Xã hội

Vươn lên khẳng định mình

"Người khuyết tật như tôi chỉ thua người bình thường ở tướng đi, còn cái đầu chắc chắn không thua. Tôi tự nhủ, phải nỗ lực vươn lên để không bị ai xem thường, thậm chí là gương sáng để người khác soi vào".

“Người khuyết tật như tôi chỉ thua người bình thường ở tướng đi, còn cái đầu chắc chắn không thua. Tôi tự nhủ, phải nỗ lực vươn lên để không bị ai xem thường, thậm chí là gương sáng để người khác soi vào”.

Ông Trương Ngọc Quang (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) với công việc sửa chữa điện gia dụng mỗi ngày.
Ông Trương Ngọc Quang (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) với công việc sửa chữa điện gia dụng mỗi ngày.

Chính nhờ quyết tâm và nghị lực vươn lên mạnh mẽ ấy, nhiều năm qua ông Trương Ngọc Quang (54 tuổi, phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa) luôn được mọi người xung quanh quý mến, tin yêu.

* Giúp mình…

Trải qua cơn sốt bại liệt lúc 15 tháng tuổi, đôi chân của ông Quang không phát triển bình thường như mọi người. Mãi đến năm 6 tuổi, ông mới tập đứng, rồi đi học như các bạn cùng trang lứa. Những năm 1980, nam sinh Trương Ngọc Quang là một trong số những học sinh giỏi Toán của Trường THPT Ngô Quyền. Thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình, ông không thể bước vào cánh cổng trường đại học.

“Sau một thời gian suy sụp, chán nản vì ước mơ không thành, tôi nghĩ, cánh cửa này khép lại ắt sẽ có cánh cửa khác mở ra. Vậy là tôi đi học nghề may, nghề điện. Đến nay, tôi đã có kinh nghiệm 30 năm sửa chữa đồ điện gia dụng với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Công việc tại tiệm điện cơ Thiên Ân trên đường Cách Mạng Tháng Tám giúp tôi nuôi sống bản thân, giúp mẹ già sửa nhà, có cuộc sống ổn định” - ông Trương Ngọc Quang tâm sự.

Không chỉ là thợ điện lành nghề, nhiệt tình, vui vẻ, ông Quang còn có bảng thành tích thi đấu thể dục - thể thao đáng nể với khoảng 10 huy chương vàng, bạc, đồng từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.

Ông Quang chia sẻ: “Không có sức khỏe thì không làm được gì. Bởi vậy, tôi chọn môn bơi để rèn luyện sức khỏe. Năm 2005 tôi học bơi, đến năm 2006 bắt đầu đi thi đấu. Ban đầu, việc học bơi gặp vô vàn khó khăn. Huấn luyện viên không dám dạy, nhân viên cứu hộ tại hồ bơi thì sợ tôi bị chết chìm. Đoạn đường từ bãi để xe đến hồ bơi với người bình thường rất ngắn nhưng với những người khuyết tật như tôi thì quá gian nan. Nhưng có quyết tâm, nỗ lực thì sẽ vượt qua tất cả”.

Bị bại liệt từ năm 3 tuổi, phải ngồi xe lăn để di chuyển nhưng chị Trần Thị Châu (ngụ ấp 5, xã Suối Nho, huyện Định Quán) không đầu hàng số phận. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội, chị Châu học nghề may rồi tự mở tiệm may gia công thời trang tại nhà.

Để phát triển kinh tế, trang trải cuộc sống, nuôi dạy 2 con ăn học, chị Châu bàn với chồng chăn nuôi thêm bò thịt, bò giống. Đến nay, đàn bò của gia đình chị Châu có 4 con, đem lại thu nhập ổn định giúp cuộc sống gia đình chị luôn tràn ngập tiếng cười.

Liên tục từ năm 2011 đến nay, chị Châu đều đạt huy chương vàng toàn quốc môn cử tạ dành cho người khuyết tật. Vừa qua, chị Châu vinh dự là một trong số những vận động viên khuyết tật của Việt Nam tham dự Asean Para Games 9 tại Malaysia. Đây là cơ hội để vận động viên cử tạ Trần Thị Châu học hỏi kinh nghiệm, tiếp tục theo đuổi đam mê thể thao và cố gắng luyện tập để đạt thành tích cao trong các kỳ Para Games sắp tới.

