Nhà nghiên cứu trà Viên Trân đã có hơn 20 năm rong ruổi khắp mọi miền đất nước để tìm hiểu về trà. Trong đó, vùng đất Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) của Đồng Nai là nơi để lại cho bà nhiều niềm vui khi tìm ra những loại trà ngon và cũng không ít trăn trở về sự mai một của cây trà nơi đây.
Nhà nghiên cứu trà Viên Trân trình diễn pha trà Việt. ảnh: V.Truyên |
Bà Viên Trân (hiện đang sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh) chia sẻ, bà gửi tâm huyết vào trong từng chén trà ngát hương để góp phần làm đẹp thêm đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Và với người Việt, uống trà không cầu kỳ về ấm chén, trà, nước mà quan trọng nhất là bạn trà, những câu chuyện chia sẻ bên bàn trà.
Theo bà, trong trà Việt có cách pha trà thống nhất không?
- Có nhiều người hỏi tôi ở đâu dạy cách pha trà Việt chuẩn nhất, tôi trả lời rằng Việt Nam không có một công thức pha trà nào là chuẩn, người uống thích như thế nào thì pha như thế đó thôi. Như khi nấu nước pha trà, người Việt đặt ấm lên bếp rồi thảnh thơi làm những việc gì đó, khi nào nước réo lên thì rót ra ấm. Còn trong cách pha trà của một số nước khác, khi nước nấu thì phải ngồi canh chừng và mở nắp ra xem nước sôi mắt cua hay mắt cá để phù hợp với từng loại trà.
Mặt khác, nếu như gia đình nào giàu có thì mua trà ngon giá cao, ấm chén đắt tiền, cách pha, cách uống nhẹ nhàng. Gia đình trung lưu mua ấm chén rẻ tiền hơn còn gia đình nghèo không có ấm thì pha vào bất cứ dụng cụ nào có thể và uống theo cách mình cho là sảng khoái nhất là được. Do vậy, theo tôi ở Việt Nam không có quy chuẩn nào cho cách pha trà cả, chỉ có cách pha làm sao cho ngon, hợp với khẩu vị mỗi người mà thôi.
Vậy đâu là điều đặc biệt trong cách thưởng thức trà của người Việt?
- Trong dân gian vẫn truyền đạt câu: nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh (nước, trà, cách pha, ấm chén, bạn uống trà) khi nói về 5 yếu tố để có một bình trà ngon. Nhưng qua thực tế có thể thấy người Việt uống trà không phụ thuộc nhiều ở 4 yếu tố đầu mà chú trọng vào người uống cùng. Những câu chuyện trong bàn trà vì thế cũng sôi nổi, nhiệt tình, chân tình với người tri kỷ hay nhạt nhẽo mang yếu tố xã giao với người xa lạ. Thêm vào đó, người Việt không câu nệ thời gian, thời điểm uống trà mà uống theo sở thích.
Được biết, bà vừa ra mắt cuốn sách Bốn mùa trà rượu nước hương, tác phẩm này có phải chỉ đơn thuần là hướng dẫn mọi người ướp trà, pha trà?
- Cuốn sách gồm 22 chương cùng 8 ngoại truyện này không chỉ hướng dẫn mọi người ướp trà, pha trà… mà còn truyền đạt những câu chuyện từ xưa đến nay liên quan đến trà Việt, lòng tự hào của một người yêu trà Việt Nam mà tôi có dịp tìm hiểu, nghiên cứu nhiều năm.
Câu chuyện nào được bà xem là nổi bật trong sách?
- Câu chuyện nào cũng là trải nghiệm thực tế nên với tôi tất cả đều đáng đọc và tìm hiểu. Tôi xin lấy câu chuyện Khí phách trà là một ví dụ.
Cách đây 7 năm, tôi được mời tham dự một buổi giới thiệu trà Trung Quốc ở Việt Nam. Nhìn thấy nghệ nhân nước bạn pha trà rất đẹp, khi pha đến bước nào thì đều gọi tên, có đưa sự tích lịch sử vào để thêm phần cuốn hút. Tôi nghĩ sao trước giờ mình không làm được như vậy. Sau đó, tôi được mời lên pha trà và nhận câu hỏi là trong cách pha trà của Việt Nam có những hoạt động tương tự không. Lúc này, tôi suy nghĩ và sử dụng sử liệu nhà Trần để đưa vào giới thiệu các bước pha trà như: khi nước bắt đầu sôi lên là “truyền hịch gần xa”, chế nước rửa trà là “đầu quân dưới trướng”, lúc đảo nước và đổ bỏ nước rửa trà là “khích lệ ba quân”, đổ nước sôi vào đầy ấm trà và đậy nắp cho bọt nước sôi chảy ra là “sĩ khí dâng trào”, xếp chén trà ra khay là “hội nghị Diên Hồng”, rót trà ra ly là “Hưng Đạo duyệt binh”, khi mọi người cùng nâng chén trà là “khúc ca khải hoàn” và khi uống trà là “nhấp chén thái bình”. Thật sự lúc đó tôi thấy rất tự hào, khán phòng thì vỗ tay tán thưởng vì mình đã thể hiện được nét Việt trong pha trà.
Sau cuốn sách về trà này, bà có dự định ra tiếp sách về những gì mình đã nghiên cứu?
- Hiện tôi đang bắt tay vào viết cuốn sách về 25 món ăn Nam bộ và cuốn Tình rượu Việt. 2 cuốn sách sắp tới không chỉ giới thiệu về món ăn, cách chế biến, nấu rượu, thưởng rượu mà còn là những câu chuyện liên quan đến sự tích, địa danh gắn liền với món ăn, loại rượu đó để mọi người có thể hiểu tường tận về mỹ thực, mỹ tửu của Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
“Từ nhiều năm qua, tôi thường xuyên đến vùng Phú Hội - nơi nổi danh với trà từ bao đời nay để tìm hiểu, thu thập những loại trà ngon. Hiện nay do thu nhập từ trà không thể nuôi sống được nông dân nên diện tích cây trà ở Phú Hội càng ngày càng thu hẹp, đây là điều rất đáng buồn” - nhà nghiên cứu về trà Viên Trân nói. |
Văn Truyên (thực hiện)