Qua 2 năm thực hiện, đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.Hồ Chí Minh) đã trở thành điểm đến quen thuộc cho người yêu sách. Đây không chỉ là không gian đọc sách miễn phí mà còn phát huy tác dụng rất lớn trong việc phát hành các ấn phẩm sách, trao đổi mua bán sách các loại...
Qua 2 năm thực hiện, đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.Hồ Chí Minh) đã trở thành điểm đến quen thuộc cho người yêu sách.
Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.Hồ Chí Minh) luôn có bạn đọc lui tới tham quan, tìm mua sách, đọc sách. Ảnh: V.TRUYÊN |
Đây không chỉ là không gian đọc sách miễn phí mà còn phát huy tác dụng rất lớn trong việc phát hành các ấn phẩm sách, trao đổi mua bán sách các loại với doanh thu năm 2016 đạt trên 27 tỷ đồng.
* Tôn vinh văn hóa đọc
TP.Hồ Chí Minh là địa phương đi tiên phong trong việc tổ chức đường sách. Thủ đô Hà Nội cũng vừa chính thức đưa đường sách vào hoạt động trong dịp lễ 30-4 vừa qua. Hy vọng Đồng Nai sẽ sớm có một đường sách dành riêng cho các hoạt động về sách để góp phần tôn vinh văn hóa đọc như tinh thần của Thủ tướng Chính phủ khi lấy ngày 21-4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. |
Đường sách Nguyễn Văn Bình có sự tham gia của 20 đơn vị, tương ứng với 20 gian hàng. Ngoài các gian hàng sách, tại đây còn có không gian cà phê sách dùng trong hoạt động tọa đàm, giới thiệu sách cùng một số gian hàng ăn uống.
Nằm liền kề với những địa điểm du lịch nổi tiếng của TP.Hồ Chí Minh thường xuyên tập trung người dân đến sinh hoạt, du lịch, như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.Hồ Chí Minh, Dinh Thống Nhất... nên hàng ngày đường sách Nguyễn Văn Bình có rất đông người lui tới tham quan. Khi đến đây, người đọc có thể tìm thấy những tác phẩm văn chương mới phát hành hay những sách có năm xuất bản đã rất lâu, nhiều cuốn trong số này được xếp vào diện sách xưa.
Bạn đọc chọn mua sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình. |
Không chỉ đa dạng về thể loại, số lượng sách, đường sách Nguyễn Văn Bình còn hút người đọc đến sinh hoạt bởi không gian thoáng mát, không tiếng ồn ào náo nhiệt của các phương tiện giao thông cùng cách bài trí đẹp mắt. “Người mua sách hiện nay có nhiều cách, như: đến các nhà sách có gắn điều hòa mát lạnh và sạch sẽ, hoặc đặt hàng online để được giao hàng tận nhà. Nhưng tôi vẫn chọn đến với đường sách Nguyễn Văn Bình vì nơi đây thật sự là một không gian dành riêng cho sách và người đọc sách. Ngoài ra, địa điểm này còn là nơi lý tưởng đi dạo mát, chụp ảnh với sách và cho nhiều bức ảnh đẹp” - Nguyễn Thị Minh Thùy (sinh viên Trường đại học Sài Gòn) nói.
Ngoài việc tạo ra một không gian dành riêng cho sách và người yêu sách, những hoạt động quảng bá, giới thiệu sách mới, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, nói chuyện về sách của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa cũng thường xuyên được thực hiện tại đây. Không ít người đến từ Đồng Nai, như trường hợp nhà văn - nhạc sĩ - bác sĩ Vũ Minh Đức (cựu học sinh Trường THPT Ngô Quyền, TP.Biên Hòa) từng tổ chức buổi ra mắt sách Sài Gòn chữ vội trên vai tại đường sách Nguyễn Văn Bình. Nhà văn - nhạc sĩ - bác sĩ Vũ Minh Đức cho hay: “Việc chọn giới thiệu sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình rất thích hợp vì đây là một không gian mở, không chỉ có khách mời trực tiếp tham dự mà những ai khi đến đường sách đều có thể lắng nghe những chia sẻ của người khác, đặt câu hỏi cho ban tổ chức để cùng nhau tiếp nhận thông tin bổ ích. Điều này cũng giúp cho các tác giả tiếp cận được nhiều lứa tuổi bạn đọc khác nhau, thay vì chỉ gói gọn trong một hội trường với những người bạn thân quen”.
* Nghĩ về một đường sách ở Đồng Nai
Sau một thời gian hoạt động, đường sách Nguyễn Văn Bình đang phát huy hiệu quả rất tốt và trở thành cái tên quen thuộc trong lòng người yêu sách không chỉ của TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Theo số liệu được ban tổ chức đường sách Nguyễn Văn Bình là Sở Thông tin - truyền thông TP.Hồ Chí Minh và Hội Xuất bản Việt Nam (văn phòng đại diện phía Nam) công bố thì trong năm 2016, đường sách Nguyễn Văn Bình đã có doanh thu đạt 27 tỷ đồng. Đây quả là một con số ấn tượng và làm các văn nghệ sĩ, nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách tại Đồng Nai - nơi có thị trường sách sôi động và còn rất tiềm năng - đang mơ ước. Bởi dù hàng năm tại Đồng Nai luôn có các hoạt động triển lãm sách phục vụ miễn phí người dân, nhưng thực tế chỉ ngày đầu tiên có người đọc còn sau đó thì vắng lặng, những người làm sách tự “chơi” với nhau. Nếu có buổi giới thiệu sách nào được tổ chức thì cũng chỉ có những người trong nghề tham dự trong một không gian kín (hội trường), sách in xong chủ yếu là tặng.
2 năm qua, Thư viện Đồng Nai đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình không gian dành cho sách. ở đó có thêm các hoạt động mua bán, trao đổi sách thay vì chỉ phục vụ đọc sách miễn phí như trước đây. Việc làm này không chỉ được người dân hưởng ứng với số lượng người tham gia khá đông mà cả những đơn vị kinh doanh sách, nhà xuất bản sách, như: hệ thống các nhà sách của Fahasa tại Đồng Nai, nhà sách Nguồn Sáng, Nhà xuất bản Đồng Nai, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên... chú ý đến mô hình này. Theo ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Thư viện Đồng Nai, mô hình không gian dành cho sách đã tạo sự mới mẻ, hấp dẫn hơn cho người tham dự, thu hút nhiều đơn vị cùng tham gia thay vì chỉ có hệ thống thư viện, các hoạt động liên quan đến sách cũng được tổ chức nhiều hơn.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn và chưa có địa điểm cố định (năm 2016 tổ chức tại TP.Biên Hòa, còn năm 2017 thì tại TX.Long Khánh) đã làm người đọc lúng túng về thông tin của sự kiện. “Năm 2016, tôi tham gia tuần lễ sách ở Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh thấy rất hay vì khá sôi động khi có thêm việc mua bán trao đổi sách, giao lưu với tác giả thay vì chỉ có đến đọc sách như trước kia. Nhưng năm 2017, tôi biết Thư viện Đồng Nai tổ chức ở TX.Long Khánh thì hơi hụt hẫng vì không thể tham gia. Do vậy, tôi mong rằng thay vì tổ chức luân phiên nhiều địa điểm thì ban tổ chức nên thực hiện cố định một nơi, có thời gian nhất định để người dân đến hẹn lại tìm đến tham gia” - anh Nguyễn Văn Hiền (ngụ phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nói.
Văn Truyên