Xã hội

Đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực

Các trường đại học, cao đẳng tại Đồng Nai đang đứng trước thách thức nhằm tạo ra những bước đột phá mạnh về đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4....

Các trường đại học, cao đẳng tại Đồng Nai đang đứng trước thách thức nhằm tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ảnh hưởng đến từng lĩnh vực của cuộc sống.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thực hành với thiết bị hiện đại. Ảnh: C.Nghĩa
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thực hành với thiết bị hiện đại. Ảnh: C.Nghĩa

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong một buổi nói chuyện chuyên đề với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho rằng: “Đồng Nai đã thành công trong phát triển công nghiệp, nay muốn đón cơ hội để tiếp tục thành công với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì sẽ phải tiếp tục quan tâm đến yếu tố con người, con người có trình độ cao, sức sáng tạo”.

* Định hình đào tạo

Cụm từ “cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được nhắc đến ngày một nhiều hơn ở các trường đại học, cao đẳng, bởi đây là môi trường đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Bản thân các trường và sinh viên là những đối tượng chính chịu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp này.

Các trường đã và đang “rục rịch” thay đổi từng bước chương trình, trang thiết bị đào tạo cho phù hợp với xu thế chung. Trong đó, nhiều sinh viên đã chủ động hơn trong học tập, nghiên cứu các xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời trang bị thêm kỹ năng để có đủ khả năng “giành” việc với robot trong tương lai.

 
Đồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho hay Đồng Nai sẵn sàng là nhịp cầu kết nối cho các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, với các doanh nghiệp trong đặt hàng đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ với điều kiện cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu và trình độ công nghệ của doanh nghiệp. Nhiều vấn đề của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng là vấn đề nóng của tỉnh đang rất cần các trường đại học, cao đẳng thể hiện trách nhiệm trong việc tìm giải pháp để phát triển bền vững.

TS.Trần Minh Hùng, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai, chia sẻ nhà trường đào tạo chủ yếu 2 nhóm ngành sư phạm và kinh tế, nhưng cũng không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo TS.Hùng, sinh viên đã và đang được truyền đạt nhiều kiến thức thực tế về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để khi trở thành giáo viên đứng lớp sẽ truyền đạt các kiến thức chuyên sâu về cuộc cách mạng này cho học sinh. Riêng với ngành kinh tế thì sinh viên cần nhận thức sâu để chủ động với thực tiễn.

Từ thành công của sân chơi robot, Trường đại học Lạc Hồng đã hướng sinh viên sang công nghệ tự động hóa trong sản xuất, phù hợp xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhiều sản phẩm công nghệ tự động hóa được chuyển giao cho doanh nghiệp đã thay thế cho lao động thủ công với năng suất cao hơn.

Cuối năm 2017, giảng viên và sinh viên đã trình làng 2 phần mềm điều khiển dựa trên internet, đó là: sản phẩm điều khiển hệ thống điện trong nhà bằng điện thoại thông minh và hệ thống điều khiển giao thông thông minh. Để sinh viên làm quen với môi trường công nghệ, nhà trường đã đầu tư cánh tay robot công nghiệp, máy in 3D, robot Nao cho sinh viên lập trình trí tuệ nhân tạo giúp robot giao tiếp với con người. 

Còn Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại huyện Long Thành) được Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam đánh giá có cơ sở vật chất phục vụ đào tạo không thua kém gì các trường có trình độ tương đương ở Đức. Sinh viên của trường được thực hành trên các máy cắt gọt kim loại CNC hiện đại, nhiều giáo trình của nước ngoài được cải tiến phù hợp với Việt Nam, đặc biệt luôn có các chuyên gia của Đức hướng dẫn thực hành.

TS.Lê Văn Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường cao đẳng công nghệ quốc tế Lilama 2, cho biết: “Đến nay trường có 7 nghề được công nhận đạt trình độ quốc tế và chúng tôi hoàn toàn tự tin bắt tay với các tập đoàn lớn như Bosch hay Mercedes-Benz của Đức đào tạo nhân lực theo nhu cầu”.

* Không thể chậm trễ hơn

Là một Việt kiều sống lâu năm ở Đức, ông Võ Quang Huệ, cựu Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam và hiện là Phó tổng giám đốc dự án sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingoup. Ông Huệ từng “lôi kéo” Tập đoàn Bosch của Đức đầu tư hàng chục triệu Euro để xây dựng Nhà máy Bosch Gasoline Systems sản xuất dây truyền lực cho động cơ ô tô và thành lập Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp Bosch (Bosch TGA) tại Khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành).

Theo kinh nghiệm của ông Huệ, robot thay thế hàng loạt lao động thủ công sẽ không còn quá xa. Internet kết nối vạn vật bằng trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại những lợi ích khổng lồ nếu nắm bắt xu thế này. Ông Huệ cũng đưa ra nhiều khuyến cáo cho các địa phương, trong đó có Đồng Nai, là cần làm tốt việc đào tạo nguồn nhân lực ở hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm đào tạo nghề.

Theo ông, các tỉnh cần có quy hoạch và đầu tư trọng tâm vào các ngành nghề gắn với nhu cầu cao của doanh nghiệp, đặc biệt là nhân lực phát triển công nghiệp hỗ trợ vốn thiếu và yếu hiện nay. Tham khảo và áp dụng phù hợp các mô hình, chương trình dạy nghề tiên tiến của thế giới để sớm có nguồn lao động chất lượng. Đây là những nhiệm vụ có tính cấp bách và không thể chậm trễ hơn.

TS.Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, lại chia sẻ tham vọng xây dựng một xưởng sản xuất robot công nghiệp hiện đại. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, chế tạo và chuyển giao các robot tự động phục vụ sản xuất do các doanh nghiệp đặt hàng sinh viên chế tạo như đã từng làm trước đây. Đề án đã được xây dựng và trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.

TS.Đỗ Hữu Tài cho hay: “Khi vào hoạt động, xưởng sản xuất robot sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho sinh viên và doanh nghiệp, góp phần phát triển tài năng khoa học  - công nghệ cho sinh viên bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách cụ thể nhất mà không phải hô hào chung chung”.

Trong khi đó, TS.Phan Ngọc Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học công nghệ Đồng Nai, cho biết: “Trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng trở thành trường đại học ứng dụng, một xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từng nội dung liên quan đến sinh viên, bao gồm: định hướng ngành nghề, kiến thức cơ bản, kỹ năng mở rộng liên quan được củng cố lại. Thiết bị đào tạo và phục vụ nghiên cứu khoa học ứng dụng từng bước được đầu tư để sinh viên có điều kiện tiếp cận với thực tế”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,995,152       2/1,512