Nếu cách đây vài năm, các chương trình hài luôn "làm mưa làm gió" trên truyền hình thì hiện cơn sốt này đã giảm nhiệt.
Nếu cách đây vài năm, các chương trình hài luôn “làm mưa làm gió” trên truyền hình thì hiện cơn sốt này đã giảm nhiệt.
Một số chương trình hài đang được phát sóng trên truyền hình (ảnh: nguồn facebook chương trình Làng hài mở hội! và Đấu trường tiếu lâm). |
Có nhiều lý do làm nên sự giảm nhiệt này, trong đó kịch bản được xào nấu nhiều lần, ít có sự sáng tạo mới; các gương mặt ngồi ghế nóng cũng kém sức hút do xuất hiện dày đặc...
Khi hài không còn là lựa chọn
Khá nhiều tiểu phẩm, tình huống hài hiện nay thường diễn lại các kịch bản cũ dễ khiến khán giả không thể bật cười vì đã quen thuộc... “Những buổi phát đầu tiên thì các gameshow: Kỳ tài thách đấu, Ơn giời cậu đây rồi!, Làng hài mở hội, Ai cũng bật cười... đều có những tình huống hài, kịch bản tiểu phẩm mới nên coi rất hấp hẫn. Nhưng vài số sau thì các diễn viên, thí sinh sử dụng lại nguyên xi từ câu thoại trong các tiểu hài của Hoài Linh - Chí Tài, Vân Sơn - Bảo Liêm, Quang Minh - Hồng Đào... trước đây nên không còn gây được hứng thú, mới lạ cho người xem, mà ngược lại khiến người xem thấy chán và chuyển kênh” - khán giả xem truyền hình Phạm Thị Hoa (ngụ KP.1, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) nói.
Ngoài ra, việc các thí sinh dự thi chương trình hài, giám khảo hay khách mời của gameshow hài giả gái quá nhiều cũng làm người xem cảm thấy nhàm và khó chịu. Như trong tập 14 của Đấu trường tiếu lâm phát sóng vào tháng 7-2016 vừa qua, trong vở cải lương Tình anh bán chiếu, nam thí sinh Thanh Phong đã giả gái cùng bạn diễn ca cải lương. Tiết mục này bị chính 5 giám khảo Trấn Thành - Trường Giang - Đức Thịnh và Thu Trang - Tiến Luật chê dở và tạo hình không phù hợp. Vậy mà không hiểu sao khi thực hiện cảnh quay, đơn vị sản xuất không loại ra mà để lên sóng truyền hình.
Đặc biệt, việc quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu gương mặt nghệ sĩ hài vừa làm giám khảo vừa là thí sinh, khách mời của chương trình hài cũng đang gây ra sự nhàm chán cho người xem. Riêng 2 gương mặt Trấn Thành - Trường Giang xuất hiện đến 15 chương trình trong một tuần là một ví dụ. Khán giả Lương Thị Hoài Tâm (ngụ KP.1, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) bình luận. “Giờ mở tivi hay lên youtube là thấy Hoài Linh, Chí Tài, Việt Hương, Trấn Thành, Trường Giang... Thời gian đầu xem còn thú vị, giờ mở lên là thấy chán và muốn chuyển qua chương trình khác. Bởi xem nhiều quá thì thấy ngán vì ở chương trình nào, nghệ sĩ đó cũng chỉ có bấy nhiêu chiêu trò chọc cười khán giả”.
Khán giả mong muốn gì?
Trước thực tế hay - dở mà những chương trình hài mang lại như hiện nay, khán giả xem đài đang rất cần những chuyển biến mới để tiếng cười phát ra khi xem một tiểu phẩm hài thực sự tự nhiên chứ không gượng ép.
Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Kiều (ngụ xã Bảo Quang, TX.Long Khánh): “Tôi rất thích các chương trình hài vì mang lại phút giây thư giãn nhẹ nhàng. Song hiện nay không có tiểu phẩm, tình huống nào mà diễn viên hài không giả gái. Đề nghị các diễn viên, thí sinh của sân khấu hài nên giảm bớt việc đóng giả gái vì rất khó coi, gây ức chế với người xem và ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em”.
Thêm vào đó, vì có quá nhiều chương trình hài nên khán giả hầu như không còn cảnh chờ đến ngày đến giờ mới được xem như trước kia mà hễ bật tivi là thấy… hài. Do vậy mà sự mong chờ, hồi hộp với hài cũng vì thế mà giảm hẳn. Đó là chưa kể nhiều tiểu phẩm hài cứ na ná nhau, không tạo được dấu ấn riêng.
Dường như cũng nắm được tâm lý của khán giả xem đài nên hiện 2 gương mặt hài kỳ cựu là Hoài Linh, Việt Hương đang hạn chế sự có mặt của mình trong nhiều chương trình. Riêng cặp đôi vợ chồng nghệ sĩ hài Tiến Luật - Thu Trang còn tự làm mới mình bằng cách thường xuyên xây dựng kịch bản mới và dựng thành phim hài ngắn để trình chiếu miễn phí trên trang mạng xã hội cá nhân. “Trong thời điểm mà có quá nhiều chương trình hài cùng lên sóng thì cách làm này với những tình huống hài độc, lạ hy vọng sẽ hút và tạo nên sự hứng khởi với người yêu hài” - nghệ sĩ hài Tiến Luật nói.
Văn Truyên