Với đồng bào các dân tộc thiểu số, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Trong điều kiện lao động vất vả, việc sáng tạo ra nhiều hình thức văn hóa, nghệ thuật cùng các loại nhạc cụ truyền thống là cách để họ chia sẻ vui buồn, từ đó tìm thấy những giá trị của cuộc sống.
Nghệ nhân Điểu Liệt bên cây đàn Chinh K’la. Ảnh: L.NA |
Bất cứ người Chơro nào khi nghe tiếng đàn Chinh K’la cũng biết ngay là của dân tộc mình. Ở xã Túc Trưng (huyện Định Quán), Điểu Liệt là nghệ nhân duy nhất còn duy trì được loại hình nghệ thuật độc đáo này.
* Tự tay làm nhạc cụ
Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Điểu Liệt nằm khuất trong một hẻm nhỏ ở ấp Đức Thắng 1, xã Túc Trưng. Làn da ngăm đen, chất phác của người nông dân, ông thoăn thoắt bước ra sân mở cổng cho khách. Ở tuổi 75 song từ giọng nói đến phong thái, bước đi của ông đều toát lên vẻ khỏe khoắn, nhanh nhẹn.
Trong nhà nghệ nhân Điểu Liệt, tài sản chẳng có gì đáng giá ngoài bộ nhạc cụ dân tộc do chính tay ông chế tác và những tấm bằng khen của ngành Văn hóa treo trên 4 bức vách. Thấy chúng tôi chăm chú nhìn bộ nhạc cụ, ông cười lớn: “Bộ đàn Chinh K’la của người Chơro do tôi tự tay làm đó. Có cái mới làm, có cái đã lâu không sử dụng, có cái đã hư hỏng nhưng được “gia công” lại nên vẫn còn dùng tốt lắm”.
Nói đoạn, ông đứng dậy lấy ra một chiếc có màu sơn đỏ, xung quanh cuốn băng keo, kéo ghế ngồi đàn và hát những bài dân ca của người Chơro. Vừa đàn hát xong, ông như sực nhớ, kể tiếp: “Cây đàn này đi với tôi được 20 năm rồi! Từ Nam ra Bắc, từ miền Trung lên Tây Nguyên, đi diễn tỉnh nào tôi cũng mang theo. Mới năm ngoái thôi, trong chuyến đi miền Tây, lúc lấy đàn ra giao lưu, tôi luống cuống làm rớt, đàn vỡ làm đôi. Lúc đó, có anh tài xế đã cho mượn cuộn băng keo, gắn tạm để chơi. Tôi vẫn giữ nó đến tận bây giờ”.
Nếu không được nghệ nhân Điểu Liệt giới thiệu thì chúng tôi không thể hình dung đó chính là cây đàn nổi tiếng trong ca khúc Đàn Chinh K’la tuổi thơ tôi của nhạc sĩ Điểu Được. Qua lời kể của ông, đàn được làm từ một phần thân ống của cây tre rừng, dài tầm 40cm và mỏng chừng 1cm. Sau khi dùng lưỡi mác (dụng cụ của người Chơro) đục lỗ và tạo dây, nghệ nhân dùng giấy nhám hoặc lá rừng để chuốt lại cho bóng.
“Mục đích của tạo dây và đục lỗ là để khi gảy đàn phát ra nhiều cung bậc âm thanh sao cho phù hợp với các bài hát dân ca. Cách làm đàn tôi vẫn giữ y nguyên như của ông cha trước đây. Trên khúc tre, các dây đàn được cắt ra từ chính thân tre, kê cao tách biệt với thân ống bằng các mảnh gỗ tre nhỏ” - nghệ nhân Điểu Liệt bộc bạch.
Ngoài làm nhạc cụ, nghệ nhân Điểu Liệt tham gia sinh hoạt trong đội cồng chiêng và hát dân ca tại Nhà văn hóa cộng đồng Chơro ở xã Túc Trưng. Thời còn trẻ, có thời gian dài, ông được bà con bầu làm già làng của ấp.
