(ĐN)- Sáng 27-8, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã tổ chức lễ tưởng niệm 128 năm Ngày mất Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu (1888-2016).
* Nói chuyện về bạo lực học đường cho hơn 100 học sinh và giáo viên
Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh nói chuyện với hơn 100 em học sinh, giáo viên đến từ Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Long Thành) về tình trạng bạo lực học đường. |
Hơn 100 học sinh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Long Thành) cùng Ban giám đốc Trung tâm Văn miếu Trấn Biên, đại diện Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, Hội Luật gia Đồng Nai đã có mặt tại Nhà bái đường để thành kính dâng hương và tưởng nhớ Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Hơn 100 em học sinh, giáo viên đến từ Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tham quan tượng cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu |
Đến tham quan Vườn tượng danh nhân văn hóa, nơi đặt tượng cụ Đồ Chiểu, học sinh được nghe thuyết minh về cuộc đời danh nhân. Nguyễn Đình Chiểu sinh ở làng Tân Thới, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Cuộc đời ông chịu nhiều bi kịch: 2 mắt bị mù, đường công danh dở dang lại sống trong cảnh đất nước ta bị giặc Pháp xâm lăng. Khi 3 tỉnh miền Đông Nam bộ rơi vào tay quân Pháp, do không chịu sống trong vùng bị chiếm đóng nên Nguyễn Đình Chiểu đã cùng gia đình về làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) sinh sống và dạy học, bốc thuốc, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ với những sĩ phu yêu nước và các lực lượng kháng chiến. Ông nêu cao lòng yêu nước, thẳng thừng từ chối hợp tác với giặc. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm, trong đó có các truyện thơ (Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp...), nhiều bài thơ, bài văn tế (Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định...).
Văn Truyên