Xã hội

Vitamin K rất cần thiết cho trẻ sơ sinh

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em nhập viện do bị xuất huyết não vì thiếu vitamin K xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước; một số trường hợp trẻ bị hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng.

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn.
Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về tầm quan trọng, cũng như những tác hại nếu cơ thể trẻ nhỏ thiếu Vitamin K, Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết xuất huyết não ở trẻ em là bệnh tự phát do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, 2 nguyên nhân thường gặp nhất ở bệnh này là do thiếu vitamin K đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi; và bị bẩm sinh hoặc những bất thường về mạch máu não đối với trẻ trên 6 tháng tuổi.

 Ông có thể nói rõ, vì sao phải bổ sung vitamin K cho trẻ sau sinh? Công dụng và tác hại đối với vitamin K ở trẻ là gì?

- Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, ngăn ngừa hiện tượng chảy máu quá mức. Vitamin K không được bổ sung thông dụng như các vitamin khác mà hầu hết được cung cấp đầy đủ thông qua chế độ ăn. Thực tế, vitamin K chứa nhiều trong các loại rau có lá xanh, như: rau chân vịt, măng tây, bông cải xanh; các loại đậu và một số rau củ khác. Ngoài ra, vitamin K còn có trong các loại thịt, phomat, trứng, và được tổng hợp bởi vi khuẩn.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Hoàn, bệnh xuất huyết não có khả năng để lại di chứng và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị đúng cách và kịp thời. Thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh là một trong 2 nguyên nhân thường gặp nhất trong bệnh xuất huyết não.

Trẻ em nếu thiếu vitamin K có thể làm tăng nguy cơ chảy máu không kiểm soát. Vì vậy, trẻ sơ sinh cần được tiêm một mũi vitamin K ngay khi chào đời, nếu không sẽ dễ bị bầm da xuất huyết ở mũi, miệng, gốc rốn; đặc biệt là trong não, có thể gây tử vong. Vitamin K đóng vai trò đặc biệt trong quá trình đông cầm máu, ngăn ngừa chảy máu ở trẻ. Đông máu, hay còn gọi là tình trạng máu vón cục và cân bằng với quá trình chống đông, hiện tượng này vô cùng quan trọng, giúp duy trì trạng thái ổn định của việc lưu thông máu bên trong cơ thể trẻ. Thiếu vitamin K hoặc thiếu các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K có thể do một số bệnh lý tại gan trong thời kỳ còn trong bào thai, hoặc do chức năng gan của bé chưa được hoàn thiện đều dẫn đến hiện tượng xuất huyết ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Các bậc cha mẹ phải làm gì để biết con mình đã được bổ sung vitamin K sau sinh? Trẻ em cần được tăng cường loại thuốc này vào thời điểm nào?

Trẻ sơ sinh được người thân chăm sóc tại Khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.
Trẻ sơ sinh được người thân chăm sóc tại Khoa Sản Bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

- Vitamin K cần được bổ sung cho trẻ sau khi sinh. Các bà mẹ nên chủ động tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để biết được cách thức bổ sung vitamin K cho bé đúng cách, hợp lý và khoa học. Qua đó biết được tầm quan trọng và thời điểm thích hợp để cung cấp vitamin K cho trẻ nhỏ. Tình trạng thiếu vitamin K chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh, không xảy ra ở người lớn do sự vận chuyển vitamin K qua nhau thai của trẻ rất ít. Vì vậy, tất cả trẻ sơ sinh bắt buộc phải tiêm phòng viatmin K, tốt nhất trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

Các bậc cha mẹ cần lưu ý, nếu thấy da trẻ đột nhiên tái xanh, bỏ bú, ói rồi khóc thét thì đó là những dấu hiệu báo động bé đang có nguy cơ xuất huyết não do thiếu vitamin K. Nặng hơn bé có thể rên rỉ và co giật toàn thân hoặc co giật cục bộ ở một chi, ở mặt hay nửa người, đồng thời trẻ sụp mi mắt và dần hôn mê; nhiều trẻ có biểu hiện thở không đều hoặc có từng lúc ngừng thở… đều cần phải đưa bé đến các cơ sở y tế ngay để được cấp cứu kịp thời.

 Đồng Nai hiện có bao nhiêu cơ sở y tế có đủ điều kiện an toàn cho sản phụ sinh con, trong đó có trách nhiệm tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh?

Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại Phòng Đơn nguyên sơ sinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.LIÊN
Trẻ sơ sinh được chăm sóc tại Phòng Đơn nguyên sơ sinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: N.LIÊN

- Hiện nay các cơ sở điều trị của ngành y tế bao gồm y tế công lập và tư nhân đã được tổ chức chu đáo về cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị tại các khoa phụ sản, phòng sinh nên nói chung đã đáp ứng đủ điều kiện an toàn cho sản phụ khi đến khám và sinh con.

Trẻ thiếu vitamin K có thể do sinh thiếu tháng, sinh non hoặc không được tiêm vitamin K phòng ngừa. Để tăng cường vitamin K, trẻ cần được tiêm ngừa sau khi sinh. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp sau khi tiêm ngừa vitamin K trẻ vẫn có thể mắc bệnh xuất huyết não vì nguyên nhân khác.

Tại các khoa phụ sản đều có tổ chức chăm sóc chu đáo cho các bé mới chào đời, theo dõi sát sao tình trạng diễn biến của các bé mới sinh ra trong những giờ đầu nhằm sớm phát hiện và xử lý kịp thời các bệnh lý nếu có. Trường hợp trẻ có biểu hiện bệnh nặng sẽ được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh của Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai để điều trị.

Đối với việc phòng ngừa tình trạng xuất huyết não của trẻ, ngành y tế đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập có dịch vụ đỡ đẻ thực hiện nghiêm việc tổ chức tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh theo đúng hướng dẫn để phòng ngừa bệnh xuất huyết não theo chỉ đạo của Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

 Xin cảm ơn ông!

Ngọc Liên (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,996,406       3/1,515