Đó là di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà Xanh, được xây dựng từ năm 1907. Công trình hiện nằm trong khuôn viên Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa).
Phần trần nhà của tầng lầu hiện đã bị thủng từng mảng có đường kính từ 1-2m, cả phần vữa và gỗ rơi xuống nền rất nhiều và là nơi để dơi ở. Ảnh: V.TRUYÊN |
Theo Ban Quản lý di tích tỉnh, di tích Nhà Xanh hiện xuống cấp trầm trọng, nếu không sửa chữa kịp thời sẽ sụp đổ.
* Xuống cấp nặng
Kiến trúc của di tích Nhà Xanh gồm có 2 tầng, tường gạch, mái ngói. Phần trần nhà tầng trệt và trần nhà của tầng lầu có kết cấu bên ngoài là vữa còn bên trong là gỗ. Hiện phần trần nhà của cả 2 tầng đã bị thủng từng mảng lớn đường kính từ 1-2m. Riêng phần cầu thang gỗ dẫn lên lầu đã mục rỗng, gãy, lún xuống và lung lay mạnh khi có người bước qua. Toàn bộ các phòng của di tích đều bị hư hại, các vật dụng bằng gỗ như cửa, kèo, cột đều bị mối mọt.
Theo đại diện Sở Xây dựng, qua khảo sát thực tế cho thấy di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là phần mái, nếu không tu sửa kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu kiến trúc của di tích.
Cũng vì thực trạng xuống cấp này mà đã 2 năm qua di tích luôn khóa cửa và được gắn biển “Di tích đang trùng tu không tiếp khách tham quan” để đảm bảo an toàn. Theo ông Đàm Danh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai, thời gian trước di tích Nhà Xanh được giao cho Đoàn Thanh niên của trường sử dụng làm văn phòng làm việc và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nên nhà trường không tổ chức bất kỳ hoạt động nào tại đây nữa để đảm bảo an toàn.
* Mong muốn được trùng tu
Trước thực trạng xuống cấp của di tích, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã thành lập đoàn khảo sát, đánh giá thực trạng của di tích với sự tham gia của nhiều đơn vị liên quan. Tất cả các đơn vị đều thống nhất ý kiến cần phải sớm tu sửa để bảo tồn di tích này.
2 năm qua, di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà Xanh luôn khóa cửa và được gắn biển “Di tích đang trùng tu không tiếp khách tham quan”. |
Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch cùng Ban Quản lý di tích tỉnh đã có kiến nghị với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, UBND tỉnh cấp vốn để tu sửa di tích với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đồng ý hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, số tiền còn lại từ ngân sách tỉnh. Song đến nay tỉnh vẫn chưa có quyết định sau cùng. “Chúng tôi rất sốt ruột, mong sớm được sửa chữa di tích. Sợ nhất là mùa mưa tới đây di tích càng hư hại nặng hơn, việc trùng tu lại càng tốn kém, khó khăn hơn” - ông Lê Trí Dũng nói.
Cùng có mong mỏi này, bà Đỗ Thị Thùy Trang, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, cho hay để quản lý tốt di tích lịch sử Nhà Xanh, UBND phường rất mong cơ quan chức năng xem xét tiến hành tu bổ, sửa chữa.
Còn bà Nông Thị Thanh Vân (ngụ phường Thống Nhất) thì bày tỏ nguyện vọng: “Nhà tôi ở ngay phía sau di tích. Từ nhỏ tôi đã thấy nhiều ngôi nhà ngói có kiến trúc giống di tích Nhà Xanh tại phường Thống Nhất, song hiện nay chỉ còn Nhà Xanh. Thấy Nhà Xanh bị hư hại nhiều, tôi rất mong sẽ nhanh được sửa chữa để di tích được bảo tồn, không mất đi”.
Văn Truyên