Văn hóa

Những giấc mộng xa vời

Tết này sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP.Hồ Chí Minh) giới thiệu đến khán giả vở diễn mang màu sắc dân gian Giấc mộng vàng son (kịch bản: Quang Thảo, đạo diễn: Quang Thảo - Ngọc Duyên). Vở diễn lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Chú Cuội và cây đa, nhưng không dừng lại ở câu chuyện cổ tích…

Tết này sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (TP.Hồ Chí Minh) giới thiệu đến khán giả vở diễn mang màu sắc dân gian Giấc mộng vàng son (kịch bản: Quang Thảo, đạo diễn: Quang Thảo - Ngọc Duyên). Vở diễn lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Chú Cuội và cây đa, nhưng không dừng lại ở câu chuyện cổ tích…

Cảnh trong vở Giấc mộng vàng son. Ảnh: Thúy Bình
Cảnh trong vở Giấc mộng vàng son. Ảnh: Thúy Bình

Chuyện là ở một ngôi làng, có gia đình nhà Cuội bao đời nay mỗi thế hệ chỉ đẻ đúng một cậu con trai và chỉ đặt đúng tên là Cuội. Trước nhà Cuội có cây đa cổ thụ, anh Cuội ngày nào cũng phải cố uống thật nhiều nước để tè vào cây đa, mong đa trốc gốc mà đu lên trời lấy Hằng Nga làm vợ. Cuội ngày ngày chỉ lêu lổng, mặc vợ con quanh năm vất vả, làm lụng cực khổ để kiếm được miếng ăn. Anh ta chỉ thích ngủ để được mơ thấy Hằng Nga. Anh tự cho rằng sứ mệnh của mình là phải bay lên trời để lấy mỹ nhân chứ không phải là cô vợ nhà quê như bây giờ.

Ai cũng bảo Cuội viển vông. Nhưng một ngày sấm chớp nổi lên đùng đùng, cây đa trốc gốc thật. Không bỏ lỡ cơ hội, Cuội đu ngay lấy gốc cây đa bay lên cung Hằng không màng tới lời van xin khóc lóc gọi chồng ở lại của vợ, cô Bưởi hiền lành, chân chất. Nhiều năm trôi qua, Bưởi ở dưới trần gian đâm ra thù ghét đêm trăng rằm. Ánh trăng mà ai cũng cho là thơ mộng thì đối với người phụ nữ đau khổ ấy là ánh trăng bội bạc. Mỗi khi trăng sáng vằng vặc, cô lại gào khóc gọi Cuội, mắng Hằng Nga giật chồng người. Cả làng ai cũng bảo cô là bà điên, bao nhiêu oan ức, nghiệt ngã đổ lên đầu mẹ con Bưởi và cả anh chàng Cóc, anh bạn thuở thiếu thời của Bưởi và Cuội. Người ở lại đớn đau thế còn anh Cuội đã lên đến vầng trăng mơ ước kia, liệu anh ta có hạnh phúc?

Quang Thảo là cây bút không xa lạ với làng sân khấu nhưng đây là lần đầu tiên anh đảm nhiệm vai trò đạo diễn một vở kịch người lớn. Anh nói về vở diễn đầu tay của mình: “Tôi thích những đề tài xuyên không, mượn chuyện xưa nói chuyện nay. Những đề tài mà mới đầu người ta tưởng thần thoại nhưng càng xem sẽ càng thấy gần với cuộc sống hiện đại. Trong xã hội ngày nay, tôi thấy không ít người bị vọng tưởng mà không màng hậu quả, điều đó càng thôi thúc tôi cầm bút để viết. Ban đầu tôi và Đình Toàn dự định đưa vở ra sân khấu lớn và nghĩ nhiều đến những hiệu ứng sân khấu để làm vở diễn thêm sinh động, hấp dẫn  như: có đu bay, đánh võ,  âm thanh, ánh sáng… Tuy nhiên, khi đưa về sân khấu Hoàng Thái Thanh chúng tôi hướng câu chuyện vào nội tâm để đem đến cho khán giả những cảm xúc đặc biệt!”.

Chính vì sự chăm chút của Quang Thảo và Ngọc Duyên  mà vở diễn đã có những giây phút khiến người xem rưng rưng. Không đau sao được khi vợ con ốm o, hao gầy thế mà ông chồng hết sức vô tư, cứ mơ màng đâu đó. Khi cô Bưởi thốt lên những lời cay đắng: “Sao anh cứ mãi nhìn lên cung Hằng? Có bao giờ anh ngó lại một lần để thấy vợ con tiều tụy như thế nào không?” - tim người xem như thắt lại. “Núi khác” dường như xanh hơn, đẹp hơn ngọn núi mà mình đang đứng, cũng như Cuội đắm đuối vầng trăng xa vời mà không trân trọng vầng trăng lộng lẫy ngay cạnh mình. Vậy đó, cái thói mơ mộng xa vời, sự bội bạc ích kỷ của con người ngẫm lại thời nào cũng có, rất nhiều bài học nhãn tiền vậy mà mấy ai biết sợ, biết không chế cái ham muốn nhỏ nhen của bản thân. Mà chuyện mình làm nào chỉ riêng mình gánh hậu quả, khi nó gây ra hệ lụy cho cả những người thân yêu vô tội của mình thì thật là chua xót…

Để cân bằng vở kịch, bên cạnh màu sắc bi Giấc mộng vàng son được cài cắm những mảng miếng hài khá duyên dáng với sự tung hứng ăn ý của Hồng Ánh (vai Hằng Học), Quốc Thịnh (vai Cuội), Lê Thúy (vai Hằng Nga)… Vở còn có sự tham gia của các diễn viên: Tuyết Thu, Quang Thảo, Huỳnh Tấn Phát, Thế Hải, Kim Phước…

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  565,566       3/1,129