Văn hóa

Xây dựng ấp, khu phố văn hóa: Nhân rộng những mô hình hay

Để ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, mỗi gia đình phải cùng nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, thể hiện trách nhiệm trong phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Để ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, mỗi gia đình phải cùng nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật, thể hiện trách nhiệm trong phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc…

Người dân phường Xuân Tân (TP.Long Khánh) tham gia vệ sinh đường phố theo mô hình Sáng - xanh - sạch - đẹp. ảnh: V.Truyên
Người dân phường Xuân Tân (TP.Long Khánh) tham gia vệ sinh đường phố theo mô hình Sáng - xanh - sạch - đẹp. ảnh: V.Truyên

Đã và đang có nhiều cách làm đơn giản, gần gũi với đời sống được hình thành góp phần tích cực xây dựng ấp, khu phố văn hóa như: tuyến đường không rác quảng cáo, chi đoàn nhà trọ nói không với tệ nạn xã hội, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp…

* Phường không quảng cáo rác

Tại TP.Biên Hòa, vấn đề được người dân quan tâm là quảng cáo rác. Tình trạng cơ quan chức năng, người dân ra quân gỡ quảng cáo rác nhưng khi lực lượng rút đi quảng cáo rác lại xuất hiện diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, tại phường Bửu Long, việc này hầu như không còn xảy ra do phường đã thành lập Đội xử lý rác quảng cáo.

Theo anh Phạm Ngọc Phương Nhân, thành viên Đội xử lý rác quảng cáo, đội có 5 thành viên tình nguyện. Từ 20-24 giờ, đội di chuyển qua nhiều tuyến đường để gỡ quảng cáo rác. Những ngày đầu, khi các thành viên trong đội tiến hành gỡ, xóa quảng cáo rác được in, treo trên tường nhà, cột điện, chủ nhà chỉ đứng nhìn dửng dưng, không có phản ứng gì. 

Theo Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch), tại các địa phương trong tỉnh đã và đang thực hiện nhiều mô hình xây dựng ấp, khu phố văn hóa hoạt động hiệu quả, như ở huyện Xuân Lộc với mô hình Gia đình văn hóa kiểu mẫu, Khu dân cư kiểu mẫu. Hằng năm, TP.Biên Hòa phát động thực hiện cuộc thi tuyến đường đẹp, gia đình có nhà trang trí đẹp, cơ quan, đơn vị trang trí đẹp. ở huyện Tân Phú đang nổi bật với mô hình Cổng an ninh; huyện Thống Nhất đang duy trì rất tốt mô hình Xóm đạo bình yên… Những mô hình này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng danh hiệu Gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa mà còn tạo nên nét riêng của từng địa phương trong việc xây dựng Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Từ thực tế đó, bên cạnh đẩy mạnh hoạt động của Đội xử lý rác quảng cáo, UBND phường đã vận động người dân cùng góp sức xử lý quảng cáo rác. Hiện nay, khi phát hiện người dán quảng cáo rác là bà con gọi điện báo cho Đội xử lý rác quảng cáo, UBND phường để tiến hành bắt quả tang, xử lý.

Bà Nguyễn Thị Xuân (ngụ phường Bửu Long) nói: “Có Đội xử lý rác quảng cáo, từng tuyến đường ở phường thêm sạch đẹp. Bà con cũng xem việc tỏ thái độ không đồng tình với những người dán quảng cáo, rác là trách nhiệm của mình”.

Nhờ hoạt động của Đội xử lý rác quảng cáo, sự chung tay của người dân mà phường Bửu Long là địa phương đầu tiên của thành phố giải quyết dứt điểm được tình trạng quảng cáo rác.

Hiện mô hình của phường Bửu Long đã được nhân rộng ra các xã, phường của thành phố. Đồng thời, từ năm 2018 đến nay, Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa phối hợp cùng các xã, phường ra quân Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp để xử lý quảng cáo rác. Nhờ đó mà tình trạng quảng cáo rác ở thành phố từng bước được kéo giảm.

* Chung tay giữ gìn an ninh trật tự

Cùng với xử lý quảng cáo rác thì việc giữ gìn an ninh trật tự, nhất là ở khu vực nhà trọ luôn được các địa phương quan tâm. Huyện Trảng Bom là nơi có nhiều công nhân từ các nơi đến sinh sống trong những khu nhà trọ. Theo chị Trần Thị Thìn, Bí thư Huyện đoàn Trảng Bom, đa số người ở trọ trong độ tuổi thanh niên. Những khu nhà trọ là “điểm nóng” dễ phát sinh các vụ việc mâu thuẫn trong sinh hoạt, tệ nạn xã hội…

Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra hay có mặt kịp thời khi vụ việc tiêu cực xảy ra nhưng những mâu thuẫn giữa người ở trọ với nhau hay giữa người ở trọ với bà con địa phương, tệ nạn xã hội vẫn phát sinh thường xuyên. Từ đó, Huyện đoàn cùng Đoàn Thanh niên xã đã chú trọng thành lập chi đoàn, chi hội nhà trọ nói không với tệ nạn xã hội. Đến nay, toàn huyện có 54 chi đoàn, chi hội nhà trọ nói không với tệ nạn xã hội.

