Khán giả yêu nhạc TP.Hồ Chí Minh tối 9-5 ngất ngây thưởng thức tiếng đàn bậc thầy của nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc trở về từ Mỹ cùng với cây đàn trị giá hàng triệu USD.
Stéphane Trần Ngọc và cây đàn quý được chế tác từ năm 1709. |
Thưởng thức Concerto cho violin số 1 của nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich qua tiếng đàn xuất phát từ cây đàn hơn 300 năm tuổi và phần trình diễn tuyệt mỹ, thanh thoát, tinh tế nhưng đầy mạnh mẽ như một cơn bão của danh cầm gốc Việt Stéphane Trần Ngọc, với những thách thức về kỹ thuật trong âm nhạc của Shostakovich, đã cuốn toàn bộ khán giả trong khán phòng Nhà hát TP.Hồ Chí Minh cuộn chảy trong những đợt sóng cảm xúc mãnh liệt trào dâng.
* Sự đồng điệu hiếm có
Concerto cho violin số 1 gồm 4 chương, độc đáo hơn một bản nhạc bình thường khác, vì theo truyền thống, một bản Concerto chỉ có 3 chương. Chương thứ 4 này thể hiện sự đặc biệt mà Shostakovich muốn gửi gắm trong tác phẩm.
Stéphane Trần Ngọc sinh ra ở Paris, 15 tuổi đã tốt nghiệp xuất sắc nhạc viện danh giá hàng đầu nước Pháp. Sau đó, ông đến Mỹ học tập bằng học bổng Fulbright, theo học Nhạc viện trực thuộc Trường đại học Brooklyn, tốt nghiệp cao học và sau đó theo học tiến sĩ âm nhạc tại Trường Juilliard và định cư tại Mỹ. Stéphane Trần Ngọc chơi đàn trong nhiều dàn nhạc lớn ở Mỹ và trên thế giới, ông là bậc thầy trên sân khấu, đồng thời là nhà sư phạm danh tiếng trên giảng đường của nhiều trường đại học âm nhạc uy tín. |
Stéphane Trần Ngọc cho biết: “Shostakovich là một nhà soạn nhạc có phong cách rất mạnh mẽ và âm nhạc của ông luôn luôn sâu sắc và có ý nghĩa. Không thể chơi hoặc nghe âm nhạc của Shostakovich mà không bị ảnh hưởng. Trong âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài này có cả niềm vui vô bờ và những tấn bi kịch thảm khốc, kéo dài đến mức ám ảnh, pha trộn giữa cả ánh sáng và bóng tối, cả tuyệt vọng và hy vọng”.
Chương đầu tiên là một điệu Nocturne hay còn được biết đến là Dạ khúc phóng khoáng. Chương thứ 2 là Scherzo hoang dã và cuồng nhiệt với tiết tấu nhanh. Tiếp theo là Passacaglia, một sự kết hợp giữa các bản nhạc và điệu nhảy đường phố nhưng vẫn giữ được sự trang nghiêm. Chương cuối cùng Burlesque, một chương vô cùng vui nhộn và hài hước. Bản Concerto cho violin số 1 do Stéphane Trần Ngọc trình diễn xuất sắc đã nhận được vô vàn những tình cảm nồng nhiệt và đánh giá rất cao từ phía khán giả và giới chuyên môn.
“Trái tim tôi như tan chảy, nhất là khi nghe chương 2 Scherzo” - một khán giả chia sẻ sau buổi diễn. Còn bên ngoài hành lang, rất nhiều người gặp ai cũng dang rộng vòng tay ôm hôn nhau vì quá xúc động.
* Tài năng nổi bật đại diện âm nhạc Việt
Sở hữu “bộ sưu tập” quá nhiều giải thưởng lớn trên trường quốc tế, Stephane Trần Ngọc là một trong những niềm tự hào đại diện của âm nhạc Việt. Ông từng đoạt giải ở các cuộc thi lớn trên thế giới mang tên: Lipizer, Paganini, Liên hoan âm nhạc Aspen, Giải Grand Prix tại cuộc thi quốc tế Long-Thibaud năm 1990…
Stéphane Trần Ngọc sở hữu nhiều bản thu âm được phát hành trên thế giới như Serge Nigg Violin và Piano sonata (Giải thưởng Grand Prix năm 1996), Ysaye sonatas, một đĩa CD được dành tặng cho Ravel, Trio cho Horn của Brahms, những bản sonata của Schumann cùng nghệ sĩ piano người Mỹ Brian Ganz…
Những cây đàn cổ được sản xuất từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 mà Stéphane Trần Ngọc sở hữu được giới chuyên môn định giá khoảng vài triệu cho tới cả chục triệu USD, nhưng Stéphane Trần Ngọc cho biết: “Điều quan trọng nhất với tôi là vẻ đẹp âm nhạc chứ không phải giá trị của nó về mặt tiền bạc”.
Ngay cả các nghệ sĩ quốc tế cũng ít người có thể sở hữu những cây đàn cổ quý giá như thế. Thường thì nghệ sĩ quốc tế sẽ phải đi thuê đàn. Nhưng với Stéphane Trần Ngọc ông cho biết chỉ chơi những cây đàn do chính mình sở hữu.
Nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc kể lại rằng ngay từ hồi niên thiếu ông đã bị mê hoặc, bị thu hút, quyến rũ bởi nhạc cụ cổ và ban đầu khi mới bước chân lên con đường âm nhạc, ông bắt đầu mua từ những nhạc cụ khá rẻ tiền. Để rồi sau đó rất lâu, mới có thể có đủ tiền để sở hữu những cây đàn quý và thật sự ưng ý mình.
Cho đến hiện tại, ông là một trong số ít nghệ sĩ lựa chọn sở hữu đàn cổ, không chỉ bởi cái giá quá đắt đỏ mà còn vì để giữ bên mình một cây đàn cổ như thế cần một sự đồng điệu trong tâm hồn và niềm đam mê rất lớn với âm nhạc chứ không phải chỉ như một tài sản có giá trị “khủng”.
Những cây đàn cổ với âm thanh tuyệt mỹ cùng phong cách trình diễn xuất sắc của nghệ sĩ bậc thầy Stéphane Trần Ngọc đã theo ông chu du biểu diễn ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Tiếng đàn của Stéphane Trần Ngọc vô cùng mạnh mẽ nhưng cũng đặc biệt tinh tế, đầy chất thơ.
Khán giả trong khán phòng không thể hiểu được sức quyến rũ của âm nhạc đến từ phong cách xuất thần của Stéphane Trần Ngọc, từ sự ám ảnh khó quên của Dmitri Shostakovich hay từ những âm thanh tuyệt mỹ phát ra bởi cây đàn cổ quý giá được chế tác bởi nhà làm đàn Francesco Gobetti (1675-1723). Nhưng cứ mỗi khi Stéphane Trần Ngọc trở lại, xuất hiện trên sân khấu quê nhà, thì những đợt sóng ào ạt của niềm tự hào, tình yêu vô bờ với cái đẹp toàn thiện toàn mỹ lại lan tỏa dạt dào trong lòng người yêu nhạc...
Hòa Bình