Văn hóa

Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà: Phép thử còn manh mún!

Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 4 tại Hà Nội đã kết thúc hơn 1 tuần nhưng dư âm của nó còn khiến người làm nghề trăn trở về những sáng tạo, những phép thử để sân khấu hôm nay phát triển, đi cùng với thời đại.

 

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai xoay quanh liên hoan này.

* Trong liên hoan năm nay, ông có điều kiện theo dõi hết tất cả các vở diễn dự thi không? Ông thích những vở diễn nào?

- Trong liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần 3 tại Hà Nội cách đây 3 năm, tôi từng tham dự với tư cách thành viên Ban Hội thảo chủ trì các cuộc hội thảo của liên hoan. Năm nay, tôi tiếp tục là thành viên của ban này và nằm trong Hội đồng thẩm định 53 vở quốc tế và 24 vở trong nước để chọn ra 21 vở dự thi chính thức tại liên hoan lần 4 (7 vở nước ngoài và 14 vở đến từ các đơn vị nghệ thuật trong nước).

 Với vai trò đó, tôi có cơ hội xem các vở dự thi rất kỹ và cá nhân tôi thích các vở Bpolar, Cánh đồng đẫm máu của nước ngoài, vở Cậu Vanya, Sự sống… trong nước. Đặc biệt, thích vở Thân phận nàng Kiều với hình thức xử lý tinh tế về không gian sân khấu, tạo hình các con rối. Thường người ta hay nghĩ con rối khô cứng nhưng khi đạo diễn cho rối mặc quần áo bằng vải xoay tạo dáng, tạo hình rất sinh động…

* Theo ông, chất lượng các vở dự thi năm nay so với liên hoan lần trước có gì nổi bật?

- Liên hoan năm nay, các đoàn quốc tế đem đến nhiều vở mang tính chất thử nghiệm rõ hơn so với liên hoan lần 3. Các đoàn trong nước thì cũng có khởi sắc nhưng nhìn vào 4 vở đoạt huy chương vàng (vở của Israel Bpolar, 3 vở trong nước là Thân phận nàng Kiều của Nhà hát múa rối Việt Nam, Cậu Vanya của Nhà hát Tuổi Trẻ và Sự sống của Nhà hát kịch Việt Nam), chỉ có Thân phận nàng Kiều là thuần Việt, 2 vở còn lại đều có yếu tố nước ngoài. Cậu Vanya được đạo diễn Nhật dựng từ kịch bản của Nga, còn Sự sống có kịch bản và đạo diễn là người Nhật. Như vậy có thể thấy, các vở có yếu tố nước ngoài trội hơn so với các ê-kíp hoàn toàn của Việt Nam.

Vở Ngàn năm mây trắng của Đài Tiếng nói Việt Nam đoạt huy chương bạc lại liên hoan
Vở Ngàn năm mây trắng của Đài Tiếng nói Việt Nam đoạt huy chương bạc lại liên hoan. Ảnh: Trí Trọng

* Những tác phẩm khác của các đoàn nghệ thuật Việt Nam tham gia thì sao, thưa ông?

- Vẫn còn một số vở trong nước kiểu nhân tiện đem đi thi chứ không hoàn toàn là một bản dựng có tính đặc thù để hướng tới một liên hoan sân khấu thử nghiệm. Có những vở đã dựng trước đó mấy năm, nay chuốt lại tham gia liên hoan nên yếu tố thử nghiệm còn nhạt nhòa. Yếu tố thử nghiệm còn manh mún. Có lóe lên nhưng không phải hạt nhân xuyên suốt, không tạo tính tổng thể, chỉnh thể toàn vẹn của một vở diễn.

* Trong tình hình sân khấu khó khăn như hiện nay, theo ông yếu tố thử nghiệm cần thiết như thế nào?

- Sân khấu ở ta hiện nay đang bị cũ kỹ, lạc hậu, không tạo dấu ấn mới để níu kéo khán giả. Vì vậy, rất cần thiết để chúng ta tìm tòi, thử nghiệm xem khán giả có chấp nhận không? Cái thử nào hiệu quả sẽ được ứng dụng để tăng thêm sức mạnh cho sân khấu, hấp dẫn khán giả.

* Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai đem đến liên hoan với vở Niềm khát. Ông nhận xét thế nào về vở diễn?

- Năm nay Đồng Nai mạnh dạn tham gia liên hoan và cũng tạo dấu ấn nhất định với bạn bè, đồng nghiệp trong việc đi tìm cái mới. Cái mới đó là đề tài, đưa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sân khấu kịch hát. Sau 44 năm giải phóng, có thể nói lĩnh vực kịch hát vẫn còn né tránh đề tài công nghiệp, lựa chọn của Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai là một sự dũng cảm. Nhà hát đã tìm cách tiếp cận mới với khán giả trẻ bằng một vở diễn ít bi lụy, lê thê, đẩy nhanh tiết tấu. Vở cũng đã được đưa đi diễn phục vụ trước đó và được các bạn trẻ yêu thích.

Niềm khát có 3 yếu tố thử nghiệm: thử nghiệm đề tài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, điện tử tiên tiến thế giới đưa vào kịch hát dân tộc; thử nghiệm cảnh tỉnh các nhà khoa học, rằng chỉ có thể tạo ra robot giống người, hoặc những bộ phận giống người để phục vụ con người chứ không thể tạo ra một con người hoàn chỉnh, đó là điều kỳ diệu của tạo hóa, còn nếu ai đó làm được như vậy thì là một điều khủng khiếp; thử nghiệm xem khán giả trẻ có chấp nhận cải lương đi theo hướng khai thác đó.

Có thể nói với Niềm khát, các nghệ sĩ đã nỗ lực hết mình, dù không đoạt được huy chương dành cho vở diễn nhưng sự tìm tòi của họ đáng được trân trọng.

* Xin cảm ơn ông!

Trí Trọng(thực hiện

Đồng Nai

© 2021 FAP
  553,899       3/965