Văn hóa

Huỳnh Văn Bình - ngọn lửa nhỏ trên đồi Mĩ Lộc

Để được đông đảo dân thường, gọi bằng tên thứ ở xứ này, không phải ai cũng có diễm phúc. Nước mình, trong chốn quan trường, đôi lúc người ta giận nhau vì xưng hô theo lối công sở. Ngược lại, với người dân thường, chỉ người nào thật thân thiết, mới gọi theo kiểu ấy. Nói thế để thấy ông Năm Bình (Huỳnh Văn Bình) là người làm quan có phúc, được dân yêu, dân quý. Con đường ông có được cái phúc ấy vừa tự nhiên, vừa thật khó, gần như trọn đời.

..

1. Ông Năm Bình sinh năm Ất Hợi (1935), ở làng Mĩ Lộc, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Bình Dương). Trong khai sinh, ghi ngày 19 tháng 12. Đấy là Ngày Toàn quốc kháng chiến, được ông lấy để làm kỷ niệm khi dấn thân vào cuộc trường chinh của dân tộc. Năm Ất Hợi, Sơn Đầu Hỏa, lửa trên đầu núi. Tân Uyên khi xưa rừng thẳm sông dài (Huỳnh Văn Nghệ). Nhấp nhô giữa những cánh rừng bạt ngàn ấy là từng ngọn đồi. Sau này, người con trai Mĩ Lộc đi bốn phương, vẫn không quên núi rừng Tân Uyên, không quên từ ngánh lửa nhỏ trên đầu ngọn đuốc dầu chai, hột cao su khô màn hững cậu bé liên lạc, thiếu sinh quân… trong đó có mình, đã đốt lên ở vùng rốn Chiến khu Đ.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái gửi lời chúc mừng và tặng hoa nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Bình, một trong hai tác giả sách “Một chút gọi là”.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái gửi lời chúc mừng và tặng hoa nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Bình, một trong hai tác giả sách “Một chút gọi là”.

Lâu nay, nhiều người lầm tưởng ông Tám và ông Năm là bà con(!). Họ bảo, Tân Uyên, trong một dòng họ, có đến 2 người tài. Đúng, ông Tám Nghệ và ông Năm Bình đều là những người nổi tiếng. Ông Tám tuổi Giáp Dần, Đại Khê Thủy, là khe nước lớn ở miệt thượng nguồn, theo dòng Đồng Nai, xuôi về biển cả. Thời đánh Pháp, giặc gọi ông Tám là con hùm xám miền Đông; danh tiếng lẫy lừng tận trời Tây. Còn ông Năm, ngọn lửa nhỏ trên đồi Mĩ Lộc, gió mưa không làm nó tắt, chắc là nhiều năm sau nữa, nó vẫn sáng ở một góc trời.

Ông Năm cùng họ với ông Tám, nhưng chỉ bà con xa. Mẹ ông là bà Huỳnh Thị Xưa, người Tân Mĩ. Còn cha là cụ Thái Văn Điền. Cụ Điền được gia đình hỏi cưới vợ người cùng làng, nhưng tới lúc cưới, không chịu, bỏ chạy, rồi sau mới lấy bà Xưa. Kể ra, thời đó đã có những chuyện tình thật lãng mạn. Bà Xưa trở thành vợ  ông Điền, không hỏi cưới chính thức nên không có giá thú. Anh lớn của ông là Huỳnh Văn Đính (sau là Bí thư Huyện ủy Tân Uyên) theo kháng chiến,là người đầu tiên trong nhà lấy họ chính thức là Huỳnh. Ông Năm theo anh, cũng đổi từ Thái Tấn Bình sang Huỳnh Văn Bình. Chỉ là cái tên mà biết bao nhiêu nỗi niềm của một thời đã qua.

Năm Bình đang học lớp Nhứt trường huyện, kháng chiến bùng nổ, tất cả vào chiến khu. Người lớn tăng gia sản xuất, làm bộ đội, du kích của ông Tám Nghệ; trẻ con làm liên lạc, cảnh giới… Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, Biên Hòa là một trong 2 địa phương của Nam bộ có phong trào bình dân học vụ tốt nhất.Tân Uyên, đa phần là vùng rừng sâu nước độc, căn cứ kháng chiến của cả tỉnh, là nơi đi đầu của phong trào chống giặc dốt. Trưởng ban Giáo dục huyện là thầy giáo Hoàng Văn Bổn, sau là nhà văn danh tiếng của đất Đồng Nai. Toàn huyện có một trường tiểu học kháng chiến, đặt ở Ông Đông, Bình Chánh. Cả thầy lẫn trò cùng nhau chặt cây rừng, cắt tranh, làm trường học. Rồi học trò đi làm thầy giáo khi đêm đêm lặn lội về các xã chống giặc dốt cho đồng bào.