Theo anh Lương Trọng Quỳnh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Sông Trầu, nơi vừa thành lập Chi đoàn nhà trọ nói không với tệ nạn xã hội: “Khu vực nhà trọ nào có tổ chức Đoàn sẽ tạo điều kiện cho thanh niên có nơi sinh hoạt lành mạnh. Định kỳ 2 tháng/lần, Đoàn xã tổ chức cho đoàn viên, hội viên chi đoàn nhà trọ sinh hoạt cùng thanh niên, người dân địa phương. Đây cũng là cách để chính quyền địa phương, tổ chức Đoàn tuyên truyền cho thanh niên và cả những người ở trọ ở nhiều lứa tuổi biết, tuân thủ các quy định của pháp luật trong việc giữ gìn vệ sinh, nói không với tệ nạn xã hội… Nhờ đó những buổi hát karaoke bằng loa kẹo kéo, tổ chức liên hoan ở nhà trọ đã diễn ra văn minh, kết thúc đúng giờ, tình trạng hành xử bạo lực khi xảy ra xích mích cũng giảm hẳn”.

* Nâng chất mô hình cũ

Song song với phát triển mô hình mới, những cách làm hay trước đây cũng được chính quyền, người dân nâng cao chất lượng. Như ở phường Xuân Tân (TP.Long Khánh), sau thời gian dài hoạt động có hiệu quả, mô hình Tổ nông dân xung kích được thành lập tại KP.Nông Doanh đã được nhân rộng toàn phường.

Người dân phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cạo xóa, gỡ bỏ những quảng cáo rác được dán, vẽ trên các cột điện
Người dân phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cạo xóa, gỡ bỏ những quảng cáo rác được dán, vẽ trên các cột điện

Theo ông Liên Thanh Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Xuân Tân, từ 6 tổ nông dân xung kích được thành lập tại KP.Nông Doanh vào năm 2009, đến nay toàn phường đã có 40 tổ nông dân xung kích hoạt động ở cả 3 khu phố. Định kỳ vào các ngày trong tuần, từng tổ nông dân xung kích tiến hành tuần tra, đứng gác ở nhiều địa điểm, nhất là khu vực thưa vắng nhà dân. Khi có nghi vấn về đối tượng xấu xuất hiện ở địa phương, các thành viên trong tổ nông dân xung kích cùng người dân theo dõi và tiến hành bắt quả tang khi đối tượng thực hiện hành vi phạm pháp. Mô hình này đã góp phần giữ vững an ninh trật tự ở địa phương.

Cũng nhờ hiệu quả của mô hình này mà năm 2018 phường Xuân Tân được Bộ Công an tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự.

Còn tại xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ), nơi được biết đến là cái nôi của mô hình Tiếng kẻng an ninh cũng đang có những chuyển biến để nâng chất lượng mô hình. Theo bà Trần Thị Hồng Quyên, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Bình, địa phương có nhiều đường liên xã, dân cư lại sống không tập trung nên các đối tượng xấu thường xuyên lợi dụng để làm việc xấu.

Cũng theo bà Quyên, với mô hình Tiếng kẻng an ninh, mỗi ấp được trang bị 3 kẻng làm từ niềng xe ô tô. Khi phát hiện đối tượng trộm cắp, người dân đánh kẻng báo động để nhiều hộ dân trong ấp cùng chốt chặn nhiều ngả đường vây bắt. Tuy nhiên, nhiều khi các đối tượng thoát được qua nơi khác trước khi người dân chốt chặn ngã đường hay nhiều vụ tai nạn giao thông không có người làm chứng nên các bên không chịu nhận lỗi đúng sai. Do vậy, xã đã tiến hành vận động người dân đóng góp tiền để trang bị camera an ninh lắp đặt ở ngã ba, ngã tư những trục đường chính. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục lắp đặt camera an ninh ở tất cả các tuyến đường.

“Tôi thấy mô hình Tiếng kẻng an ninh kết hợp với lắp camera an ninh đã phát huy tác dụng lớn trong giữ gìn an ninh trật tự cho gia đình tôi cũng như bà con trong xã. Chứ trước kia trộm cắp chó, gà, vịt hay trái cây trong vườn làm mọi người không yên” - bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ xã Bảo Bình) cho hay.

Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  556,217       6/641