Văn hóa

Cần mẫn như loài ong

Bằng tâm huyết cùng tinh thần học hỏi, sáng tạo trong từng tác phẩm, nhà điêu khắc, họa sĩ Phạm Công Hoàng là một trong những nghệ sĩ tạo hình nhận được nhiều giải thưởng trong số các nghệ sĩ tạo hình của Đồng Nai.

Họa sĩ Phạm Công Hoàng đang thực hiện một tác phẩm gò kim loại. ảnh: nhân vật cung cấp
Họa sĩ Phạm Công Hoàng đang thực hiện một tác phẩm gò kim loại. ảnh: nhân vật cung cấp

Bên cạnh những giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật cấp khu vực, tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, giảng viên Khoa Điêu khắc - gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Trưởng ban Mỹ thuật (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) họa sĩ Phạm Công Hoàng còn vinh dự là người 2 lần liên tiếp được xét chọn trao giải A thể loại mỹ thuật của Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức (lần thứ 3 và 4).

* Nghề nào cũng cần chăm chỉ và sáng tạo

Họa sĩ Phạm Công Hoàng chia sẻ: “Tôi từng học ở Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Ngày đó thầy cô luôn nhắc nhở: kỹ thuật dù khó đến đâu thì học lâu cũng sẽ thông suốt. Nhưng cái cần để tạo dấu ấn trong tác phẩm đó là sự sáng tạo riêng của bản thân mỗi người”.

Không giữ “bí quyết” làm nghề riêng cho bản thân, trên bục giảng hay lúc vào phòng thực hành, họa sĩ Phạm Công Hoàng luôn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, động viên sinh viên nỗ lực học tập để tiếp thu kiến thức.

Anh Vũ Văn Kiên, sinh viên từng được họa sĩ Phạm Công Hoàng hướng dẫn trong thời gian theo học tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cách đây 6 năm, cho hay: “Có lần cả lớp vào giờ thực hành, nhiều bạn cảm thấy quá khó thực hiện nên rất nản và chấp nhận điểm thấp. Nhưng thầy Hoàng tìm đến động viên, tiếp tục hướng dẫn để mọi người có tinh thần thực hiện lại công việc. Sau này khi ra trường, đi làm, chính những lời nhắc nhở kiên trì, không nản khi gặp khó của thầy Hoàng vẫn được tôi cũng như nhiều bạn xem là bài học cho bản thân”.

Bên cạnh việc truyền nghề, truyền lửa đam mê cho sinh viên, họa sĩ Phạm Công Hoàng còn khuyến khích học trò mạnh dạn thử thách với những bộ môn nghệ thuật, những chất liệu tạo hình mới. Không chỉ nói lý thuyết, động viên tinh thần suông với học trò, chính ông là người tìm tòi, thử thách mình trong việc tạo ra những tác phẩm mỹ thuật trên chất liệu mới, đó là gò kim loại.

* Mỗi tác phẩm một câu chuyện

Hướng đi mới này đã đem lại dấu ấn cùng nhiều giải thưởng cho tác giả. ở đợt xét Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 3, họa sĩ Phạm Công Hoàng được trao giải A bộ môn mỹ thuật với tác phẩm Hoang tưởng em và tôi; tác phẩm gò nhôm Dòng đời lặng trôi đoạt giải khuyến khích tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2015; bộ 3 tác phẩm gò kim loại: Dòng đời lặng trôi, Điệp khúc Nam Cát Tiên và Nguồn sống được xét trao giải A thể loại mỹ thuật Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 4...

Kể ra danh sách những giải thưởng của tác giả Phạm Công Hoàng thì thật dễ, song để có được những thành quả đó là cả một quá trình lao động, sáng tạo bền bỉ. Có lần được thấy và nghe ông kể về quá trình thực hiện một tác phẩm gò kim loại mới thấy hết được sự tỉ mỉ, mất nhiều thời gian ra sao.

Nhìn đôi bàn tay với nhiều vết tích do búa đập trúng tay, vết hằn khi bị những phần nhôm cắt để lại, đôi tay loang lổ những màu vẽ mới biết người nghệ sĩ không chỉ có tâm hồn bay bổng mà còn kiêm luôn cả việc lao động chân tay không kém phần vất vả.

Nhưng sau khi mỗi tác phẩm hoàn thành, được công chúng đón nhận, hiểu được ý nghĩa truyền đạt là bao khó nhọc của tác giả tan biến. Ông kể, năm 2016 khi xem những hình ảnh thời sự về sự cố môi trường biển miền Trung trên báo chí, ông rất buồn và mong muốn cất lên tiếng nói kêu gọi sự chung tay bảo vệ môi trường.

Hơn 1 tháng sau thì tác phẩm Nỗi buồn làng biển (gò kim loại và gốm) của ông hoàn thành. Cũng trong năm đó, tác phẩm của ông được người xem lẫn giới chuyên môn đánh giá cao và đoạt giải C triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng.

Tác phẩm gò kim loại Điệp khúc Nam Cát Tiên (một trong 3 tác phẩm được xét trao giải A thể loại mỹ thuật Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần 4) là câu chuyện về những cánh rừng bạt ngàn đang được con người ra sức gìn giữ, bảo vệ khỏi nạn phá rừng trái phép khi ông có dịp đến đây tham quan.

“Nhạc sĩ có ca khúc, nhiếp ảnh có ảnh nghệ thuật... còn tôi chuyển tải câu chuyện theo cách cảm nhận của mình bằng những tấm kim loại, gốm, màu vẽ và công sức. Dù là tác phẩm nào tôi cũng cố gắng đưa thông điệp sống tích cực và diễn tả một cách gần gũi nhất để người xem dễ cảm nhận” - họa sĩ Phạm Công Hoàng cho hay.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  572,522       1/665