Sinh ra tại Quảng Nam, nhiều năm sống ở Đồng Nai, nhưng khi làm live show ở miền Trung thì lại báo hiếu mẹ tại tỉnh Phú Yên. Cách làm của danh hài Trường Giang phải chăng có gì đó ngược đời?
Trường Giang (trái) trong buổi họp báo tại TP.Hồ Chí Minh chiều 20-10. Ảnh: H.Hòa |
Live show Chàng hề xứ Quảng 2 của danh hài Trường Giang sẽ diễn 1 suất tại Phú Yên ngày 11-11 và 2 suất tại Đà Nẵng ngày 12-11. Vào lúc 15 giờ ngày 20-10 Trường Giang đã tổ chức họp báo về live show này tại TP.Hồ Chí Minh.
Lý do chọn Phú Yên, Trường Giang chia sẻ: “Cái này hơi riêng tư, tôi đã muốn giữ riêng trong gia đình, nhưng đã hỏi thì phải chia sẻ, kẻo mọi người hiểu lầm. 30 năm trước má tôi mất vì tai nạn ở Phú Yên, lúc đó tôi còn nhỏ xíu, mà từ đó đến nay tôi chẳng làm nên trò trống gì, đói kém, học hành dang dở. Thế nên khi về miền Trung làm live show riêng, tôi muốn đến nơi má mất để báo hiếu trước, để nói với má rằng con đã tạm hết đói, đã tự lập được rồi”.
Trường Giang cũng quan niệm rằng con người khi lớn lên, đi đây đi đó nhiều, khái niệm quê hương cũng phải rộng hơn, bao dung hơn. Như miền Trung đang bão lụt, dân TP.Hồ Chí Minh quyên góp rầm rộ, vô tư, mà phần nhiều đâu cứ phải là người miền Trung. Trường Giang cho hay: “Tuy chủ đề của live show là Về quê, nhưng tôi cũng không cố phải là thôn xóm hoặc xã huyện nơi tôi sinh ra, mà là cả khúc ruột miền Trung. Chứ nếu được thì tôi đã làm live ngay trong xóm, nơi tôi đã ra đời, hoặc nơi tôi đã gắn bó như ở Đồng Nai hay TP.Hồ Chí Minh”.
“Cuộc sống dường như sắp đặt sẵn rồi. Mẹ tôi giỏi lắm nhưng không ở với bọn tôi lâu được. Từ khi mẹ mất, ba tôi nhiều năm liền dắt díu bầy con chạy đi chạy về giữa Đồng Nai và Quảng Nam để tìm đường sống nhưng khổ thì cứ khổ hoài. Nên Đồng Nai và Quảng Nam với tôi không chỉ là quê hương đơn thuần, kiểu gì tôi cũng sẽ làm show riêng ở 2 tỉnh này”, Trường Giang tâm sự.
Live show Chàng hề xứ Quảng 2 có sự tham gia của các khách mời như Đàm Vĩnh Hưng, Chí Tài, Hoàng Sơn, Cát Phượng, Trấn Thành, Hiền Thục, Thu Trang, Tiến Luật, Kiều Minh Tuấn, Lâm Vỹ Dạ, Trương Quốc Bảo, MC Thành Trung… Chương trình gồm 3 tiểu phẩm chính: Ai rồi cũng sẽ già, Con tôi là giám đốc, Cuộc đời không như là mơ.
Cả 3 tiểu phẩm chính đều do Trường Giang viết kịch bản, vì anh muốn cái chất chịu thương chịu khó của xứ của miền Trung phải được thể hiện đậm nét nhất. Trường Giang vốn không thích đao to búa lớn, nên các kịch bản đều là những câu chuyện gần gũi, dung dị nhưng có thông điệp đủ sâu sắc để khán giả có thể xem đi xem lại 4-5 lần khi live show này lên YouTube, in DVD.
Trường Giang không tự nhận mình xuất sắc, nhưng anh khẳng định mình chắc chắn không phải hạng tồi hoặc “mì ăn liền” trong live show lần này, nên điều mà khán giả nhận về hoàn toàn xứng đáng với tiền vé bỏ ra.
Tròn 10 năm hoạt động nghệ thuật, Trường Giang đã thực hiện được ước mơ “nổi tiếng”, thoát nghèo của mình. Anh đi lên bằng sự yêu nghề, từ một diễn viên “phụ của phụ”, từng chạy ào ra sân khấu chỉ trong vòng 30 giây, không nói được câu thoại nào rồi… đi vô, hết phân đoạn. Trường Giang chia sẻ: “Từ một thanh niên nghèo ở dưới quê, tôi chen chân vào showbiz với nhiều khó khăn và tủi nhục. Còn nhớ cách đây 3 năm, tôi còn chưa có đủ 2 triệu để đóng tiền nhà trọ. Không dám mượn bạn bè vì sợ làm phiền, tôi nhịn ăn nhịn uống mới có đủ số tiền lớn khủng khiếp đó để đóng tiền nhà thuê. Cũng từ đó, tôi vừa khóc, vừa viết một tờ giấy và dán lên đầu tủ lạnh giữa nhà dòng chữ “Phải nổi tiếng”, nếu không làm được điều này tôi cảm thấy mình không làm được gì cho cuộc đời này và thiếu trách nhiệm với gia đình. Đôi khi tôi tuyệt vọng muốn chết, rồi nghĩ đến mẹ đã khó nhọc sinh ra mình, tôi lại đứng dậy bước tiếp. Đứng trên sân khấu, nhiều khi tôi chỉ mong mẹ ở đâu đó nhìn thấy con trai đang cố gắng từng giờ và mỉm cười, như vậy tôi đã rất mãn nguyện”.
Hiền Hòa