Hoàn cảnh mà những gương mặt nhận học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ XV do Báo Đồng Nai tổ chức, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) tài trợ khá eo le. Có em cha mẹ đều không còn,...
ng dựa vào người thân và phải tự lập từ rất sớm.
Cô Phan Thị Như Uyên, chủ nhiệm lớp 8/3, động viên em Lê Thị Thanh Trúc. |
Vượt qua nỗi đau, các em vẫn hàng ngày đến trường để tiếp thu tri thức, mơ ước trở thành người có ích.
* Vượt qua tang thương
Cách đây mấy ngày, em Lê Thị Thanh Trúc (học sinh lớp 8/3 Trường THCS Bình An, xã Bình An, huyện Long Thành) phải trải qua nỗi đau mất mẹ do căn bệnh ung thư. Gần 2 năm trước cha của em cũng qua đời vì căn bệnh này. Trúc còn có em gái hiện mới chỉ học lớp 3 tại Trường tiểu học Bình An.
Em Từ Phạm Trúc Linh trong giờ học môn Văn. |
Liên tiếp phải vượt qua những cú sốc lớn về tinh thần nhưng 2 chị em Trúc vẫn đang từng ngày vượt qua để có thể thực hiện được lời dặn dò của cha mẹ trước lúc qua đời, đó là học giỏi để trở thành người tốt của xã hội.
Từ khi mẹ mất, Trúc là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho em gái. Hàng ngày Trúc chở em gái đi học, tối về sau khi ăn tối lại hướng dẫn học bài, động viên em vơi bớt đi nỗi đau mất mẹ. Trúc chia sẻ thêm: “Lúc còn mẹ thì tối nào mẹ cũng dạy học bài, được mẹ chăm sóc từng li từ tí, nhưng từ khi mẹ ra đi thì chị em với bà ngoại cứ quanh quẩn với nhau, thi thoảng có thêm bà nội sang chơi”. Ước mơ của Trúc là phải học giỏi, làm gương cho em, và còn để sau này sẽ tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ vốn là giáo viên còn đang làm dang dở.
* Cô học trò đặc biệt
Trước đây, em Lê Thị Ngọc Thoa, học sinh lớp 4/5 Trường tiểu học Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) và em gái có cuộc sống khá êm đềm, đầy đủ. Bởi, lúc đó mẹ em làm công nhân, còn cha em làm nhân viên cho một doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn Vĩnh Cửu nên thu nhập ổn định.
Thế nhưng, một biến cố lớn đã xảy ra, cha em từ một người khỏe mạnh đã nằm liệt một chỗ trong trạng thái không biết gì. Một mình mẹ làm công nhân nuôi 2 chị em Thoa ăn học. Để hỗ trợ con cháu, sau khi xuất viện cha em được ông bà nội đưa về nhà chăm sóc.
Em Lê Thị Ngọc Thoa, học sinh lớp 4/5 Trường tiểu học Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), chăm sóc cha mỗi khi về thăm. |
Ngôi nhà nơi ông bà nội và cha Thoa đang ở cách xa nhà 3 mẹ con sinh sống nên mỗi tuần chị em Thoa chỉ được gặp cha một lần vào ngày chủ nhật. Đứng cạnh chiếc giường cha nằm, nhìn vào ánh mắt vô hồn của cha, khuôn mặt Thoa chùng xuống, nơi khóe mắt chực trào ra những giọt nước mắt. Thoa bộc bạch, giá như không có biến cố ấy có lẽ giờ này cha đã có thể vui đùa với chị em em, có thể chở chị em em đi học, đi chơi...
Hoàn cảnh đặc biệt là thế, nhưng Thoa lúc nào cũng chăm ngoan học giỏi. Ngày nào cũng vậy, 5 giờ sáng là chị em Thoa thức dậy, vệ sinh cá nhân, chuẩn bị sách vở tươm tất để mẹ chở đến trường. Trưa đến, ông ngoại đón về. Sau giờ làm, không quản ngại trời tạnh ráo hay mưa, mẹ lại chở 2 chị em Thoa xuống TP.Biên Hòa học thêm tiếng Anh. Nhờ đó mà năm học nào Thoa cũng đạt học lực giỏi. Thoa cho biết em cố gắng học để không phụ lòng cha mẹ, sau này lớn lên có thể làm cô giáo để có thu nhập lo cho cha mẹ.
*Vượt đường xa đến trường
Theo thầy Nguyễn Hoàng Quốc Hưng, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/4 Trường THCS Quang Vinh (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), trong khi nhiều bạn khác đi xe đưa rước để đến trường thì em Phạm Thị Ngọc Trinh phải đạp xe hơn 7km. Chiếc xe đạp cũ của em đang đi là xe mượn nên hay bị hư dọc đường nhưng Ngọc Trinh rất ham học.
Em Phạm Thị Ngọc Trinh, lớp 6/4 Trường THCS Quang Vinh (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) trong giờ học trên lớp. |
Cha qua đời khi em mới lên 6 tuổi. Một mình mẹ em bán cá ở chợ để nuôi 11 người con. Các anh chị của em đều không có nghề nghiệp ổn định, lập gia đình khi tuổi đời còn nhỏ nên không ai có khả năng giúp mẹ lo cho các em.
