Văn hóa

"Cụ" dầu quý hiếm

Tại chùa Hoàng Ân (ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) hiện có một cây dầu cổ thụ được các cụ cao tuổi cho biết đã trồng từ rất lâu đời. Theo ni sư trụ trì chùa Thích Nữ Huệ Tâm, Hoàng Ân là ngôi cổ tự vì đã được gần 300 năm tuổi, khi tạo dựng chùa Hoàng Ân (năm Kỷ Dậu 1729) thì trong khuôn viên đã có nhiều cây dầu mọc sẵn.

Ảnh: T.Nga
Cây dầu cổ thụ ở chùa Hoàng Ân cao to thẳng tắp, xanh tươi tràn đầy sức sống. Ảnh: T.Nga

Trải qua bao dâu bể, đến nay trên đất chùa chỉ còn duy nhất “cụ” dầu quý hiếm này.

Cây dầu cổ thụ ước cao hơn 80m, thân thẳng tắp, lá xanh xum xuê, đường kính của cây 3 vòng tay người lớn ôm không xuể. Ni sư Thích Nữ Huệ Tâm cho rằng “cụ” dầu này đặc trưng cho một loài cây có từ rất sớm trên mảnh đất Biên Hòa, tại đây rất nhiều thế hệ người dân đã đến sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo dưới bóng mát của gốc dầu cổ thụ. Nhiều du khách đến vãn cảnh chùa đã rất ngạc nhiên và thích thú khi thấy cây dầu nhiều năm tuổi vẫn tràn đầy sức sống. Cũng từ gốc cây cổ thụ này, đã khơi gợi du khách thập phương những hứng thú tìm hiểu về nguồn gốc và quá trình hình thành, phát triển cùng nét văn hóa đặc sắc của vùng đất cù lao Phố.

Thời gian qua, để bảo vệ “cụ” dầu, nhà chùa và nhân dân địa phương luôn chăm sóc cây rất chu đáo, tuyệt đối không cho ai xâm phạm vào thân cây. “Mới đây, Nhà nước đã đầu tư lắp đặt cột thu lôi và đường truyền với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng để bảo vệ cây dầu cổ thụ này. Nhờ vậy, trong những năm qua mặc dù liên tục hứng chịu mưa bão, sấm sét nhưng cây vẫn không bị ảnh hưởng gì” - ni sư Huệ Tâm phấn khởi cho biết thêm.

Ni sư Thích Nữ Huệ Tâm cũng bộc bạch: “Người dân địa phương và du khách khi đến tham quan chùa đều thắc mắc, cây dầu cao to lâu đời và đã gắn bó với bao thế hệ ở cù lao Phố đến nay chính xác bao nhiêu tuổi? Điều này vẫn chưa được các cơ quan chức năng nghiên cứu. Nếu được các nhà khoa học tìm hiểu kỹ loài gen và tuổi của “cụ” để công bố rộng rãi thì sẽ có giá trị lớn về văn hóa, giáo dục, lịch sử, xã hội, sinh thái, du lịch. Đặc biệt, nếu cây dầu cổ thụ này hội đủ tiêu chí thì nên sớm lập hồ sơ gửi Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam để được công nhận là cây di sản Việt Nam”.

Chùa Hoàng Ân sở hữu kiến trúc tiêu biểu của chùa ở Nam bộ xưa và có giếng cổ. Nếu cây dầu cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam sẽ không chỉ là niềm tự hào cho nhà chùa và nhân dân địa phương. Đây sẽ là địa điểm lý tưởng thu hút khách du lịch, đồng thời qua đó giáo dục thế hệ trẻ về quê hương, xứ sở cũng như nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Đầu năm 2017, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công bố 2.671 cây cổ thụ đạt tiêu chuẩn cây di sản ở Việt Nam. Tiêu chí được xếp loại cây di sản Việt Nam căn cứ theo thể loại và tuổi. Trong số này, ở miếu Trịnh Phong, thôn Phú Nam, xã Diên An (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) có cây dầu rái với chu vi thân là 8,7m, độ tuổi chừng 300 năm; cây gạo ở đền Kỳ Sầm, thuộc xóm Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) trên 200 năm tuổi, chu vi 3,25m, đường kính 1,38m, cao 35m; 2 cây đa hơn 200 năm ở đền Đồn Riêng, phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh, TP.Hải Phòng)… Như vậy, “cụ” dầu ở chùa Hoàng Ân (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cần được lập hồ sơ trình Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam để được xét công nhận là cây di sản Việt Nam.

Thanh Nga

Đồng Nai

© 2021 FAP
  719,650       1/606