Văn hóa

Ươm mầm thơ trẻ

Cùng với các cây viết lão làng, "khu vườn" văn chương Đồng Nai ngày càng có nhiều người trẻ yêu thơ, văn đang góp sức tạo nên những "bông hoa" nghệ thuật tươi mới, đầy sức sống cho đời.

Cùng với các cây viết lão làng, “khu vườn” văn chương Đồng Nai ngày càng có nhiều người trẻ yêu thơ, văn đang góp sức tạo nên những “bông hoa” nghệ thuật tươi mới, đầy sức sống cho đời.

Ban tổ chức Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò lần thứ VII - 2016 khen thưởng học sinh, sinh viên tham gia trại có tác phẩm chất lượng. Ảnh: V.TRUYÊN
Ban tổ chức Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò lần thứ VII - 2016 khen thưởng học sinh, sinh viên tham gia trại có tác phẩm chất lượng. Ảnh: V.TRUYÊN

Những cây bút mới ở Đồng Nai không tự bơi, tự cày bừa trên “dòng sông”, “cánh đồng” nghệ thuật mà được hướng dẫn tận tình bởi những văn nghệ sĩ có kinh nghiệm, giàu tâm huyết. Nhờ vậy, những học sinh, sinh viên, thanh niên yêu thơ, văn không chỉ được tiếp cận, tìm hiểu, rèn luyện, sáng tác thơ, văn mà còn được giới thiệu tác phẩm đến với công chúng.

Khuyến khích người trẻ yêu thơ

Chiều nay 11-2, tại Văn miếu Trấn Biên, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp cùng Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XV, Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai lần thứ III-2017.

Hơn 7 năm nay,  Trại sáng tác thơ, văn tuổi học trò do Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở GĐ-ĐT và Nhà thiếu nhi Đồng Nai tổ chức đã là một sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên có năng khiếu văn thơ trong tỉnh. Từ đây, có nhiều học sinh đã được phát hiện và phát triển năng khiếu, tình yêu với thơ, văn. Đơn cử, như cây viết trẻ Võ Anh Vũ, hiện là sinh viên năm cuối Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, người có 6 lần tham gia Trại sáng tác thơ, văn tuổi học trò, đã sáng tác được nhiều tác phẩm đăng trên tạp chí văn nghệ của tỉnh. “Đến với trại sáng tác thơ, văn, tôi được đi thực tế để tìm hiểu tư liệu sáng tác, làm giàu thêm vốn sống, sự hiểu biết của bản thân. Đặc biệt, những bài viết của tôi được các nhà thơ, nhà văn có kinh nghiệm góp ý, gợi mở để tôi sửa cho hay hơn, sâu hơn, lô-gíc hơn nên tôi tiến bộ rất nhanh” - Võ Anh Vũ nói.

Không chỉ học sinh, sinh viên mà cả những người yêu thơ là giáo viên, công chức, viên chức... cũng luôn được Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động rèn luyện sáng tác, đi tham gia thực tế, nghe nói chuyện chuyên đề về sáng tác và đã cho ra nhiều “quả ngọt”. Như nhà thơ trẻ Hạnh Vân (tên thật Phạm Thanh Vân), thạc sĩ lịch sử hiện đang giảng dạy tại Trường THPT Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu) đã sáng tác cả thơ lẫn văn xuôi và có nhiều thơ, truyện ngắn đăng báo. Nhiều sáng tác của Hạnh Vân được chú ý, như: tập thơ Ru miền cổ tích, chùm thơ về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Hạnh Vân, chia sẻ chính nhờ được sự giúp đỡ, dìu dắt, góp ý của các nhà văn, nhà thơ của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai mới giúp cây bút nữ này đạt được những thành quả bước đầu đến với thơ văn.

Để khuyến khích sáng tác thơ, văn, trong các ấn phẩm của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đều có chuyên mục dành riêng cho những cây viết trẻ. Cụ thể, như: trên Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai phát hành 2 tháng một kỳ, đã dành riêng chuyên mục Văn nghệ trẻ để đăng tải những sáng tác từ Trại sáng tác thơ, văn tuổi học trò.  Ngoài ra, Ban tổ chức Trại sáng tác thơ văn tuổi học trò của tỉnh còn cho ra mắt tuyển tập những sáng tác có chất lượng của người tham gia trại mỗi năm một lần. Từ đó giới thiệu rộng rãi đến nhiều đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên tại các trường trong tỉnh.

Và xây dựng cây viết kế thừa

Đồng Nai có nhiều  “sân chơi” cho thơ, văn và luôn tạo nhiều cơ hội cho các cây viết trẻ tỏa sáng. Trong đó, phải kể đến  chương trình Đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra vào tối 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Tại đây, Ban tổ chức là Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai còn lựa chọn sáng tác có chất lượng của học sinh, sinh viên, cây viết trẻ tuổi để giới thiệu đến công chúng. Trong năm 2014, bài thơ Gửi anh người chiến sĩ Trường Sa  của Nguyễn Hữu Trung (ngụ khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) và bài thơ Thời gian của Huỳnh Nguyễn Thanh Ngân, cựu học sinh Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa) đã được góp mặt trong đêm thơ Nguyên tiêu và gây được xúc động mạnh với người nghe. “Còn gì vui và tự hào bằng việc thơ mình viết ra được giới thiệu chung với sáng tác của các nhà thơ, nhà văn lớn trong một sự kiện trọng đại. Vinh dự này càng thôi thúc tôi tiếp tục sáng tác nên những tác phẩm có chất lượng” - nhà thơ Hạnh Vân nói.

Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Hoàng Ngọc Điệp bày tỏ sự phấn khởi khi càng có nhiều người trẻ có nhiệt huyết, có tình yêu với văn chương. Qua những hoạt động thiết thực mà Hội đã triển khai nói trên đều với mong muốn khuyến khích được mỗi cây viết trẻ tìm tòi, đào sâu để phát huy thế mạnh viết lách của bản thân. Và thực tế, nhiều hội viên trẻ đã được kết nạp vào Hội, nhiều tác phẩm của học sinh, sinh viên có chất lượng đã ra đời.

Bà Hoàng Ngọc Điệp chia sẻ:  “Với người trẻ được kết nạp, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai vẫn tiếp tục được hướng dẫn, góp ý. Nhất là định hướng sáng tác cho mỗi người để tác phẩm phản ánh được hơi thở cuộc sống, làm đẹp cho đời chứ không dùng câu chữ làm người khác nhìn xã hội bằng mảng màu tối. Riêng đối với các cây viết là học sinh, sinh viên, tuy Hội chưa kết nạp vào tổ chức nhưng chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để các em phát huy thế mạnh của bản thân; đặc biệt là khuyến khích các em viết về những điều gần gũi trong cuộc sống gia đình, bạn bè, mái trường, tình bạn... phù hợp với bản thân mỗi người”.

Với những gì mà nhiều đơn vị có trách nhiệm đang thực hiện, tin chắc rằng trong tương lai với những nhân tố mới, trẻ, giàu sức sáng tạo, khu vườn thơ, văn Đồng Nai sẽ tiếp tục tỏa sáng, tươi mới, góp phần làm đẹp, tỏa hương cho đời.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  766,938       1/1,040