Ngọc Trinh cho biết: “Mẹ em năm nay 53 tuổi nhưng không biết chạy xe máy, cứ đạp xe đạp để đi bán cá 2 buổi sáng chiều nên em phải tự đi học một mình. Các anh chị khác mỗi người một nơi nên khi nào rảnh là em làm việc nhà giúp mẹ, trông con cho các anh chị khác đi làm”.
Khi biết mình được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ XV do Báo Đồng Nai trao tặng, Ngọc Trinh hỏi thầy giáo chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Quốc Hưng là số tiền học bổng có đủ mua xe đạp mới hay không vì xe đạp cũ làm em cứ phải dẫn bộ hoài. “Thầy chủ nhiệm nói nếu thiếu thì thầy sẽ giúp thêm để em có xe đạp mới. Em vui lắm” - Ngọc Trinh nói.
* Bé ốc tiêu ham học
Đã 12 tuổi, đang là học sinh lớp 6/3 Trường THCS Lê Thánh Tông (xã La Ngà, huyện Định Quán) nhưng em Phan Trần Thanh Thảo chỉ nặng có 22kg và rất nhỏ con.
“Tuy thân hình thấp bé, nhẹ cân nhưng cô bé mồ côi cả cha lẫn mẹ Thanh Thảo học khá đều các môn. Trong các hoạt động ngoại khóa, Thanh Thảo luôn nhiệt tình nên được thầy cô, bạn bè quý mến. Nhiều lúc thấy em khóc khi nhìn thấy các bạn học khác có cha mẹ đưa đón đến trường, chúng tôi rất thương” - cô Nguyễn Thị Hải Vân, giáo viên chủ nhiệm lớp 6/3, nói.
Em Phan Trần Thanh Thảo, học lớp 6/3 Trường THCS Lê Thánh Tông (xã La Ngà, huyện Định Quán) phụ bà chuẩn bị rau để bán bún riêu. |
Thanh Thảo cho biết lúc em học lớp 1 thì cha mẹ mất. Từ đó em ở với ông bà nội. Ngoài giờ học trên lớp, Thanh Thảo phụ giúp ông bà nội chuẩn bị rau sống, rửa chén đũa để rồi sau đó theo bà nội bán bún riêu dạo tại các ngõ hẻm trong xã.
Chia sẻ về niềm vui khi sắp được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ XV do Báo Đồng Nai trao tặng, bà nội Thanh Thảo cho hay sẽ để dành mua quần áo, sách vở, đóng học phí cho Thanh Thảo yên tâm đi học.
* Nghị lực của cô học trò mồ côi
Cô học trò giỏi Từ Phạm Trúc Linh (lớp 7/1 Trường THCS Hiệp Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là một trong số những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên. Khi vừa cất tiếng khóc chào đời, Linh đã mồ côi mẹ. 3 năm sau, cha em cũng qua đời do bị xuất huyết não.
Thương các cháu còn quá nhỏ đã gặp phải nhiều bất hạnh, bác ruột Linh nhận nuôi, lo cho 2 chị em Linh từng miếng ăn, giấc ngủ đến chuyện học hành. Không có công việc làm ổn định, hàng ngày bà bác già lúi cúi làm vài loại bánh, đến các chợ bán kiếm vài chục ngàn đồng. Đến nay dù đã vào tuổi 74, sức khỏe suy giảm, nay ốm mai đau, bác của Linh vẫn ráng hết khả năng để cho Linh được đến trường.
Cô Trần Thị Thanh Trâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 6 của Linh cho biết, từ một bài văn kể về gia đình được điểm 9,5 của Linh, cô mới biết và càng thương hơn cô học trò nhỏ, càng khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên của em. Biết hoàn cảnh của Linh, nhà trường cũng miễn tất cả các khoản học phí, đóng góp; UBND xã Hiệp Hòa thì mua tặng bác và chị em Linh thẻ bảo hiểm y tế. Nhờ những sự hỗ trợ ấy mà Linh vững bước đến trường. Suốt 6 năm liền em luôn là học sinh giỏi, là niềm tự hào của bác, của thầy cô, bạn bè.
Chia sẻ về mong muốn của mình, trong đôi mắt buồn của Linh, những giọt nước mắt chỉ chực trào ra: “Em chỉ mong ước được có cha, có mẹ như những bạn học sinh bình thường. Nhiều khi thấy các bạn được cha mẹ đưa đón trước cổng trường, em rất buồn và tủi thân. Nhưng nghĩ đến bác, người đã vất vả nuôi nấng, che chở cho em suốt mười mấy năm qua, em tự nhủ sẽ phải học thật giỏi, để sau này có công việc làm ổn định, phụng dưỡng bác lúc tuổi già”.
Ngoài thời gian học trên lớp, Linh phụ giúp bác làm việc nhà, nấu cơm, rửa chén, giặt đồ, phụ bác làm bánh rồi đem đi bán. Bà Hồ Thị Xuân Hương, bác của Linh, nghẹn ngào: “Lúc còn trẻ, tôi quên đi hạnh phúc bản thân để lo cho cha mẹ và các em. Giờ già rồi, tôi lại lo cho các cháu. Có những hôm đau bệnh phải đi bệnh viện, không có tiền mua thuốc, không có tiền nuôi cháu, tôi thương cháu vô cùng. Cháu cũng thương tôi nên chăm học và ngoan ngoãn. Bởi vậy, còn sống ngày nào là ngày đó tôi không để cháu bị thất học, thiệt thòi”.
Nhóm P.V VH-XH