Nói về động lực để vươn lên của chính mình, chị Châu cho biết: “Có rất nhiều người khuyết tật nặng hơn tôi nhưng họ còn làm được nhiều việc phi thường hơn. Bởi vậy, không có lý do gì để tôi phải tự ti hay mặc cảm. Ngược lại, tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để theo đuổi đam mê, lập nên nhiều kỷ lục mới trong thi đấu thể thao”.

* …Giúp người, giúp đời

Luôn nở nụ cười tươi trên môi mỗi khi có người hỏi chuyện, chị Nguyễn Thị Hoài Hương (ngụ ấp 1, xã Long An, huyện Long Thành) để lại thiện cảm đối với người đối diện.

Chị Nguyễn Thị Hoài Hương (xã Long An, huyện Long Thành) chia sẻ: “Ban đầu khi tôi mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt, nhiều người nghi ngờ, công an thường xuyên lui tới kiểm tra. Sau một thời gian và nhiều lần kiểm tra, thấy cơ sở làm việc bình thường nên họ đã tạo điều kiện cho cơ sở hoạt động. Người khuyết tật chúng tôi chỉ mong có sức khỏe tốt, tự lao động, kiếm tiền bằng chính mồ hôi, công sức của mình chứ không ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng”.

Không may mắn được nhìn thấy ánh sáng nhưng chị Hương lại không sống khép mình trong bóng tối. Sau khi được đào tạo nghề xoa bóp, bấm huyệt tại Trường cao đẳng y tế Đồng Nai, chị Hương bắt đầu bén duyên với nghề xoa bóp.

Theo chị Hương, công việc không chỉ đem đến niềm vui sống, nguồn thu nhập cho nhiều người mù mà còn mang đến sức khỏe cho khách hàng.

Năm 2010, chị Hương mở cơ sở xoa bóp bấm huyệt riêng ở TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đến nay, cơ sở có 5 nhân viên cũng là người mù, với mức thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Trừ các khoản chi phí, chị Hương còn lại 7-10 triệu đồng/tháng. Số tiền kiếm được, chị Hương dùng để nuôi con ăn học, trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình tích lũy mua đất xây nhà. Những bằng khen, giấy khen và các huy chương vàng, bạc, đồng thi đấu thể thao các cấp đã phần nào nói lên sự cố gắng không mệt mỏi của bà chủ cơ sở xoa bóp bấm huyệt Hoài Hương.

Cũng không chỉ giúp mình mà còn giúp nhiều người khác có công việc, thu nhập ổn định từ nghề làm gốm mỹ nghệ là trường hợp của ông Ngô Quang Mẫn (KP.3, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa). Ông Mẫn bị liệt 2 chân từ năm 2 tuổi. Lớn lên, đam mê vẻ đẹp của những sản phẩm gốm mỹ nghệ, ông Mẫn quyết tâm theo học nghề gốm. Năm 2002, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh thành lập mô hình phát triển gốm mỹ nghệ truyền thống tại địa phương, đầu tư vốn cho ông Mẫn sản xuất.

Ông Mẫn cho biết ban đầu hoạt động sản xuất gốm truyền thống chỉ có gia đình ông và 3 gia đình khác tự lực làm, nguyên liệu là đất mua từ Bình Dương. Những sản phẩm như bình hoa, chậu kiểng, tượng thú do gia đình ông sản xuất đưa ra thị trường nhận được sự yêu mến của khách hàng. Khoảng vài năm trở lại đây, ngành gốm trải qua nhiều khó khăn, thách thức nhưng ông Mẫn vẫn kiên nhẫn bám trụ nghề. Hiện nay, sản phẩm gốm do gia đình ông làm ra có uy tín chất lượng, đảm bảo nhu cầu của thị trường, tạo việc làm cho 25 công nhân với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Nói về mong muốn của mình, ông Mẫn chỉ mong mô hình sản xuất nghề gốm truyền thống tiếp tục phát triển để tạo công ăn, việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ngày càng vững mạnh.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,998,904       2/1,523