Văn hóa

Xuân về trên Tà Lài

Tà Lài là xã vùng sâu của huyện Tân Phú, nay đang từng ngày đổi mới, như sắc xuân đang tràn về trên vùng đất vốn nhiều gian khó…

Tà Lài là xã vùng sâu của huyện Tân Phú, nay đang từng ngày đổi mới, như sắc xuân đang tràn về trên vùng đất vốn nhiều gian khó…

Hát then của đồng bào Tày, xã Tà Lài.
Hát then của đồng bào Tày, xã Tà Lài.

* Diện mạo mới

Đường vào xã Tà Lài nay đã được trải nhựa phẳng lì. Dọc hai bên đường, nhà cửa san sát, các tấm băng rôn mừng Đảng, mừng xuân và cờ Tổ quốc treo đỏ các cổng chào và trước cửa các gia đình, mang không khí ấm áp khi xuân tới. Vào sâu hơn trong các ấp là những cánh đồng lúa đang thì con gái, xanh mơn mởn, trải dài tít tắp.

Bà Lưu Thị Nhuận, 87 tuổi, ấp 3, kể: bà vốn quê ở tỉnh Cao Bằng, vào Tà Lài sinh sống năm 1978. Lúc ấy, nhà của bà được dựng bằng cây và lợp bằng lá rừng; gia đình bà tự khai hoang lấy đất trồng lúa, trồng trọt theo kiểu truyền thống, ươm mạ rồi cấy; nước tưới phụ thuộc vào thiên nhiên nên một năm chỉ trồng 2 vụ, năng suất thấp. Bây giờ lúa được gieo trực tiếp xuống ruộng, không tốn công cấy như trước; hệ thống thủy lợi đến tận chân ruộng. Nhờ đó đã làm được 3 vụ lúa/năm. Không chỉ trồng lúa, người dân còn trồng thêm nhiều loại cây khác, như: cà phê, tiêu, điều và nuôi dê, bò nên đời sống đã khá hơn nhiều. Nhà của bà Nhuận đã được xây lại khang trang. Bà có 11 người con thì cả 11 người đã trưởng thành và có cuộc sống riêng ổn định.

* Khởi sắc

Đồng chí Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, nhận xét đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng khởi sắc, nhưng bà con vẫn giữ được sắc thái riêng của từng dân tộc mình, trong tinh thần đại đoàn kết cộng đồng đa dân tộc của người Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Hậu, ấp 3 chia sẻ, trước đây đường vào xã Tà Lài rất khó đi, nhỏ, nhiều ổ voi, ổ gà, thậm chí có chỗ như vũng trâu đằm giữa lối đi; hai bên lối đi toàn cây rừng rậm rạp. Phương tiện đi lại hồi đó chủ yếu đi bộ và xe đạp, hiện nay đường vào xã, ấp cơ bản được trải nhựa và bê tông, ô tô vào tận nơi. Bên cạnh đó, xã có đầy đủ hệ thống trường học, trạm y tế, điện thắp sáng để phục vụ đời sống nhân dân. Cuộc sống của người dân xã Tà Lài đã khác xưa, bản thân gia đình ông Hậu trước thuộc diện hộ nghèo, nay đã thoát nghèo. “Gia đình mình đón tết năm nay sung túc hơn, vì năm 2017 đã thu hoạch được hơn 1 tấn lúa; được chính quyền địa phương, đoàn thể các nơi tặng quà tết và có 1 con đi làm công nhân may ở huyện Trảng Bom, được thưởng hơn tháng lương nên kinh tế đỡ hơn năm ngoái. Tết này, gia đình mình gói đầy đủ các loại bánh, trong đó có bánh khảo- loại bánh truyền thống của dân tộc Tày”.

Bí thư Chi bộ ấp 3, xã Tà Lài La Văn Băng, nhận định chỉ có Đảng mới đem lại cuộc sống ấm no cho bà con. Những ai tin và theo Đảng, ắt sẽ có cuộc sống ấm no. Ở ấp 3 có 277 hộ, thu nhập chính của người dân là ruộng và rẫy, nhưng số hộ nghèo chỉ còn 4%. Ấp 3 hiện có 21 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên trên 30 năm tuổi Đảng. Người cao tuổi Đảng nhất hiện nay của chi bộ là bà Hoàng Thị Tuế, gần 60 tuổi Đảng và ông Nông Thanh Vạn (chồng bà Tuế), hơn 55 năm tuổi Đảng. Ông bà đã có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, luôn một lòng đi theo Đảng và Bác Hồ, được con cháu và dân làng kính trọng, noi theo.

Phó chủ tịch UBND xã Tà Lài Lê Hữu Thanh, cho biết Tà Lài có 1.958 hộ, trong đó 30% là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu dân tộc Châu Mạ, S Tiêng, Tày). Đảng bộ xã đã chọn khâu đột phá là mở đường giao thông nông thôn, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tích cực xây dựng nông thôn mới, triển khai các chính sách dân tộc…

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đời sống văn hóa của người dân. Trong xã vẫn duy trì được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Châu Mạ, vừa tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, vừa lưu giữ những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong xã cũng có câu lạc bộ hát then đàn tính của đồng bào Tày. Hàng năm, cứ vào mùng 4 tết, UBND xã Tà Lài lại tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ cho đồng bào Tày, như: hát then, nhảy sạp, tung còn…để những người con dù có xa quê những vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống cha, ông tại những nơi ở mới.

Xã cũng rất quan tâm đến giữ gìn an ninh trật tự cho người dân. Ở những ấp cách xa trụ sở xã, xã đã bố trí hệ thống trạm truyền thanh không dây, loa cho các ban công tác mặt trận ấp để thông báo thường xuyên, kịp thời các tin tức, chủ trương, chính sách, pháp luật cho người dân. Xây dựng các điểm trường ở ấp, tạo điều kiện cho học sinh đến trường gần hơn, không phải đi xa ra điểm trường chính. Mỗi ấp còn có nhà văn hóa cộng đồng, làm điểm sinh hoạt vui chơi trong các dịp lễ, tết, sum họp của nhân dân.

Phương Hằng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  564,562       8/1,100