Văn hóa

Công nhận Lễ hội Trò Chiềng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ngày 25/2 (mùng 10 tháng Giêng), tại xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra lễ trao bằng công nhận lễ hội Trò Chiềng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 
Trò chọi rồng tại lễ hội. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Trò chọi rồng tại lễ hội. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Lễ hội Trò Chiềng ở làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh, huyện Yên Định là trò diễn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa và được lưu giữ chốn thôn dã. 

Lễ hội phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, mơ ước của nhân dân, gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm và tên tuổi của Tướng quân Tam công Trịnh Quốc Bảo - người có công lớn trong việc dẹp giặc, gìn giữ non sông, tạo dựng và truyền dạy Trò Chiềng cho người dân xã Yên Ninh. 

Với những ý nghĩa đó, Trò Chiềng đã nhiều lần được công diễn tại các lễ hội, sự kiện lớn của đất nước và tỉnh Thanh Hóa như dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, lễ hội Lam Kinh, lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn, lễ hội du lịch biển Hải Tiến... 

Sau hơn 60 năm thất truyền (từ năm 1946 đến 2007), Trò Chiềng đã được khôi phục với đầy đủ 12 trò diễn đặc sắc, trở thành một nét đẹp văn hóa được gìn giữ và tổ chức hằng năm. 

Mở đầu lễ hội Trò Chiềng là phần tế lễ rước Thành hoàng làng, kiệu vàng... Cụ Tiên chỉ hoặc một vị lão làng được Hội đồng làng tiến cử làm chức "Thượng soạn" tức là người điều khiển diễn trò. 

Phần hội trong lễ hội Trò Chiềng có các trò đặc sắc như kén rể, tẩu mã, chọi voi, chọi rồng - cá chép hóa rồng, lễ rước Phụng Hoàn... 

Thuở sơ khai, Trò Chiềng vốn chỉ là trò voi trận (còn gọi là chọi voi) sau đó phát triển thành lễ hội với 12 trò diễn, tuy nhiên trò chọi voi vẫn được coi là linh hồn của Trò Chiềng. 

Trong trò chọi voi có voi chầu và voi chọi, voi chọi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và 1 lão nông khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi. 
"
Khi "Thượng soạn" phát lệnh, 2 con voi sẽ xông vào nhau, chọi bằng 2 chiếc ngà; lệ xưa quy định, voi sẽ chọi trong 2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi thì bị thua. 

Sau khi trò diễn kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng, được đem hóa yết cáo trời đất, tri ân công đức của cha ông và các bậc tiền nhân. 

Người sáng lập ra Trò Chiềng là Thành hoàng Tam Công Trịnh Quốc Bảo (998 - 1085). Thành hoàng Tam Công Trịnh Quốc Bảo còn có tên là Trịnh Bạn, người làng Định Xá (làng Chiềng). 

Trịnh Quốc Bảo làm quan dưới triều Lý, có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh quân Tống ở phía Bắc, dẹp yên giặc Chiêm Thành ở phía Nam nên được phong là Đông Phương Hắc Quang Đại Vương. 

Theo truyền thuyết dân gian, vua Lý Thánh Tông lệnh cho tướng quân Trịnh Quốc Bảo tìm kế sách đánh giặc. 

Một lần, trong giấc chiêm bao Trịnh Quốc Bảo thấy 2 con voi (ứng với đó là 2 ngọn núi, núi Vàng và núi Khoai, nằm ở phía Tây của làng Trịnh Xá) giữa một cánh đồng đang gầm gừ nhau. 

Từ đó ông đã nghĩ ra cách đánh giặc bằng cách xây dựng một đội tượng binh bằng tre nứa trông như voi thật. 

Ngoài ra, ở vòi voi còn được trang bị pháo hoa để lúc xung trận, pháo hoa phát hỏa, kèm theo tiếng nổ inh tai như sấm ran, chớp giật, khói bay mù mịt khiến quân giặc hoảng sợ chạy tán loạn. 

Toàn cảnh Lễ hội Trò Chiềng. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Toàn cảnh Lễ hội Trò Chiềng. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Sau khi thắng trận, triều Lý mở hội, ôn lại chiến thắng giặc Chiêm Thành. Trò voi trận của tướng quân Trịnh Quốc Bảo được nhà vua yêu cầu biểu diễn và đã được ban khen. Sau khi mất, Trịnh Quốc Bảo được phong là Phúc thần làng Trịnh Xá. 

Lễ hội Trò Chiềng tại làng Trịnh Xá diễn ra từ ngày 10-12 tháng Giêng để tưởng nhớ công lao của Tam Công Trịnh Quốc Bảo. Lễ hội cũng là dịp người dân thể hiện tín ngưỡng tâm linh, cầu cho dân an vật thịnh, mùa màng tốt tươi.../.

HOA MAI (TTXVN/VIETNAM+)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  670,848       1/259