Năm Bình ở trong số học trò ấy.Hơn nữa, ông còn là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Lũ chúng tôi của Hoàng Văn Bổn.

Không ai chọn ngày để được sinh ra. Cũng không ai chọn thời để sống. Tất cả đều là ngẫu nhiên mà hết sức tất yếu. Chỉ có điều, người ta sẽ sống như thế nào sau thời khắc thiêng liêng và năm tháng huy hoàng hay khắc nghiệt ấy. Ngọn lửa nhỏ trên đồi Mĩ Lộc vẫn còn nguyên đấy thôi. Mưa gió không làm nó tắt. Sơn Đầu Hỏa. Bao giờ cũng tự sáng.

2.  Hiệp định Genève được ký kết. Huỳnh Văn Bình được ra Bắc.

Năm đầu, ông học ở Trường học sinh miền Nam số 1, đặt tại Thanh Hóa, rồi ra Bắc, học ở Hà Đông. Đến năm lớp 9, lại chuyển sang học Trường bổ túc công nông Trung ương, ở Bạch Mai. Nguyên Thủ tướng PhanVăn Khải là bạn cùng khóa.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Bình, một trong hai tác giả sách “Một chút gọi là” ký tặng sách cho bạn đọc.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Bình, một trong hai tác giả sách “Một chút gọi là” ký tặng sách cho bạn đọc.

Tới năm 60, ông Năm vào học khóa 2, Trường đại học kinh tế kế hoạch. Bạn cùng lớp, cùng trường, sau này đều có tiếng: GS-TS. Đào Công Tiến, Tô Dùng, Nguyễn Duy Gia (Giám đốc đầu tiên của Học viện Hành chính quốc gia); Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư)... Hiệu trưởng đầu tiên là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Năm thuộc diện cán bộ đi học, là đảng viên, được cử làm Chi ủy viên và lớp phó.

Năm 1964, tốt nghiệp đại học, ông được cử về tỉnh Nghệ An, dạy học tại Trường trung cấp nông nghiệp của tỉnh, làm Chủ nhiệm Khoa Kinh tế, Trưởng phòng Giáo vụ, đồng thời là Bí thư Đảng ủy trường…

Ngẫm lại, đời ông, không phải sau này, khi đã nghỉ hưu, giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học của tỉnh, mới gắn bó với ngành giáo dục.

Đầu năm 1983, ôngNăm Bình tiếp tục con đường học vấn. Lần này học tại Trường quản lý kinh tế ở Liên Xô, cùng lớp với các ông Nông Đức Mạnh (nguyên Tổng Bí thư), Lê Huy Ngọ…

Ở Liên Xô trở về, ông Năm làm Phó chủ tịch UBND tỉnh. Đến năm 1987, được cử làm Quyền Chủ tịch, rồi chính thức giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh từ năm 1989 cho đến đầu năm 1995.

Thủ tướng VõVăn Kiệt giao ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cao su Việt Nam, từ tháng 2-1995 cho đến lúc nghỉ hưu, tháng 10-1998. Trong 3 năm, ông đã đưa diện tích cao su cả nước từ 200 ngàn hécta lên 300 ngàn hécta và xây được nhiều nhà máy chế biến mủ giảm bớt sự lệ thuộc vào việc phải xuất khẩu thô ra nước ngoài…

Nghĩ cho cùng, những chuyện ông Năm làm được khi chấp chính ở Đồng Nai hay ngành cao su, là đem ứng dụng những điều mình đã học và trải nghiệm từ cuộc đời vào cuộc sống. Ông là người thực hành hơn là nhà lý thuyết, mặc dù được đào tạo bài bản, có thể lập thuyết tường minh. Ông thích được trải nghiệm, thích tìm kiếm con đường nơi chưa có lối mòn. Con đường trở thành trí thức của ôngnhư đại đa số trí thức ở nước ta: từ làng quê đến thị thành, từ nông dân đến trí thức. Nhưng không ít trong số đó, một khi đã yên vị ở bến đỗ, lại ít nghĩ về phẩm giá của người trí thức. Và, quan trọng hơn cả, họ đánh mất cả nguồn gốc xuất thân, giễu cợt và lãng quên nơi mình đã ra đi. Ông Năm không lập thuyết, nhưng ý thức rất rõ điều đó. Có lần, ông nói với tôi: Huy à, ở xứ này, có thằng cha trí thức mà người ta cứ tưởng nó là nông dân… Từ ngày rời khỏi làng Mĩ Lộc, ông dấn thân vào con đường trí thức, không còn là nông dân nữa. Nhưng là một trí thức mang dáng vẻ bình dân. Tôi hình dung con đường trí thức của ônglà như vậy.

