Lê Dương Bảo Lâm, chàng trai 28 tuổi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Long Thành, đang từng bước khẳng định tên tuổi của mình trong làng kịch ở TP.Hồ Chí Minh.
Lê Dương Bảo Lâm trong một tiểu phẩm hài |
Một trong những cơ duyên đưa anh đến với sân khấu kịch là sự nỗ lực vượt lên để đạt được danh hiệu quán quân chương trình Cười xuyên Việt năm 2015 do Đài PT-TH Vĩnh Long phối hợp cùng Công ty truyền thông Khang (Kmedia) thực hiện. Đây là cuộc thi tìm kiếm những tài năng mới trong lĩnh vực nghệ thuật hài trên toàn quốc.
* Bước ngoặc lớn trong đời
“Bảo Lâm nghĩ rằng muốn đạt được thành công, trước hết bản thân cần phải quyết tâm cũng như luôn nỗ lực theo đuổi đam mê. Lâm tin chắc rằng mọi cố gắng, nỗ lực đều sẽ được đền đáp. Vấn đề là ở chỗ, chính chúng ta có dám nghĩ dám làm, dám phá vỡ giới hạn của bản thân hay không, và quan trọng hơn là phải đặt ra cho mình nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống. Đối với Lâm, mục đích chính của mình là mang lại tiếng cười cho người khác, điều đó mới hạnh phúc nhất. Lâm hy vọng rằng không chỉ riêng Lâm mà tất cả mọi người nên trao nhau nhiều nụ cười trong cuộc sống, vì Lâm nghĩ tiếng cười là liều thuốc bổ vô cùng quan trọng mà ai cũng cần phải dùng”. |
Khi tham gia chương trình Cười xuyên Việt, Lê Dương Bảo Lâm được NSND Ngọc Giàu nhận xét: Bảo Lâm là người hội đủ nhiều yếu tố của một nghệ sĩ hài kịch, từ khả năng diễn xuất, sự sáng tạo trong ý tưởng kịch bản và có phong độ ổn định. Còn đạo diễn Lê Hoàng nhận định: “Những kỹ năng biểu diễn của Lê Dương Bảo Lâm rất hay, là cái khiếu mà không phải ai cũng có được”.
Để có được những nhận xét ấy, chàng trai trẻ Lê Dương Bảo Lâm đã phải trải qua nhiều gian truân, cơ cực với bao mồ hôi và nước mắt. Với đam mê được làm diễn viên từ bé nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, Bảo Lâm đã không tiếp tục đi học mà phải bươn chải kiếm sống bằng nghề múa lửa và lấy đó làm bước đệm để bước vào nghệ thuật. Khi biết anh vẫn theo mộng làm diễn viên, gia đình đã rất lo lắng và khuyên đừng theo con đường nghệ thuật vì sợ anh khổ.
Bảo Lâm nhớ lại: “Hồi đó, tôi chọn múa lửa vì mê được đứng trên sân khấu, được mang lại niềm vui, tiếng cười cho khán giả. Có show ở đâu là tôi cũng nhận. Tôi thường xuyên rong ruổi xa nhà, làm việc đêm hôm, có nhiều khi phải ngủ lại dưới sàn sân khấu. Những lúc cơ cực ấy, chính ngọn lửa đam mê diễn kịch, được một lần đứng trên sân khấu kịch đã giúp tôi sống lạc quan hơn”.
Anh liên tục tìm kiếm những cơ hội xuất hiện trên truyền hình bằng việc tham gia các gameshow trong nhiều vai trò khác nhau, có lúc là người tham gia nhưng có lúc lại chỉ là một diễn viên quần chúng. Anh quan niệm, muốn thành công thì bản thân mỗi người nhất định phải nỗ lực và phải đi đến cùng ước mơ. Nhớ lại những ngày tham gia chương trình Cười xuyên Việt, Bảo Lâm cho rằng: “Tôi cảm ơn chương trình vì đã cho tôi cơ hội cháy hết mình trên sân khấu”.
* Sẽ đưa hài kịch về Đồng Nai
Sau khi đăng quang, cuộc đời của Lê Dương Bảo Lâm đã bước sang một trang mới khi có nhiều cơ hội đến với anh. Gần 2 năm qua, Lê Dương Bảo Lâm đã trở thành gương mặt quen thuộc trên truyền hình qua nhiều gameshow được nhiều khán giả yêu thích, như: Sàn đấu danh hài, Ai cũng bật cười, Hội quán tiếu lâm... Anh được diễn xuất ở nhiều sân khấu lớn và dần tạo được chỗ đứng của mình trong lòng khán giả bằng lối diễn dí dỏm, hài hước, tự nhiên.
Lê Dương Bảo Lâm cho rằng, hiện anh vẫn đang thử sức mình với nghệ thuật. May mắn được đứng trên các sân khấu lớn của TP.Hồ Chí Minh, được làm việc và diễn chung với các nghệ sĩ có tên tuổi đã giúp anh hình thành và phát triển lối diễn chuyên nghiệp hơn. Anh vẫn xác định thế mạnh của mình là hài kịch và sẽ phát triển con đường nghệ thuật theo hướng này. Sắp tới, Bảo Lâm sẽ tham gia một vở kịch dài dành cho thiếu nhi có tên Hoàng tử, công chúa và 9 vị thần bị bắt; tham gia gameshow: Cặp đôi hài hước, Sinh ra để tỏa sáng…
Nói về quê hương Đồng Nai, Lê Dương Bảo Lâm chia sẻ: “Đồng Nai là tỉnh có kinh tế phát triển nhưng hiện nay đời sống tinh thần của người dân vẫn chưa đa dạng, phong phú nên còn ít các chương trình nghệ thuật đặc sắc được tổ chức tại tỉnh. Trong khi đó, nhu cầu của người dân không phải không có vì Bảo Lâm vẫn thường gặp nhiều khán giả từ Đồng Nai đi lên TP.Hồ Chí Minh xem kịch. Do đó, Bảo Lâm luôn nung nấu trong lòng ước muốn thành lập một quán cà phê kịch và sân khấu kịch phục vụ khán giả quê nhà để người yêu nghệ thuật không phải đi xa”.
Duy Phong