Từ ngày 31-1 đến 10-4-2018, Bảo tàng Đồng Nai thực hiện triển lãm chuyên đề Dấu ấn Xuân Mậu Thân 1968 - 50 năm một chặng đường, nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2), 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018).
Các đại biểu tham quan triển lãm Dấu ấn Xuân Mậu Thân 1968 - 50 năm một chặng đường do Bảo tàng Đồng Nai tổ chức từ ngày 31-1 đến 10-4-2018. Ảnh: Văn TRUYÊN |
Bên cạnh những tranh, ảnh, hiện vật đã từng được giới thiệu những lần trước đây, triển lãm lần này có nhiều hiện vật, tài liệu liên quan đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 lần đầu tiên được Bảo tàng Đồng Nai cho ra mắt công chúng.
* Những tài liệu quý
Trong đó, bộ tài liệu quý về lý lịch cán bộ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác có 267 hiện vật tài tiệu, giấy tờ (bản gốc) bao gồm: sơ yếu lý lịch, lý lịch quân nhân, lý lịch đời tư, lý lịch đảng viên, sổ học bạ, bản nhận xét, các quyết định đề bạt, điều động…
Tại Thư viện Ðồng Nai cũng đang diễn ra triển lãm với chủ đề: Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Triển lãm giới thiệu 150 hình ảnh tư liệu về các trận đánh diễn ra trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Triển lãm kéo dài đến cuối tháng 2-2018. |
Tài liệu này là những hồ sơ lưu trữ của Đoàn 10 lúc bấy giờ. đa số được lập năm 1968, chỉ có 2 tài liệu được lập năm 1969. Trong số này có 5 bản nhận xét của cấp ủy nêu rõ đạo đức, tài trí năng lực chiến đấu của các đồng chí: Huỳnh Ngọc No, Nguyễn Hoàng Tiên, Nguyễn Hữu Phước, Mai Thuân, Hai Phen, Đựng, Tâm, Lung, Tiên, Long… Cuối bản đề nghị bổ nhiệm là chữ ký xác nhận của lãnh đạo Đảng ủy. Ngoài ra còn có 10 bản quyết định điều động cán bộ, thông báo và báo cáo. Nội dung là quyết định của Đảng ủy về việc chuyển Đảng chính thức cho đồng chí Ngô Văn Nà; quyết định điều động đồng chí Hồng Văn Lượng, Mã Duy Triệu, học viên Nguyễn Văn Thông, Trầu - Việt - Hải - Lê - Khuê; thông báo của Ban Chỉ huy miền về việc lựa chọn cán bộ đi học tập, giấy chiêu sinh, báo cáo chính trị...
Theo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Hạnh Phúc - người tìm ra số hiện vật này, thì năm 1981 trong quá trình thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, ông cùng Tổ quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã phát hiện nhiều hiện vật tài liệu của Đoàn 10 Rừng Sác tại khu vực căn cứ Đoàn 10 từng hoạt động trước đây.
“Khi đó, đoàn quy tập mộ liệt sĩ thấy nấm đất nổi trên mặt đất nghi là mộ của liệt sĩ, tiến hành đào xuống đất khoảng 60cm thì phát hiện một chiếc thùng đại liên, mở ra xem thì thấy bên trong đựng rất nhiều tài liệu của Đoàn 10” - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Hạnh Phúc cho biết.
Sau khi phát hiện tài liệu quý này, đồng chí Phạm Hạnh Phúc đã lưu giữ rất cẩn thận và sử dụng phục vụ cho việc tra cứu tìm kiếm hài cốt của các liệt sĩ Đoàn 10 từ năm 1981 đến năm 2006. Năm 2006, đồng chí Phạm Hạnh Phúc trao số hiện vật này cho Bảo tàng Đồng Nai. Đến năm 2017, Bảo tàng Đồng Nai tiến hành gặp gỡ nhân chứng, lập hồ sơ cho những hiện vật tài liệu trên và tiến hành trưng bày ngay đúng thời điểm cả nước kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.
Bảo tàng Đồng Nai còn lần đầu giới thiệu đến công chúng những hiện vật là tăng, võng, dép cao su... của cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong trận đánh Sân bay Biên Hòa Xuân Mậu Thân 1968. Đây là những hiện vật vừa được tỉnh tiến hành khai quật trong năm 2017.
* Sức sống Đồng Nai
Bên cạnh những hiện vật kể trên, triển lãm còn gửi đến người xem hơn 100 hình ảnh về chiến trường miền Đông Nam bộ, mà TX.Biên Hòa (nay là TP.Biên Hòa) được xác định là địa bàn trọng điểm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong đó có hình ảnh về đồng chí Lê Đức Anh, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Miền đã về căn cứ Bàu Sao (phía Bắc Trảng Bom) để triển khai nhiệm vụ, phương án tiến công và nổi dậy ở Biên Hòa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; hình ảnh của quân dân Biên Hòa, phân khu 4, TX.Long Khánh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; hình ảnh những chiến sĩ hy sinh sau trận đánh...
Một số hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại triển lãm. |
Triển lãm lần này không chỉ có bóng dáng của quá khứ mà còn giới thiệu đến người xem sự thay da đổi thịt của đất cùng người Biên Hòa - Đồng Nai sau 50 năm kể từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Từ một tỉnh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Đồng Nai đã vươn lên, phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối nội, đối ngoại. Những nhận định này được làm rõ hơn qua hình ảnh những ngôi trường dành cho học sinh các cấp không ngừng được xây dựng và đạt chuẩn quốc gia; những bệnh viên mới đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; trung tâm thương mại hiện đại ngày càng nhiều; những nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh...
Những tư liệu, hình ảnh, hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai rất đáng được mọi người dành thời gian đến tham quan để tìm về một thời hào hùng của dân tộc, tự hào với những thành quả hôm nay.
Văn Truyên