Nói về nghệ nhân Điểu Liệt, Phó chủ tịch HĐND xã Túc Trưng Điểu Hoàng cho biết, Điểu Liệt là nghệ nhân Chơro duy nhất ở huyện Định Quán biết chế tác đàn Chinh K’la. Không chỉ biểu diễn giỏi, am hiểu nhạc cụ, nghệ nhân còn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào, thường xuyên đi biểu diễn cùng các đội chiêng trong và ngoài tỉnh.
* Ai thích học sẽ dạy
Nghe nghệ nhân Điểu Liệt biểu diễn, mới cảm nhận được thanh âm của đàn Chinh K’la không ồn ào như một số nhạc cụ hiện đại mà là tiếng lòng thật thà mà chất phác như cái bụng của người Chơro. Và bao giờ, trên khuôn mặt nghệ nhân cũng nở nụ cười hạnh phúc. Nhìn ông say mê hát, say mê đàn khiến chúng tôi hiểu vì sao ông lại yêu đời đến thế, bởi tiếng đàn giúp ông lưu giữ nét văn hóa độc đáo có tự ngàn đời và là món ăn tinh thần của đồng bào Chơro, nhất là khi vào mùa lễ hội.
Nghệ nhân Điểu Liệt cho biết, từ nhỏ ông đã sống trong một cộng đồng yêu dân ca và nhạc cụ truyền thống. Lớn lên, ông đã tham gia không biết bao nhiêu cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng mà ở đó âm nhạc của người Chơro được “cất cánh” cùng niềm vui hội hè, lao động và cả trong cuộc sống thường ngày.
Từ các liên hoan, hội diễn, tiếng đàn Chinh K’la đã được không ít người mộ điệu gần xa biết đến, vượt ra khỏi “lũy tre làng” và bay xa. Cây đàn cứ thế gắn bó ông như bóng với hình cho đến tận bây giờ. Tại Bảo tàng Đồng Nai, Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc Chơro xã Túc Trưng hiện đang lưu giữ nhiều đàn Chinh K’la của nghệ nhân Điểu Liệt. Ông bộc bạch, nếu có người yêu thích và muốn học loại đàn này, ông sẵn sàng tặng một cây và dạy miễn phí, xem như là món quà để lan tỏa văn hóa người Chơro.
Hỏi ông đã tìm được người kế tiếp đam mê làm đàn Chinh K’la, biết chơi, biết hát dân ca dân tộc mình hay chưa? Ông chùn giọng: “Vẫn chưa”. Đã có thời gian, ông tình nguyện mở lớp dạy làm đàn, dạy hát dân ca và chơi nhạc cụ cho thanh niên trong xã, nhưng rốt cuộc, họ cũng chỉ học để biết. Nhiều năm nay, loay hoay mãi ông vẫn chưa tìm được người “kế nghiệp”.
Rồi ông tiếp lời như tự nói với mình: “Tôi cũng buồn vì nghĩ đến điều này. Giờ, ai thích học là tôi dạy. Còn cây đàn này…”. Ông bỏ lửng giữa chừng câu nói, như một cách để hiểu rằng ông đã cố gắng hết sức mình và sẽ tiếp tục trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời để truyền lửa tình yêu âm nhạc truyền thống của đồng bào Chơro đến với mọi người.
Nghệ nhân Điểu Liệt từng đoạt nhiều giải thưởng và danh hiệu như: Bằng khen dành cho nghệ nhân xuất sắc của Đài Truyền hình Việt Nam tại Liên hoan Tiếng hát dân ca; giải A Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam với tiết mục Nhớ cội nguồn; giải nhất độc tấu đàn Chinh K’la tại Liên hoan Ca múa nhạc dân tộc huyện Định Quán… Các giải thưởng chính là sự khích lệ, tiếp thêm năng lượng trên con đường bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chơro của nghệ nhân Điểu Liệt. |
Ly Na