Đảng (nay là Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh) từng có thời gian được cử sang giúp đỡ đất nước bạn Campuchia chiến đấu và xây dựng chính quyền. Ông Hùng kể, năm 1979 Campuchia đã giải phóng nhưng tàn dư của chế độ Pol Pot vẫn còn và đất nước Campuchia anh em vẫn còn đầy rẫy khó khăn. Năm 1984 khi đó ông 30 tuổi, vợ đang mang bầu con đầu lòng nhưng ông vẫn tình nguyện sang giúp đất nước bạn tại tỉnh Kampong Thom với vai trò là Chánh văn phòng đoàn Thống Nhất.
Sinh viên Sok Tola (ở tỉnh Kampong Thom) đã có 4 năm theo học ngành quản trị kinh doanh tại Trường đại học Đồng Nai vui mừng cho biết: “Tôi đến Đồng Nai học tập không chỉ mong muốn có được kiến thức để lập nghiệp tại đất nước mình mà còn mong muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc, tình cảm chân thành của người Việt Nam để chia sẻ với bạn bè của tôi ở đất nước Campuchia hiện tại”. |
Ông Hùng đã cùng với cán bộ của Campuchia gắn bó với người dân, làm công tác dân vận, từng bước xây dựng chính quyền và các đoàn thể. Không ít lần xuống cơ sở, ông Hùng và các cán bộ Campuchia đã bị các nhóm tàn quân Pol Pot phục kích bất ngờ, nguy hiểm chực chờ khắp nơi. Sự có mặt của các chuyên gia Việt Nam không chỉ giúp người dân Campuchia yên tâm mà còn tạo thành sức mạnh tiêu diệt tàn quân Pol Pot. Ông Hùng chia sẻ thêm: “Năm 1987 tôi hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, người dân Campuchia vô cùng lưu luyến với những cái ôm thật chặt mà tôi không thể nào quên được. Và người dân Campuchia chính là một phần hoài niệm đầy xúc động trong cuộc đời tôi”.
Với tinh thần giúp bạn là giúp mình, ông Nguyễn Ngọc Bích (ngụ ở phường Phú Bình, TX.Long Khánh) từng sang Campuchia với vai trò là chuyên gia giúp xây dựng lực lượng an ninh vào năm 1984 khi đang là Phó trưởng công an huyện Xuân Lộc. Ông cùng với nhiều cán bộ tỉnh Kampong Thom hoạt động bí mật trong lực lượng phản động Pol Pot để “moi” thông tin phục vụ cho lực lượng cách mạng Campuchia. Ông Bích cho biết điều kiện hoạt động bí mật giống như những điệp viên vô cùng nguy hiểm, nếu như bị địch phát hiện hoặc là bị lực lượng cách mạng Campuchia “bắn nhầm”. Khi đó chỉ có những cán bộ cấp cao của tỉnh Kampong Thom biết về vai trò của ông Bích.
Hoạt động bí mật ở Campuchia được hơn 1 năm, khi tình hình nước bạn tương đối ổn định, lực lượng an ninh tỉnh Kampong Thom đã hình thành, ông Bích được rút về tỉnh Đồng Nai tiếp tục công tác. Trước khi về hưu năm 2011, ông Bích đảm nhiệm vai trò là Trưởng công an TX.Long Khánh. Nói về những kỷ niệm trong hơn 1 năm sống và làm việc ở nước bạn Campuchia, ông Bích chia sẻ: “Thời gian công tác tại Campuchia tôi đã có những đêm không ngủ, đặc biệt là những đêm cung cấp thông tin cho lực lượng an ninh tỉnh Kampong Thom tiêu diệt tàn quân Pol Pot hay giúp dân tránh được những trận phục kích của chúng”.
* Nối dài tình hữu nghị
Ngay tại Đồng Nai còn có một di tích đặc biệt, khắc ghi dấu ấn không thể phai mờ về mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia, đó là Khu di tích Đoàn 125 (ấp Suối Râm, xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ). Khu di tích Đoàn 125 là nơi đã khai sinh lực lượng vũ trang Cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia, trong đó có người lãnh đạo cao nhất của đất nước Campuchia ngày nay là Thủ tướng Hun Sen. Tại Khu di tích Đoàn 125 hiện nay còn là nơi an nghỉ của 49 chiến sĩ cách mạng Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong những lần trở lại viếng Khu di tích Đoàn 125 đều khẳng định, cuộc chiến đấu chống quân diệt chủng Pol Pot của nhân dân Campuchia đã có sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của nhân dân Việt Nam, và nếu không có sự giúp đỡ này thì đã không có đất nước Campuchia ngày nay. Thủ tướng Hun Sen mong muốn Khu di tích Đoàn 125 sẽ tiếp tục là nơi giáo dục về tình đoàn kết giữa 2 dân tộc anh em Việt Nam và Campuchia.
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Đồng Nai Trần Thanh Hùng cho biết trong nhiều năm qua nhân dân Đồng Nai đã không ngừng góp phần làm cho tình hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia thêm vững chắc. Tỉnh Đồng Nai và tỉnh Kampong Thom đã kết nghĩa với nhau và có nhiều hoạt động thiết thực. Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập được Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, tất cả các địa phương trong tỉnh đều có chi hội hoạt động hiệu quả với tổng cộng trên 1.500 hội viên.
Không chỉ giúp đỡ vô tư, trong sáng đối với nhân dân Campuchia trong khó khăn hoạn nạn, mà trong thời bình chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai còn tiếp tục đồng hành với nước bạn. Đến nay đã có trên 100 sinh viên của Campuchia được tài trợ học bổng sang Đồng Nai du học ở nhiều lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ, nghệ thuật… Các hoạt động giao lưu giữa thế hệ trẻ Đồng Nai và Campuchia liên tiếp được tổ chức, trong đó có hội trại tuổi trẻ 3 nước Đông Dương Việt - Lào - Cam. Tháng 8-2017 vừa qua, Tỉnh đoàn còn tổ chức kỳ nghỉ hồng quốc tế giao lưu, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại tỉnh kết nghĩa Kampong Thom...
Công Nghĩa