Văn hóa

Đờn ca tài tử đã ngấm sâu vào huyết quản của tôi

Đồng Nai hiện có 5 nghệ nhân dân gian, trong đó nghệ nhân Đặng Văn Vĩnh (nghệ danh Hai Vĩnh, 71 tuổi, ngụ tại TP.Biên Hòa) có gần 60 năm gắn bó với đờn ca tài tử, truyền dạy bài bản đờn, ca cho nhiều học trò và góp phần cùng các nghệ nhân khác trong việc gầy dựng, duy trì hơn 30 câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử trong tỉnh.

Năm lên 10 tuổi, ông Hai Vĩnh bắt đầu học đờn ca. 18 tuổi, ông đã thành thạo các ngón đờn và tham gia các sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Trong 60 năm, trải biết bao thăng trầm khó khăn của đời sống, ông vẫn chưa một lần dừng nghiệp đờn ca. Với ông, đờn ca tài tử dường như đã ngấm vào huyết quản của mình.

* 60 năm theo nghiệp đờn ca

 Ông có gần 60 năm theo nghiệp đờn ca tài tử. Điều gì đã giữ ông lại với đờn ca tài tử suốt chừng đó năm?

 - Đờn ca tài tử đã ngấm sâu vào huyết quản của tôi từ khi còn rất nhỏ. Năm lên 10 tuổi, tôi bắt đầu học đờn rồi sau đó ngọn lửa đam mê bộ môn nghệ thuật này ngày một lớn dần, càng chơi càng mê.

Bước vào tuổi đôi mươi, tôi thành thạo các ngón đờn và tích cực tham gia các sinh hoạt văn nghệ quần chúng. Đến năm 1997, tôi tham gia vào CLB đờn ca tài tử tỉnh Ðồng Nai và sau đó giữ chức vụ Phó chủ nhiệm CLB. Cùng với những người bạn, học trò, tôi đã đi biểu diễn, giao lưu đờn ca tài tử ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

 Nhiều người nhận xét các bộ môn dân tộc như đờn ca tài tử quá “âm tính”, quá buồn và không khơi gợi được lòng vui sống ở người nghe. Ông có nghĩ như thế?

- Theo tôi, đó là những nhận xét chưa hoàn toàn đúng vì bản thân đờn ca tài tử có nhiều dạng, nhiều bài có nội dung thể hiện niềm vui. Ngay cả những bài oán nổi tiếng như: Tứ đại oán, Giang nam, Phụng cầu, Phụng hoàng cũng có giai điệu, ca từ, âm hưởng bi hùng chứ không phải là bi lụy. Chỉ một số dạng bài “nam ai” thì có phần ai oán, thê lương... Nói đờn ca tài tử vui hay buồn còn phụ thuộc vào tâm trạng của người nghe, cảm xúc, thần thái của người biểu diễn.

 Những khó khăn nào là lớn nhất đối với các nghệ nhân dân gian như ông?

- Tôi chơi mang tính “tự phát”, cứ mê là chơi thôi. Nhưng khi sinh hoạt tại các CLB đờn ca tài tử thì còn gặp khó khăn về kinh phí hoạt động và cần nhiều hơn nữa sự quan tâm từ phía các cơ quan quản lý…

Bản thân tôi cũng thực sự khó khăn về thu nhập, chơi vì đam mê. Hơn nữa, gia đình, vợ con hoàn toàn ủng hộ việc tôi chơi đờn ca tài tử. Các con tôi cũng theo nghiệp âm nhạc nhưng theo tân nhạc. Tôi cũng hơi chạnh lòng, nhưng hoàn toàn ủng hộ quyết định của các con.

 Hiện tại Đồng Nai chỉ có 3 nghệ nhân dân gian đờn ca tài tử và đều đã lớn tuổi. Ông có tâm tư gì trong việc truyền dạy cho lớp kế cận? Mức độ đam mê của họ thế nào?

- Trong hơn 20 năm gắn bó với CLB đờn ca tài tử Đồng Nai và cũng như một số CLB khác, tôi truyền dạy bài bản đờn, ca cho nhiều học trò và góp phần gầy dựng, duy trì hơn 30 CLB đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, trong thời buổi hiện nay, lớp trẻ các nơi đặc biệt là vùng sâu, vùng xa vẫn còn đam mê với đờn ca tài tử, nhưng đa phần các em chơi theo hơi hướng học để đi hát vì “cơm áo gạo tiền” hơn là học vì đam mê, đờn vì tâm huyết. Điều này cũng khiến tôi băn khoăn, lo ngại cho sự mai một của bộ môn nghệ thuật này. Đặc biệt là những tác phẩm về đờn ca tài tử, hiện nhiều người trẻ chỉ học thuộc dăm ba câu vọng cổ “ruột”, mang tính phổ biến là chính chứ không có nhiều người học thuộc toàn bài, nắm được cái hồn của những tác phẩm xưa.

* Còn sức thì còn dạy, còn ca

 Dưới góc nhìn một nghệ nhân tâm huyết, ông nghĩ cần phải có những chính sách, cơ chế nào để phát triển và giữ gìn bộ môn truyền thống dân tộc này?

