Nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Long Khánh, được biết đến với niềm đam mê lớn dành cho nhiếp ảnh. Nét đặc sắc trong mỗi tác phẩm của ông chính là những khoảnh khắc đẹp trong lao động, sinh hoạt đời thường.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Viết Đồng (trái) trao đổi cùng thành viên trong Câu lạc bộ nhiếp ảnh Long Khánh. Ảnh: V.TRUYÊN |
Ông đã đạt được nhiều giải thưởng lớn của Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Gần đây nhất là đạt giải A Giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015) với chùm tác phẩm: Phẫu thuật nội soi, Xét nghiệm máu, Dạy cháu khuyết tật tập đọc, Truy đuổi, Hỏa lực phòng không…
* Đam mê nhiếp ảnh
Nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng chia sẻ một bức ảnh về đời sống, về nghề nghiệp đẹp nếu không tôn trọng tính chân thực mà sắp xếp không thực với đời sống lao động sẽ tạo sự khiên cưỡng, gượng gạo, thiếu sức sống. |
Nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng có kinh nghiệm hơn 50 năm cầm máy. Ông gắn bó với nhiếp ảnh từ lúc còn là học sinh. Ngay từ khi mới cầm máy, ông đã xác định theo đuổi niềm đam mê trở thành “người kể chuyện bằng hình ảnh”. Suốt nhiều năm qua, ông đã rong ruổi trên xe máy đến nhiều địa điểm trong cả nước ghi lại những khoảnh khắc đẹp, những thao tác thú vị của nhiều công việc khác nhau.
Đến nay, ông đã tạo cho mình một bộ sưu tập ảnh hiếm ai có được về chủ đề về lao động và sinh hoạt đời thường. Điều làm nên giá trị của bức ảnh của ông chính là ông luôn tôn trọng tính chân thật. Theo nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng, để có được những bức ảnh đẹp phải bấm đúng những khoảnh khắc đẹp. Muốn vậy phải chịu khó quan sát, tìm hiểu kỹ hoạt động hàng ngày của công việc mình muốn chụp và phải kiên nhẫn đón đợi thời khắc đẹp nhất để bấm máy.
Nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng chia sẻ để có một bức ảnh đẹp, nếu không bàn về kỹ thuật chụp ảnh thì chỉ đi thôi là chưa đủ mà cần có sự may mắn, cái duyên và không nản chí vì đôi khi phải chấp nhận ra về tay trắng. Ông nhớ lại, có lần ông cùng 2 người bạn đến Vườn quốc gia Cát Tiên để săn ảnh bò tót. Nghe anh em kiểm lâm kể chuyện bò tót tầm từ 16-18 giờ chiều thường xuất hiện tại bìa rừng. Vậy là từ 15 giờ chiều ông cùng bạn chia nhau leo lên cây cao ở bìa rừng để chờ. Đợi đến gần 19 giờ không thấy bóng dáng bò tót đâu, chỉ có vắt, muỗi bu đầy người.
Tác phẩm Dạy cháu khuyết tật tập đọc đoạt Giải A, giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015) của nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Viết Đồng. |
* Truyền lửa nghề
Không chỉ là một lão làng của nhiếp ảnh Đồng Nai, nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng còn được biết đến là người có công lớn trong việc gầy dựng phong trào nhiếp ảnh của TX.Long Khánh phát triển sôi nổi như hiện nay, cũng như đóng góp công sức chung vào sự phát triển nhiếp ảnh Đồng Nai.
Đầu những năm 90, nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng đã tham gia chụp ảnh dịch vụ tại Nhà văn hóa Xuân Lộc (nay là Trung tâm Văn hóa - thể thao TX.Long Khánh). Ông luôn nung nấu ý định tạo ra một sân chơi để tập hợp người sử dụng máy ảnh ở địa phương nhằm trao đổi nghiệp vụ và cũng là cống hiến cho cộng đồng những bức ảnh đẹp.
Cũng từ đó, ông bắt đầu tham gia tổ chức các cuộc triển lãm ảnh hàng năm tại đây, đưa Long Khánh là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức được các cuộc triển lãm ảnh. Đến năm 1993, mong ước này của nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng đã thành hiện thực khi ông cùng một vài người bạn thành lập Câu lạc bộ nhiếp ảnh Long Khánh. Để nâng cao tay nghề của anh em trong câu lạc bộ, ông đã mời các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đến từ TP.Hồ Chí Minh về giao lưu trao đổi kinh nghiệm sáng tác.
Với tính cách phóng khoáng, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chụp ảnh với mọi người nên nhiếp ảnh gia Bùi Viết Đồng rất được được bạn bè, đồng nghiệp quý mến. Ông Đỗ Văn Cư, thành viên Câu lạc bộ nhiếp ảnh Long Khánh, cho biết: “Nhờ anh Đồng hướng dẫn mà tôi hiểu sâu hơn về nhiếp ảnh để có thể tự chụp ra những bức hình đẹp. Anh cũng là người truyền ngọn lửa đam mê nhiếp ảnh cho mọi người, nhất là những thành viên trẻ tuổi”.
Văn Truyên