Với nền văn minh nông nghiệp, người Việt thường hành hương đến những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vào đầu mùa xuân.
Những lễ hội ở Việt Nam rất nhiều, theo thống kê hiện nay cả nước có gần 8 ngàn lễ hội lớn nhỏ, hầu hết gắn với các cơ sở đền, đình, miếu, chùa, phủ… ở khắp nơi. Gắn với những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là những hoạt động của lễ nghi, hội hè mà mỗi vùng, miền, cộng đồng đều có những nét độc đáo.
Khai ấn đình Xuân Lộc (TX.Long Khánh). Ảnh: Trương Phát |
Xưa đã thành nếp, nay có nhiều biến đổi, dịch chuyển nhưng hoạt động hành hương nhất là trong tháng Giêng vẫn được duy trì trong sinh hoạt của người Việt. Không chỉ còn bó hẹp đơn thuần trong cuộc sống của nông nghiệp mà đang thời của đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhiều thay đổi về môi trường sinh hoạt, xã hội… nhưng những chuyến hành hương trong dịp đầu năm mới của người Việt vẫn được duy trì trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Những chuyến hành hương gợi lên bao điều suy nghĩ.
Những thành ngữ “Ba ngày tết, bốn ngày xuân” hay “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” chỉ phản ánh sau những thời gian bận rộn, mệt nhọc với đồng áng, người Việt dành cho mình cái phép để xả hơi và vui chơi. Xét về góc độ nào đó, đây là thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động sau quá nhiều lo toan, công sức dành cho những vụ mùa trước đây, hay sau một năm cật lực làm việc đầu tắt, mặt tối để có đủ chi phí cho cuộc sống thường nhật. Thế nhưng trong cái vui chơi đó, người Việt không quên hành hương đến những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện những hành vi tín ngưỡng, cầu ước những điều tốt đẹp cho cá nhân, cộng đồng.
Đồng Nai - Gia Định xưa, nay là cả vùng đất rộng lớn với nhiều tỉnh, thành đang trở mình phát triển. Nhiều địa phương hiện đang có nhiều di tích lịch sử mà trong đó loại hình cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chiếm số lượng khá nhiều. Dẫu có nhiều thay đổi với từng giai đoạn lịch sử đã qua, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vẫn đáp ứng cho đời sống tâm linh của con người từ thời mở đất về phương Nam cho đến thời kỳ phát triển hiện nay. Không chỉ người miền quê mà cả người của phố thị tùy theo tín niệm của mình, chọn những nơi đến trong một dịp đầu xuân.
Thời đại của khoa học - công nghệ chỉ cần cái nhấp chuột hay những thao tác đơn giản, con người có thể “biết thông tin” về tương lai từ những lập trình có sẵn, xem sao, xem bói, vận hạn cho cả cuộc đời… không thiếu một thứ gì trên internet. Thậm chí, dung mạo sẽ ra sao khi già đi, đến cả bia mộ viết gì, cả kiếp sau làm gì… Có điều những công nghệ như thế chỉ cuốn hút nhiều người thử chơi cho biết, cho vui chứ con người vẫn đặt niềm tin vào nơi thế giới siêu nhiên được tôn thờ, ngự trị. Vì vậy, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đầu xuân vẫn nườm nượp người vào người ra, không phân biệt giới tính, màu da, tuổi tác, thành phần xã hội, điều kiện kinh tế… Con người dường như vẫn thấy bất an dù có đầy đủ cơ sở vật chất hay điều kiện để sống. Nỗi bất an đó họ cần đến một thế lực siêu nhiên đáng tin tưởng để giãi bày, trình khấn và cầu mong.
Thế là hành hương diễn ra từ cá nhân hay gia đình, từng nhóm người trong làng, thôn, xã, ấp, phường… và cả những nhóm xã hội. Hành hương trong tín ngưỡng và kết hợp tham quan du lịch. Nhờ đó, một phần truyền thống của tập tục được gìn giữ, lưu truyền dù có nhiều cái giản lược, khác xưa và cả cái bày vẽ thêm trong thời hiện đại. Thậm chí, những hủ tục một thời được loại dần nay bỗng có đất sống lại bởi một số người vẫn còn mê tín. Nhiều nơi còn có cả đội ngũ chuyên kinh doanh với việc khấn thuê cho người hành hương rồi chém chặt giá bán hàng, lừa đảo… sinh ra mấy thứ tệ nạn. Người hành hương đông đảo, người trẩy hội nhiều với muôn vàn lý do nên không ít người nhiều lúc cũng bất chấp nơi tôn nghiêm bằng mọi cách thực hiện những hành vi vượt quá những chuẩn mực ứng xử. Đó là chưa nói đến những nơi lợi dụng tâm lý của người hành hương để “buôn bán thần thánh”, tìm cách thu lợi bất chính, tạo nên những phản cảm đối với phong tục, truyền thống văn hóa.
Tháng Giêng năm nay rồi vẫn có những cuộc hành hương đến nhiều nơi của nhiều người. Xứ Biên Hòa - Đồng Nai đầu xuân có những lễ hội kéo dài, thu hút nhiều người hành hương, như: chùa núi Chứa Chan, Thất Phủ cổ miếu, chùa Bửu Phong… Hành hương là một nét đẹp trong sinh hoạt của con người và đặc biệt trong đời sống tâm linh. Nét đẹp ấy làm sao để không bị vẩn đục, không bị chê trách, không bị phê phán? Những nơi hành hương cũng cần tổ chức để giữ nơi thờ tự được tôn nghiêm, nơi trẩy hội dù có “tả tơi” náo nhiệt thì cũng với tinh thần cao thượng chứ không phải là bạo lực như kiểu cướp, đánh, giành giật, xô bồ, hỗn loạn, thất thủ… ở một số địa phương như đã từng xảy ra bởi vì chút lộc được cho là của thần linh. Hành hương, trẩy hội vui xuân là hướng đến tâm thiện lành, cầu ước những điều tốt đẹp và thực hiện thiện nguyện đối với người, với cộng đồng, với đất nước, với truyền thống dân tộc trong tín niệm, mỹ tục được lưu truyền từ bao đời nay.
Phan Đình Dũng