- Cần có nhiều sân chơi, chương trình mang đậm tính giao lưu, trao đổi đờn ca tài tử bài bản hơn là những chương trình mang tính hình thức, cóp nhặt chỗ này một chút, chỗ kia một chút. Trên thực tế, tôi thấy ở Đồng Nai còn thiếu điều này, chưa thực sự tạo được môi trường giữ gìn và phát triển đờn ca tài tử mang tính định hướng cụ thể, lâu dài. Hơn nữa, giữa các CLB đờn ca tài tử hiện thiếu sự kết nối, chủ yếu chỉ chơi đơn độc, chưa có nhiều hoạt động giao lưu.

Các cơ quan chức năng, quản lý cần quan tâm hơn nữa tới bộ môn này, nhất là khi đờn ca tài từ trở thành một trong những di sản văn hóa phi vật thể của thế giới do UNESCO công nhận.

 Những người có trách nhiệm cần phải làm gì để những bộ môn nghệ thuật truyền thống khỏi mai một và biến mất?

- Về mặt quản lý, trước hết Nhà nước cần hỗ trợ về kinh phí hoạt động. Đó chính là huyết mạch để các CLB duy trì, tìm được những nhân tố thực sự yêu nghề, mê đờn ca tài tử. Hơn thế nữa, cần có một đầu mối để tổ chức các chương trình giao lưu giữa các CLB đờn ca tài tử, giữa các huyện thị, giữa các địa phương lân cận và với các CLB của các tỉnh, thành bạn. Các CLB đờn ca tài tử cũng nên chủ động trong khâu tổ chức các buổi giao lưu có bài bản, được lên kế hoạch, hoạch định rõ ràng, tránh làm qua loa, hình thức lấy lệ. Có như vậy, đờn ca tài tử mới có điều kiện để thu hút nhiều người tham gia, đi vào tiềm thức của giới trẻ và mới có hy vọng thay đổi để tự cứu mình. 

 Có lúc nào trong đời, ông chán nản muốn bỏ nghề? Ông có cảm thấy hạnh phúc khi theo nghiệp đờn ca?

- Chưa bao giờ tôi chán nản hay có ý định bỏ ý định chơi đờn ca tài tử. Với tôi, đờn ca tài tử là niềm đam mê, là tình yêu mãnh liệt đã “ăn sâu” vào máu thịt của tôi. Tôi thực sự hạnh phúc khi theo nghiệp cầm ca. Ngoài thời gian sinh hoạt ở các CLB đờn ca tài tử, những năm vừa qua tôi còn dành thời gian để chế tạo các loại nhạc cụ của đờn ca tài tử rồi chia sẻ để cùng bạn bè, học trò biểu diễn, giữ được phần nào tính nguyên bản của bộ môn nghệ thuật này.

 Chia sẻ của ông về việc làm thế nào để giữ nghề? Làm thế nào để truyền lửa cho lớp trẻ khi bộ môn này thành thật mà nói khó kiếm tiền, khó nổi tiếng so với nhiều môn khác?

- Với niềm say mê đờn ca, yêu tiếng nhạc tài tử, tôi cùng với các nghệ nhân Phạm Lơ, Lê Văn Lợi trong CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai luôn trăn trở tìm cách níu giữ những giá trị của bộ môn nghệ thuật này. Anh Lợi chuyên về phần nhạc lễ, tôi truyền dạy thiên về phần tài tử, còn anh Lơ thường dạy kết hợp, mang tính tổng quát. Khi sắp xếp được thời gian, tôi sẽ cố gắng cùng với ban chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai duy trì các tiết học, chiêu mộ học viên nhằm phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống.

Nhiều lúc thấy học trò chưa học đờn “tới nơi tới chốn”, tôi cũng tự thấy do một phần lỗi từ mình. Có lẽ nào do mình dạy chưa thực sự hứng thú nên học trò đâm chán nản, không muốn học? Điều đó đôi khi khiến tôi suy nghĩ nhiều. Bởi khi truyền dạy, tôi luôn muốn truyền đạt những ngón đàn, kinh nghiệm biểu diễn từ thực tế của bản thân, cố gắng tạo cho học trò sự say mê, tình yêu với đờn ca tài tử.

Trong thời buổi có nhiều dòng nhạc truyền thống và hiện đại như hiện nay thì việc kết hợp giữa tân nhạc và cổ nhạc là việc rất khó. Đặc biệt là khi muốn truyền đạt những giá trị của đờn ca tài tử nằm ở ngôn từ trong sáng, những điển tích, câu chuyện mang tính nguyên bản, nhân văn cao. 

Trong những chuyến giao lưu đờn ca tài tử, tôi tranh thủ gặp các nghệ nhân nổi tiếng, giỏi nghề để học tập, trao đổi và sưu tầm thêm những bản nhạc, ngón đờn mới, sau đó tôi về truyền dạy cho học trò. Khi làm việc này, tôi cảm thấy vui vì mình làm được việc có ý nghĩa. Tuy nhiên, giờ tôi cũng đã có tuổi rồi, việc đi giao lưu cũng dần hạn chế hơn. Tôi hy vọng đờn ca tài tử cần được lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống, cốt lõi và phù hợp với sự phát triển của xã hội để có nhiều người có điều kiện chơi, lưu luyến bộ môn nghệ thuật này, nhất là đối với những người trẻ.

 Xin cảm ơn ông!

Vi Lâm - Hải Quân
(thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  671,517       1/876