Tối 12 và 13-10, tại Nhà hát Tuổi Trẻ (TP.Hà Nội) đã diễn ra chương trình sân khấu Nàng Kiều. Chương trình do Viện Goeth của Đức hỗ trợ.
Nàng Kiều trong tiết mục của đạo diễn Hồng Vân. Ảnh: Trí Trọng |
Nàng Kiều sẽ còn diễn thêm vào tối 19-10 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (TP.Hồ Chí Minh).
* Người trẻ nghĩ về Kiều
NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, người được phân công phụ trách dự án này chia sẻ: “Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được xem như kiệt tác văn học Việt Nam. Những bản dịch của tác phẩm đã đến được nhiều nơi trên thế giới làm rung động trái tim nhiều độc giả. Xuất phát từ sáng kiến của Viện Goeth, chúng tôi đã thực hiện chương trình này như những góc nhìn khác nhau về nàng Kiều thông qua nghệ thuật sân khấu với sự chia sẻ của 4 đạo diễn: đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ), đạo diễn - NSƯT Trần Lực (LucTeam) và NSND Hồng Vân (Sân khấu kịch Hồng Vân)”.
Theo đó, trong đêm diễn sẽ có 4 tiết mục về nàng Kiều do 4 đạo diễn trên dàn dựng, mỗi tiết mục dài khoảng 20-25 phút.
Tiết mục của đạo diễn Amélie Niermeyer mở đầu nói về nàng Kiều nhưng không có nhân vật nàng Kiều trên sân khấu. Bà chia sẻ lần đầu tiên đọc Truyện Kiều đã bị chinh phục bởi chất thơ và câu chuyện trầm luân về cuộc đời nàng Kiều. Mùa hè năm nay khi đến Hà Nội công tác, bà đã thực hiện phỏng vấn diễn viên của mình, bà muốn biết họ cảm nhận như thế nào về Truyện Kiều, họ hứng thú với nhân vật nào, chủ đề nào, những gì họ cho là lỗi thời…
Sau khi phỏng vấn, bà đã lấy đó làm cơ sở để xây dựng nên cấu trúc và nội dung cho tác phẩm (với sự hỗ trợ của biên kịch Hoàng Trang). Từ ý tưởng đó, tiết mục của bà lấy không gian ở một nhà hàng, nơi cô Quỳnh được chồng tổ chức buổi sinh nhật và tặng cho cô món quà là quyển Truyện Kiều. Từ đây, những cuộc bàn luận sôi nổi bắt đầu không chỉ trong nhóm bạn của Quỳnh mà còn lan ra những vị khách trong nhà hàng. Họ có thể bày tỏ tất cả suy nghĩ về thân phận nàng Kiều, người bảo cô khổ, người nói chắc gì đã thế. Có người cho rằng cô là con người mong manh, yếu đuối nhưng cũng có người nói cô rất mạnh mẽ.
Từ chuyện nàng Kiều, với những diễn biến âm thầm xảy ra trong mối quan hệ của vợ chồng Quỳnh, của những người chung quanh, họ chợt nhận ra câu chuyện nàng Kiều cách nay mấy trăm năm mà sao đến hôm nay vẫn không cũ…
* Nàng Kiều từ hiện đại đến quá khứ
Đạo diễn Trần Lực bày tỏ, ở mỗi giai đoạn khi đọc Truyện Kiều, ông có những cảm nhận khác nhau. Lúc bé thì hơi mơ hồ, ở tuổi vị thành niên cảm thấy yêu nàng Kiều xinh đẹp, lớn hơn một chút thì suy nghĩ sâu xa hơn về thân phận người phụ nữ. Và đến độ tuổi đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời, ông thấy rằng người phụ ngày xưa hay hôm nay cũng cần thể hiện rằng họ có quyền bình đẳng.
Trong tiết mục của Trần Lực, các nhân vật mặc trang phục hiện đại. Lối thể hiện vẫn trung thành với sân khấu ước lệ biểu hiện (tả ý). Trên nhạc nền là bộ trống gõ trên sân khấu, nàng Kiều với trang phục vest đen bày tỏ tâm tư, kể lại cuộc đời mình. Những giây phút gặp gỡ Từ Hải và cuộc báo oán với Sở Khanh. Lời thoại phối hợp nhịp nhàng giữa những câu thơ Kiều xen giữa những câu nói của thời hiện đại. Phong cách biểu diễn có múa đương đại kết hợp với những trình thức của tuồng, nghệ thuật truyền thống.
Đạo diễn Bùi Như Lai vốn có lợi thế đã từng làm những vở về nàng Kiều từ kịch hình thể đến kịch nói. Anh chia sẻ về lần dựng Kiều này: “Trong tất cả tác phẩm của mình, tôi đặt tính biểu tượng gần như hàng đầu và trong tác phẩm này cũng thế. Tính biểu tượng có ý nghĩa rất đặc trưng trong tác phẩm của Nguyễn Du, tôi đã cố gắng tìm hiểu và biểu tượng hóa, làm cho nó hiện diện trên sân khấu. Cho biểu tượng đó một đời sống cảm xúc, một thực thể”. Sở trường của đạo diễn Bùi Như Lai là kết hợp hình thể và kịch nói. Ở tiết mục của mình, anh đã vận dụng triệt để sở trường này kết hợp với loại hình kịch đọc, từ đó nói lên bốn chủ đề chính: định mệnh, tình yêu, thân phận và tự do.
Lần thứ 3 trở lại với nhà hát Tuổi Trẻ (cách đây 20 năm diễn vở Dạ cổ hoài lang, gần nhất là diễn vở Vợ và người tình), NSND Hồng Vân có nhiều cảm xúc khi trở lại nhà hát trong chương trình Nàng Kiều. Chị tâm sự tiết mục của mình mang đến sự dung dị, chân phương, nhấn mạnh yếu tố truyền cảm xúc đến khán giả. Chị vận dụng âm nhạc, nhấn vào ca khúc, ca từ. Giai điệu, nhạc phối cho tác phẩm đều do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết. Với tiết mục này, chị muốn mọi người cùng suy ngẫm số phận nàng Kiều và tất cả chúng ta là do thiên định hay nhân định?
Từ kịch bản của Lê Quốc Nam với sở trường kịch kinh dị, tiết mục của sân khấu Hồng Vân khai thác những cuộc báo mộng của Đạm Tiên với Kiều, khuyên nàng đừng vì hận thù mà sa vào những cuộc báo oán triền miên. Bên cạnh đó còn một sự chia sẻ với Hoạn Thư, vì sao người ta chỉ biết trách Hoạn Thư trong khi cô cũng có những nỗi niềm của một người vợ một mực yêu chồng nhưng rốt cuộc lại bị phản bội. Vở đặt giả định “Giá như đây chỉ là một giấc mơ của nàng Kiều...”. Thật ra, qua bao trầm luân khổ ải, đến cuối cùng với nàng Kiều đó cũng chỉ như một giấc mơ của đời người. Rũ bỏ những cơn ác mộng, nàng Kiều của chúng ta mới có thể mạnh mẽ đứng lên để đi tiếp cuộc sống phía trước...
Trí Trọng