Nhà văn Nguyễn Thái Hải thành danh từ rất sớm bằng sự nghiệp đồng hành với lứa tuổi thiếu niên. Sau này, người ta biết đến nhà văn mang bút danh Khôi Vũ với nhiều tác phẩm có ấn tượng, được trao nhiều giải thưởng văn chương nhưng Nguyễn Thái Hải vẫn là người bạn chung thủy với những trang viết cho thiếu nhi.
Bộ ba tập truyện Thám tử học trò |
Thám tử học trò là bộ tác phẩm viết cho thiếu nhi mới nhất của nhà văn Nguyễn Thái Hải do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành vào quý I-2019. 23 truyện ngắn được tập hợp trong 3 tập của bộ Thám tử học trò mang các tên: Kẻ trộm ví trong trường, Tí chuột mất tích, Tiếng động đêm vườn bưởi.
Có thể chia thành ba nhóm chủ đề chính trong bộ sách Thám tử học trò. Đó là những truyện khá đậm nét màu sắc “trinh thám học trò” như: Trẻ con nào chẳng thích tắm mưa, Ai đã lấy cắp sách, Chiếc xe hơi xẹp bánh sau, Kẻ trộm ví trong trường, Tờ rơi biết nói, Chuyến xe buýt chiều thứ bảy, Một mình một cõi, Tí chuột mất tích, Kẻ chăn dắt trẻ…
Tập sách còn có những truyện bí ẩn dễ thương như: Cây xoài nhà thầy Toàn, Trò nào đã ném trúng tổ ong, Bí mật bài thơ báo tường, Nỗi oan Văn Kính, Truy tìm kẻ trộm bánh mì, Dòng chữ ở cổ tay bà lão, Những lá thư của Mơ… Hay những truyện vui, cung cấp kiến thức, hiểu biết một cách nhẹ nhàng như: Bánh lỗ tai heo và bánh da lợn, Đảo Ngọc giữa biển khơi, Tiếng động nơi vườn bưởi…
Tâm lý của lứa tuổi thiếu niên rất ham thích những chuyện phiêu lưu, bí hiểm, kích thích trí tưởng tượng, tò mò, ham hiểu biết. Với những bước chân đang chập chững vào đời, cuộc sống phía trước còn đầy bất ngờ, mới lạ. Ngay cả với nhịp sống thường nhật cũng sẽ có bao nhiêu điều thú vị chưa thể hình dung. Và, càng thú vị hơn khi chính mình tham gia vào những sự kiện bí ẩn, bất ngờ ấy. Qua bộ truyện Thám tử học trò, nhà văn Nguyễn Thái Hải đã tiếp cận được thị hiếu ấy của các em. Tất cả đều là “chuyện” của lứa tuổi thiếu nhi.
Cốt truyện thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Thái Hải được xây dựng không đơn giản, một chiều như ta đã gặp ở đâu đó của một vài người viết cho thiếu nhi mà khá nhiều tầng lớp, đầy kịch tính. Trong truyện “phát sinh” nhiều yếu tố bất ngờ, kích thích trí tò mò, sự hồi hộp mà không khiên cưỡng, áp đặt. Nguyễn Thái Hải rất chịu khó thâm nhập vào đời sống thiếu nhi, ông giỏi vi tính, cập nhật và làm chủ được những công nghệ mới của đời sống hiện tại. Thế mạnh này giúp ông có được sự trường vốn trong viết cho các em, tiếp cận nhiều mảng đề tài hiện đại, phong phú và mới mẻ.
Ngôn ngữ trong truyện trau chuốt, giản dị và phù hợp với lứa tuổi. Sau mỗi câu chuyện kể đều có tác dụng nhắc nhở, giáo dục nhẹ nhàng, kín đáo, hướng tâm hồn trẻ thơ tới những điều thánh thiện, trong sáng, cao đẹp, bồi đắp nhân cách làm người.
Hiện nay, những trang sách đọc không phải là không được sự đón nhận của các độc giả nhỏ tuổi. Các em rất cần những trang sách đọc hấp dẫn, bổ ích, tham gia vào việc giáo dục đạo đức, nhân cách, bài học đối nhân xử thế, kỹ năng sống, kỹ năng xử lý những tình huống thường gặp ở lứa tuổi thiếu nhi, bồi đắp tâm hồn, thẩm mỹ. Nguyễn Thái Hải tâm sự, ông rất xúc động khi chứng kiến cảnh ở các mái trường, các em rồng rắn xếp hàng chờ nhận sách được tặng đọc, mắt sáng ngời trước mỗi cuốn sách thơm phức trên tay. Ngoài viết sách cho các em, ông còn bỏ ra rất nhiều tâm sức, chăm lo phát hiện, bồi dưỡng những mầm non sáng tác văn chương lứa tuổi thiếu niên và đã gặt hái được nhiều thành công.
Được biết bộ sách Thám tử học trò của nhà văn Nguyễn Thái Hải đang thuộc dạng sách “hot” của Nhà xuất bản Kim Đồng. Bộ sách được xuất bản lần đầu với số lượng in 4.500 cuốn, tái bản 6 ngàn cuốn ngay sau 5 tháng phát hành.
Tính đến tháng 8 năm nay, nhà văn Nguyễn Thái Hải - Khôi Vũ đã in 27 tập tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn và 32 tập truyện thiếu nhi. Với sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Thái Hải cũng giành được nhiều giải thưởng danh giá: Giải thưởng Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước của Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ năm 1993 với truyện dài Cha con ông Mắt Mèo; Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác Tình bạn tuổi thơ của Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch năm 2006 với truyện ngắn Hai con diều bay thấp. |
Đàm Chu Văn