Sau 3 năm tạm ngưng hoạt động, sân khấu 5B đã sáng đèn trở lại với 3 vở diễn đều tạo những ấn tượng riêng gồm: Gương mặt kẻ khác, Những giấc mơ lóng lánh và Tình lá diêu bông.
Sau 3 năm tạm ngưng hoạt động, sân khấu 5B đã sáng đèn trở lại với 3 vở diễn đều tạo những ấn tượng riêng gồm: Gương mặt kẻ khác, Những giấc mơ lóng lánh và Tình lá diêu bông.
Cảnh trong vở Những giấc mơ lóng lánh. Ảnh: Trí Trọng |
* Nhọc nhằn nối tiếp giấc mơ
Khi sân khấu 5B tạm ngưng hoạt động với lý do chờ sửa chữa, trong kế hoạch sẽ xây dựng thang máy, sửa chữa sân khấu cho khang trang hơn, nhưng thời gian cứ thế trôi, vì một số lý do kế hoạch bị đình trệ. Thế rồi 5B lặng lẽ nép mình bên lề sân khấu kịch xã hội hóa TP.Hồ Chí Minh từ đó đến nay…
Diễn viên, hậu đài chạy tứ tán vì mưu sinh nhưng mỗi khi có dịp đi ngang “nhà cũ”, ai nấy đều chạnh lòng vì cảnh đìu hiu. Người đau đáu nhất có lẽ là NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát. Đến một ngày, thấy không thể chờ được nữa, được sự đồng ý của Hội Sân khấu TP.Hồ Chí Minh, chị cùng Ban giám đốc và các diễn viên chung vai quyết đưa 5B sáng đèn trở lại.
Nhưng khi bắt tay làm mới thật đau đầu. Cơ sở hạ tầng của nhà hát sau 3 năm bỏ không đã xuống cấp trầm trọng. Mối đùn ứ cửa toilet, trần nhà hát đụng đến đâu rơi rụng lả tả đến đó. Muốn hoạt động, mọi thứ gần như phải làm mới. Ban giám đốc phải chạy vay tiền, dù hết sức tiết kiệm nhưng chi phí cũng lên tới mấy trăm triệu đồng, tương đối đủ để làm lối lên cầu thang, sơn lại mặt tiền, sửa lại dàn máy lạnh, làm lại ghế, thay mới âm thanh, ánh sáng…
Diễn viên trẻ và chính “bà bầu” Mỹ Uyên phải thay phiên nhau trực phòng vé và tương tác với khán giả. Những suất diễn đầu tiên, các diễn viên chia nhau làm âm thanh, ánh sáng và cả hậu đài… Một người gánh 3, 4 việc nhưng sau suất diễn do sân khấu mới hoạt động lại còn khó khăn nên mọi người chia nhau vài trăm ngàn đồng coi như lộc Tổ, ấy thế mà không ai phàn nàn, đều cảm thấy vui. Vậy đó, để nuôi và viết tiếp giấc mơ, tình yêu sân khấu nào phải giản đơn. Biết bao nhiêu nhọc nhằn…
* Về ngôi nhà cũ
Nghệ sĩ Lê Bình, người có thâm niên gắn bó với sân khấu 5B và là một trong những tác giả có nhiều vở diễn ở 5B, chia sẻ: “5B như cái nhà của mình, bỏ đi sao đành. Sân khấu ngưng lâu rồi giờ hoạt động lại cá nhân tôi cũng thấy hồi hộp. Không biết khán giả còn thương 5B, còn thương diễn viên để chịu khó leo lên 3 tầng lầu của nhà hát, để cùng khóc cười với nhân vật…”
Không chỉ Lê Bình, “lão tướng” Tấn Thi khi nghe tin nhà hát hoạt động lại, cũng gọi điện cho Mỹ Uyên: “Nhắm nhắm coi có vai nào hợp, hô một tiếng là tao chạy ra liền”. Mỹ Uyên xúc động nói: “Nghe thương đứt ruột, nhà anh Tấn Thi ở tuốt Bình Chánh mà ảnh không nề hà gì. Nghệ sĩ chúng tôi dù già hay trẻ, chỉ muốn có một nơi để phục vụ khán giả, được “cháy” với đam mê của mình!”
5B hoạt động lại ở thời sân khấu khó khăn, phải chịu sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật khác. Lại còn khởi đầu vào mùa mưa, mùa nghiệt ngã của sân khấu kịch, vì điều kiện thời tiết khán giả ngại đến với sân khấu.
Thế nhưng thật ấm lòng khi ở những vở diễn đầu tiên, nhiều gương mặt tên tuổi đã cố gắng thu xếp thời gian, đồng hành cùng Ban giám đốc để vượt qua khó khăn. Có thể kể ra như các nghệ sĩ: Tuyết Thu, Hạnh Thúy, Quý Bình, Diễm Kiều, Trung Dũng… bên cạnh các diễn viên trẻ như: Quốc Thịnh, Thái Kim Tùng, Tuyền Mập, Nhã Thi, Tấn Phát, Như Ý… NSƯT Công Ninh sau 10 năm rời xa sân khấu vì lý do sức khỏe cũng đã trở lại với những vai diễn ấn tượng, làm dàn bao vững chắc, nâng đỡ các nghệ sĩ trẻ.
3 vở diễn trình làng trong ngày trở lại chỉ có vở Những giấc mơ lóng lánh là mới hoàn toàn, còn Gương mặt kẻ khác và Tình lá diêu bông là vở cũ dựng lại. Thế nhưng, điều đáng mừng là vở diễn nào cũng là bản dựng nghiêm túc. Mỗi vở có một sắc thái khác nhau, riêng Những giấc mơ lóng lánh mạnh dạn thể nghiệm khi sắp đặt sân khấu theo hình tam giác. Sân khấu không tắt đèn chuyển cảnh mà như những lớp cắt chuyển phim trong điện ảnh. Vở diễn tạo được không khí rất riêng và có sự tương tác trực diện với khán giả. Một thể nghiệm tuy chưa phải là đột phá lớn nhưng đã dần nhen nhóm lên ước mơ đưa 5B trở lại tiêu chí của những ngày đầu thành lập: là một sân khấu thể nghiệm với những sáng tạo đặc biệt, là nơi để nghệ sĩ được trình bày những quan điểm riêng về nghệ thuật với những cách nhìn độc đáo và lạ lẫm…
Trí Trọng