Chuyện Mếu và Máo là truyện dài của tác giả Trâm Oanh, hội viên Ban Văn học Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.
Chuyện Mếu và Máo là truyện dài của tác giả Trâm Oanh, hội viên Ban Văn học Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.
Chuyện Mếu và Máo do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tháng 9-2018. |
Sở trường của Trâm Oanh là truyện ngắn. Hàng chục truyện ngắn với bút danh Trâm Oanh đã in trên Tuổi trẻ cuối tuần và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tuy vậy, Trâm Oanh chưa từng viết cho thiếu nhi. Chị viết Mếu, Máo là vì bị… lây hưng phấn từ người bạn văn Hoàng Ngọc Điệp lúc ấy đang viết truyện Bin mũi hếch. Liều “thử thời vận” nhưng Trâm Oanh vẫn lo, không biết có đúng giọng văn cho trẻ em không. Viết tới đâu, chị đưa cho cậu con trai 12 tuổi “thẩm định” đến đó. May mắn là chú nhóc đọc như bị hút vào cuốn sách của mẹ…
Cũng như Hoàng Ngọc Điệp, Trâm Oanh có được một năng lực trời cho là giọng văn. Văn Trâm Oanh lưu loát, đã đọc thì khó lòng rứt mắt ra được. Hiện thực trong truyện ngắn của Trâm Oanh rất dữ dội và không một truyện nào không vươn đến cái điểm cần đến. Thế nhưng với Chuyện Mếu và Máo, cái nhìn và trái tim tác giả dịu dàng hẳn đi.
Chuyện kể về một con mèo bị mất mẹ từ khi chưa mở mắt. Một buổi sáng chú cún đi vệ sinh nhặt được và tha về nhà ông bà chủ ở cùng. Chú mèo con đói sữa máo lên thảm thiết nên chủ đặt tên Máo, mà đã máo thì có mếu nên chú cún được gọi là Mếu. Và bắt đầu từ đây, cuộc sống của ông bà chủ và cậu con trai tên Quyên bị xáo trộn, những xáo trộn rất đáng yêu mà không phải ai cũng có.
Trâm Oanh đã quan sát rất tinh tường từng động thái rất nhỏ của loài vật đáng yêu này. Với giọng văn trời cho, người đọc bị dẫn dụ đi đến những ngóc ngách nhỏ nhất của những đặc tính, như leo trèo của miu và bơi lội của cún. Không tỉ mỉ quan sát rất khó để nhận ra những yêu thích và giận hờn của chúng.
Trâm Oanh cũng rất khéo trong chiêu thức nhân cách hóa. Chú miu miu tên Máo đã lột tả tâm tình cũng như sinh hoạt thường nhật của anh cún tên Mếu cùng những thành viên trong nhà. Ông chủ tuy tính cáu bẳn nhưng có những lúc rất dịu dàng. Bà chủ rất dịu dàng nhưng đôi khi lại cáu bẳn. Cậu chủ và bạn cậu thì rất tò mò kiểu trẻ con. Bạn cậu đã dùng dao và Máo phải đến bác sĩ thú y bằng không là có khả năng “ngủm cù đeo” vì bị… mổ bụng.
Thú vị nhất là những pha đánh nhau giữa cún con Mếu và miu miu Máo. Những ai đã từng có trong nhà 2 chú nhóc nhỏ này mới biết tính cạnh tranh của chúng. Bởi Máo mềm như nhung và ẻo lả như nước nên cún con Mếu thích đùa. Khốn thay, những cú cắn đánh phập và sau đó là nghiến cho đã cơn ngứa răng của Mếu đã khiến Máo nổi khùng. Một cái tát vung ra và vuốt của miu đã khiến cún la làng… Những phiêu lưu cùng biến cố xảy ra với mèo con tên Máo, tình yêu của bà chủ cùng cậu con trai làm người đọc thấy đời đẹp hơn khi tình cảm con người và thú cưng hòa nhập cùng nhau.
Không dám so sánh với những tác giả lớn viết về thiếu nhi và loài vật như: Tô Hoài, Trần Đức Tiến, Võ Quảng, Nguyễn Thái Hải… nhưng đôi mắt của Trâm Oanh - có thể nói - có cái nhìn rất đặc biệt về tuổi thơ và thú cưng. Viết thể loại này rất khó. Viết đã khó thì để hay không hề dễ. Chuyện Mếu và Máo, theo tôi, là một tác phẩm hay. Ưu điểm nổi bật của Oanh là giọng văn tưng tửng, hóm hỉnh, trí tưởng tượng dồi dào, vì vậy có những đoạn ly kỳ như truyện trinh thám, làm người đọc hồi hộp. Đây chính là thế mạnh của Oanh khi viết cho thiếu nhi.
Nhà văn Nguyễn Trí