Người rời Hà Nội từ lúc cuối đông, một chiều mưa rét, một đêm gió nổi. Hà Nội như một điểm hẹn, người đến rồi đi như một phần công việc, một phần cuộc sống. Đôi khi, chỉ có thể là đôi khi, trong những nhịp trầm giữa đời sống sôi động, người vội ghi lại một kỷ niệm trong xa vắng, đơn côi.
Người rời Hà Nội từ lúc cuối đông, một chiều mưa rét, một đêm gió nổi. Hà Nội như một điểm hẹn, người đến rồi đi như một phần công việc, một phần cuộc sống. Đôi khi, chỉ có thể là đôi khi, trong những nhịp trầm giữa đời sống sôi động, người vội ghi lại một kỷ niệm trong xa vắng, đơn côi.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: Internet |
Người rời đi, rồi những bước chân cứ hướng về những nẻo đời bộn bề, vang động, chỉ kịp ghi nhớ trong tim một chuyến đi đầy giá rét. Vậy mà chiều ấy, ở phương Nam nắng ấm, nghe tin nhạc sĩ Hoàng Dương, người viết ca khúc Hướng về Hà Nội đã qua đời, chợt Hà Nội ùa về như một phần thương nhớ đến lạ thường.
Tiết trời mùa xuân chợt hơi se lạnh. Người đang trong tâm trạng thương nhớ ấy lục tung những đĩa nhạc mình đang có, mở lại các trang mạng để nghe ca khúc Hướng về Hà Nội, để tìm lại một chút đồng cảm với người nhạc sĩ tài hoa. Hoàng Dương đặt bút viết nên nét nhạc trong tình yêu, nỗi nhớ, trong tháng năm tuổi trẻ xanh ngời đầy khát khao hạnh phúc. Người đã biết bao lần nghe bài hát ấy, như đã từng đọc Hoàng Cầm của Bên kia sông Đuống để nhớ mãi những “gương mặt búp sen”, “cười như mùa thu tỏa nắng” (dù chưa được sống ở sông Đuống). Trong tiềm thức, Hướng về Hà Nội được xếp chung vào kho tàng của “đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm” (Quang Dũng), của “hoàng hôn trong mắt trong” (Thâm Tâm)... Lắng nghe khúc nhạc, ngâm ngợi những câu thơ, để hồn tiếp tục lạc vào những câu Kiều, để nhớ về hình bóng thi nhân ẩn hiện trong lời thơ, tiếng nhạc…
Và lạ, qua một loạt những tiếng hát khác nhau, từ NSND Lê Dung, ca sĩ Thanh Lam, Tuấn Ngọc, Lan Anh, rồi Thu Phương, Minh Đức, Quang Dũng… những nỗi buồn đẹp đẽ, những khát vọng ròng nguyên càng lúc càng thấm sâu vào trái tim. Những nhịp đập trả lại cuộc sống nguyên bản cho một con người rất đỗi bình thường có những tháng ngày sống ở Hà Nội; hay một cách nói khác: bài hát nhân văn, trong sáng đã lay động trái tim người. Tâm trí, hồn vía không thể dừng lại được những suy tư, cảm nghiệm, như được sống một đời sống thực, và ray rứt bởi câu hỏi:
Hà Nội ơi, phố phường rải ánh trăng mơ
Liễu mềm nhủ gió ngây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ…
Người nghệ sĩ ra đi để lại một khoảng trống vô hình. Mùa xuân phương Nam, như có một thoáng mùa xuân Hà Nội, trong tâm tưởng, một mùa tươi mới, tinh khôi, như đã ở đâu đó sẵn trong tim và sẽ ở lại cùng năm tháng… Và chợt nhớ câu thơ của Văn Cao, với một khoảnh khắc mùa xuân trở thành vĩnh cửu:
Em ở đây với anh
Cho bớt lạnh sớm mùa xuân náo nức.
(Năm buổi sáng không có trong sự thật).
Trần Thu Hằng