3. Nghỉ hưu. Một người như ôngNăm Bình, tất có nhiều chỗ chèo kéo. Vì yêu quý, kính trọng, cần thiết. Vì muốn mượn hình tìm bóng cũng có. Ông không có ý làm ra vẻ, nhưng cũng không muốn kéo dài cái bóng của mình. Làm quan, so ra đã hanh thông; việc đời, cũng trọn vẹn. Ông chọn một việc ít người nghĩ đến để làm và làm đâu vào đấy. Đó là khuyến học. Lý do cho sự chọn lựa nàyvì ông gốc là thầy giáo, khuyến học là việc làm tử tế, mang tính nhân văn cao, nên làm.Cách giải thích thật ngắn gọn, không màu mè, hoa mỹ. Nó xuất phát từ lòng ông, từ sự thôi thúc bên trong của một người trí thức bình dân.

Nhờ ông thật thà nhúng tay đến năm 2002, Hội Khuyến học tỉnh được thành lập. Vài năm sau, uy tín đã vang ra cả nước và trở thành một tổ chức quần chúng sang trọng, đông đảo và thiết thực nhất. Hội trung ương cử ông làm Phó chủ tịch.

Ông Năm Bình đã suy nghĩ rất nhiều về cách làm khuyến học ngay từ buổi ban đầu, lúc tổ chức Hội chưa có hình hài. Theo lời rủ rê của ông, nhiều lãnh đạo địa phương, của ngành giáo dục đã về hưu đi làm khuyến học. Vác tù và hàng tổng, không lương, không phụ cấp, nhưng lòng ai cũng vui, bởi họ đang làm một việc, mà theo cách nói của ông,làtử tế.

Rồi ông Năm lại nghĩ ra cách kiếm tiền. May mắn cho ông bên cạnh có ông Phạm Mạnh Thiều, nguyên Giám đốc Sở Tài chính.

Phải chăng, những trải nghiệm trên con đường hình thành của một trí thức bình dân, khởi nguồn từ lớp học i, tờ của ngôi trường làng Mĩ Lộc, từ những đêm vác đuốc dầu chai đi xóa giặc dốt cho đồng bào ở Chiến khu Đ đã khiến ông Năm có được tư tưởng độc đáo khi làm khuyến học?

Nghỉ hưu, làm khuyến học, ông đi nốt chặng cuối trong hành trình của một trí thức.Trở thành cán bộ, ông biết cách trí thức hóa nơi bến đỗ của yên bình và tĩnh lặng, dễ khiến người ta bị ru ngủ trong quyền quý và cám dỗ. Làmkhuyến học, ôngtrở về với tuổi thanh xuân, thực hiện một trong những thiên chức của người trí thức, là xã hội hóa học tập, hay đúng hơn là xã hội trí thức.

Năm 2011, Hội Khuyến học tỉnh đại hội. ÔngNăm cương quyết rời cái ghế Chủ tịch đã nắm giữ 12 năm. Là người ti toe trong cái Hội của ông, tôi biết nhiều người lo cho việc đấy. Tỉnh này thật chẳng thiếu người tài, người giỏi, có thể đội đá vá trời, nhưng hình như để tìm một ai đó ngồi vào cái ghế này quả thật khó khăn. Song, không thể bắt một ông già gần 80 tuổi ở mãi nơi đó. Mà hình như, khi ấy, ông đã chuẩn bị cho người ngồi vào ghế này từ rất lâu rồi nên cương quyết trao quyền gửi chức đến thế.

Xuân này, ông Năm bước sang tuổi 84. Đôi chân hơi yếu, không tự đi xe máy đến Hội Khuyến học như ngày trước, nhưng Người còn tinh anh lắm. Từ những khái niệm, phạm trù kinh tế hồi xa xưa ông dạy học đến các quy luật kinh tế thị trường thời nay, có dịp, ông lại nói vanh vách theo cách của một người luôn suy ngẫm từ thực tiễn. Và, nhiều nhất, vẫn là chuyện khuyến học, khuyến tài. Thành ra, được trò chuyện với ông, bao giờ cũng thật sung sướng.

Ôi, ông già đáng yêu của đất Mĩ Lộc này. Ai bảo ông sinh vào năm Ất Hợi để phải làm lửa trên đầu núi ? Sơn Đầu Hỏa mà!

Tân Mão - Mậu Tuất

Bùi Quang Huy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  564,091       6/1,105